TP.HCM: Đưa nông dân xuất ngoại học nghề nông

(thegioitiepthi.vn) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân TP.HCM đã tích cực tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Đáng chú ý, sau các chuyến xuất ngoại, nhiều nông dân đã trở về địa phương đã áp dụng phương thức sản xuất mới, thay đổi cách tiếp cận thị trường.

Thay đổi tư duy làm nông

Là một trong những thành viên tham gia chuyến học tập tại Malaysia và Singapore vào năm 2016, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền ở huyện Củ Chi coi đây là một bước ngoặt trong cuộc đời gắn bó với nghề trồng hoa lan. Sau khi trở về nước, chị Huyền đã tiếp thu, hoàn chỉnh quy trình sản xuất vườn lan theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống, bón phân, tưới nước…

  Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền chia sẻ kinh nghiệm trồng lan học được sau các chuyến xuất ngoại với đoàn công tác Hội Nông dân TP.HCM. 

Bên cạnh đó, chị Huyền mở rộng diện tích vườn lan lên 5ha và cải tạo theo hướng kết hợp làm du lịch sinh thái, mang lại thu nhập bình quân 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chị Huyền đã chủ động thành lập hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại với 13 thành viên tham gia với diện tích trồng lan trên 30ha. Sản phẩm trồng hoa của hợp tác xã được cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia.

Theo Đề án đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài giai đoạn 2013-2018 của TP.HCM có kinh phí 6,120 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện đề án học tập nước ngoài là gần 4 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, nông dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng. Ðối tượng tham gia gồm có nông dân sản xuất giỏi, thành viên ban chủ nhiệm các hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác,… chiếm 80% số lượng người tham gia đoàn, được hỗ trợ 70% kinh phí; 20% số suất đi còn lại dành cho cán bộ quản lý và được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí.

Theo chị Huyền, ngày nay việc xuất ngoại khá dễ dàng, nhưng nếu cá nhân tự đi thì rất khó có thể vào được nhà máy hay được những người có chuyên môn tiếp đón. Không những trao đổi về kỹ thuật, những chuyến đi cũng sẽ mở ra cơ hội kinh doanh, làm quen với đối tác để trao đổi những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh.

Không chỉ những người trồng lan như chị Huyền mới quan tâm đến công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp mà những hộ dân dù có nhiều năm sản xuất ổn định theo hình thức truyền thống, nhưng thông qua các chuyến đi “mở mang” tầm nhìn, sau đó trở về thay đổi để nâng cao giá trị sản xuất trên mảnh đất của mình. Anh Nguyễn Minh Khánh là Giám đốc hợp tác xã sữa bò ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi), chuyên thu mua sữa nguyên liệu cho nông dân trong vùng. Năm 2014, anh Khánh được học tập tại Hàn Quốc. “Sau khi về nước, tôi nhận thấy TP.HCM có đàn bò sữa lớn nhất nước, nhưng người nông dân chăn nuôi bò sữa còn nhiều thiệt thòi, chưa xây dựng được thương hiệu sữa bò. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn cùng với hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa với nhãn hiệu “Sữa Củ Chi” cung cấp cho các trường học và siêu thị. Hiện, doanh thu hợp tác xã bình quân đạt 113 tỷ đồng/năm”- anh Khánh thông tin.

Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân

Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết: Theo 2 đề án đưa cán bộ, hội viên nông dân đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và  nước ngoài được UBND thành phố phê duyệt, trong 5 năm (2013-2018), hội đã tham mưu tổ chức 6 chuyến đi học tập tại 5 nước Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và 12 chuyến học tập ở 22 tỉnh, thành phố ở khắp cả nước cho 596 người. Trong đó, số lượng nông dân tham gia là 476 người. Riêng trong năm 2018, thành Hội đã tham mưu tổ chức đi học tập Nhật Bản cho 25 thành viên. Kết quả là đã có 113 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp đã ứng dụng những kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, trong đoàn còn có 120 thành viên là cán bộ quản lý các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp.

Theo bà Mai, đối với cán bộ Hội Nông dân và Sở NNPTNT được tham gia đề án, sau các chuyến đi học tập đã đề xuất, tham mưu, kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Điển hình như Quyết định 26/2015/QĐ-UBND ngày 8/6/2015 về ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ thành lập mới trên địa bàn. Theo đó, các hợp tác xã mới thành lập được hỗ trợ nhiều nội dung với tổng mức hỗ trợ lên đến 100 triệu đồng/hợp tác xã.

Hay việc tham mưu điều chỉnh, bổ sung về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Kết quả, giai đoạn 2011 - 2017, quận, huyện đã phê duyệt 7.597 quyết định với với 22.000 lượt vay, tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 53.000 lao động. 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã quyết định cho 430 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng đầu tư trên 457 tỷ đồng, tổng vốn vay trên 305 tỷ đồng.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : TP.HCM, nông dân, học nghề nông