Mách bạn cách đặt tên nâng tầm thương hiệu như Nike, Spotify hay Chanel

Có thể bạn không thích Nike, thương hiệu bạn thích có thể là Under Armour. Nhưng tôi không nghĩ liệu ai đó có thể tranh luận rằng từ Under Armour có sức mạnh tương đương với từ Nike - mạnh mẽ, khéo léo và đầy sức thuyết phục.

Chanel, Nike, Supreme, Chevrolet, Starbucks, McDonald’s, Tesla, Coca-Cola, Apple, Microsoft, General Electric, Disney, Google, Pepsi, FedEx, 3M, Honda, Hewlett Packard, Colgate, Rolex, Kodak, Lacoste, Verizon, Virgin, National Geographic và Target…

Tôi luôn thấy cực kỳ thích những tên thương hiệu này vì sự đa dạng của chúng. Chúng đều là những thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng tên lại chẳng hề có điểm chung. Một số thì dài, một số lại ngắn. Một số được đặt theo tên trái cây, một số lại được đặt theo tên người. Một số tên là những từ đã có từ rất lâu, một số lại là từ vừa được tạo ra.

Tên thương hiệu là định danh chính được mọi người biết đến của mỗi doanh nghiệp nhưng quá trình đặt tên thương hiệu vẫn còn khá mơ hồ.

Liệu các nhà sáng lập thương hiệu này chỉ ngồi đó rồi bỗng cái tên thương hiệu đáng giá hàng tỉ USD của họ xuất hiện hay họ được ai đó mách nước? Dường như không có con đường chắc chắn nào cả.

Dù bạn là một nhà thiết kế đang tìm kiếm tên cho sản phẩm hay một doanh nhân đầy tham vọng đang tìm kiếm tên hoàn hảo cho đứa con tinh thần thì bạn đã đến đúng chỗ rồi đấy. Dưới đây là hướng dẫn kỹ lưỡng về cách đặt tên thương hiệu hoặc ít nhất là cách người khác đã làm.

Hãy cứ làm… như Nike!

Nike là một trong những nhãn hàng có tính hình tượng nhất mọi thời đại, nhưng tên nó chỉ có bốn chữ cái. Gã khổng lồ trong lĩnh vực thể thao được đặt theo tên của vị nữ thần Hy Lạp cổ đại Nike - hiện thân của sự chiến thắng.

Như luật bất thành văn, đa số mọi người tin rằng những người chiến thắng mang Nike. Ý nghĩ này đã được nhãn hàng đóng đinh vào suy nghĩ của người tiêu dùng năm này qua tháng khác, cũng như là việc họ tài trợ cho những vận động viên nổi tiếng nhất mọi thời đại như Michael Jordan, Serena Williams hay Tiger Woods.

Thực sự thì tên thương hiệu đóng vai trò tuyệt vời trong quá trình phát triển của Nike. Có thể bạn không thích Nike, thương hiệu bạn thích có thể là Under Armour. Nhưng tôi không nghĩ liệu ai đó có thể tranh luận rằng từ Under Armour có sức mạnh tương đương với từ Nike- mạnh mẽ, khéo léo và đầy sức thuyết phục.

Vậy ta có thể học được gì từ Nike? Một cách để bạn đặt tên thương hiệu là hãy bắt đầu nghĩ đến những từ đặc trưng bạn muốn khách hàng nghĩ đến khi họ thấy hoặc nghe đến thương hiệu. Ví dụ khi nói đến Nike, những từ như chiến thắng, thắng lợi, thi đấu, thể thao,... chợt lóe lên trong đầu mọi người

Khi bạn nghĩ ra những từ này, hãy viết lại chúng và bắt đầu nghĩ đến con người, địa điểm và những thứ đại diện cho chúng. Nếu công ty của bạn là một công ty bảo hiểm muốn giới thiệu sản phẩm mới như là "bảo hiểm cho thú cưng", hãy tìm những thứ đại diện cho sự bảo vệ.

Vậy nên, GEICO quyết định họ tiến vào thị trường bảo hiểm cho thú cưng với một sản phẩm bảo hiểm giá rẻ hoàn toàn mới là… Turtle Insurance, vì mỗi thú cưng trong mỗi gia đình đều xứng đáng có được một lớp vỏ bảo vệ. Tôi cá là nếu bạn ngồi suy nghĩ hơn 2 phút thì bạn sẽ nghĩ ra gì đó còn hay hơn. Dù gì đi nữa, bạn biết ý tưởng rồi đấy.

Tạo ra một từ cho thương hiệu của bạn

Có một xu hướng trong giới khởi nghiệp trong suốt 10 năm qua: Lấy một từ và thêm "-ify" ở cuối và bạn có được tên thương hiệu.

Spotify và Shopify là đáng chú ý nhất nhưng cũng có hàng tá những thương hiệu khác nữa… Roadify, Wingify, Voicify, Klinify, Magnetify, Scoutify, Crowdify, Playlistify… danh sách cứ dài, cứ dài mãi.

Tóm lại, đừng làm vậy. Chẳng sáng tạo hay thú vị gì cả. Và cực kỳ khó nhớ. Những cái tên như "Playlistify" khá khó nhớ và thậm chí còn khó phát âm nữa. Tôi cho rằng, Spotify và Shopify là một trong những trường hợp đặc biệt phù hợp.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ tạo nên một từ mới cho tên thương hiệu của bạn là ý tồi.

Trong khi ngày nay, chúng ta nghĩ từ "Dumpster" là một từ thực sự, thực chất nó là tên thương hiệu được sáng tạo bởi anh em nhà Dempster - họ nói lái họ của mình là "Dempster" thành "Dump".

Sự pha trộn của hai từ này được gọi là "từ kết hợp" và là một ví dụ tuyệt vời cho các thương hiệu đang cố gắng biến tên mình trở thành một từ thực sự được sử dụng hằng ngày.

Hãy nghĩ đến: Google và Kleenex.

Giờ ít ai nói tìm kiếm gì đó trên Internet. Họ nói rằng họ sẽ "Google nó/ Google thử xem". Cũng tương tự với Kleenex. Bạn sẽ hỏi "Cho tôi một tờ khăn giấy được chứ?" hay "Cho tôi một miếng Kleenex được chứ?"

Zipper, Windbreaker, Trampoline, Videotape, Styrofoam, Realtor, Popsicle, Frisbee và Laundromat đều là những từ được tạo ra bởi các thương hiệu và con người.

Nếu bạn có thể thành công tạo ra một cái tên thương hiệu trở thành một từ được dùng hằng ngày, vậy thì bạn thành công rồi. Vậy làm thế nào để bạn tạo ra một tên thương hiệu? Điều này khá thử thách và chắc chắn là một việc cần có sự góp ý của người khác (bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và các khách hàng tiềm năng).

Tuy nhiên, tôi nghĩ chiến lược "từ kết hợp" là lựa chọn tốt nhất để tạo nên một từ mới hoàn toàn. Tương tự với lời khuyên ở phần trước, hãy bắt đầu liệt kê ra những từ định nghĩa thương hiệu của bạn. Khi bạn hoàn thành điều đó… hãy bắt đầu kết hợp chúng với nhau.

Vậy hãy lấy ví dụ là gói bảo hiểm thú cưng của GEICO… thay vì là Turtle Insurance (Bảo hiểm con rùa) thì nó có thể là Turtlesurance. Hoặc có thể GEICO quyết định ghép tên thương hiệu với từ "pet" - PETICO. Bạn hiểu chứ.

Rủi ro lớn nhất ở đây là tạo ra từ gì đó nghe ngu ngốc… như Turtlesurance chẳng hạn. Khi bạn soạn ra một danh sách 25 từ kết hợp, hãy đưa chúng cho bạn bè và người thân xem thử. Nhờ họ đọc to các từ lên. Sau đó, trong 2-3 ngày, hãy hỏi họ xem họ thích từ nào nhất. Họ sẽ chỉ nhớ được những từ kẹt lại trong tâm trí họ. Hãy chọn từ một trong những từ đó.

Bối rối quá thì hãy sử dụng họ của bạn (nếu nó không quá nhàm chán)

Thời gian trước đây, khi quảng cáo là thứ thú vị nhất, các công ty quảng cáo đã thu được hàng triệu USD nhờ giúp các nhãn hàng lớn đưa ra những câu khẩu hiệu dí dỏm cho sản phẩm của họ.

Nhiều công ty quảng cáo ngày đó được đặt tên theo họ của người sáng lập (một số vẫn còn hoạt động đến ngày nay). Ogilvy, Saatchi & Saatchi, Deutsch, Leo Burnett và Wieden + Kennedy là một số ví dụ tiêu biểu nhất.

Nếu bạn đang cân nhắc hướng đi này cho tên thương hiệu của mình, thì các nguyên tắc khá đơn giản. Hỏi một vài người xem họ có nghĩ rằng họ của bạn có hay không. Đừng nghe theo câu trả lời của họ, thay vào đó hãy quan sát sắc mặt họ. Bạn sẽ biết được điều cần biết.

Cuối cùng, đừng sợ phải tra từ điển

Có khoảng gần 250.000 từ trong tiếng Anh có nghĩa là có rất nhiều lựa chọn cho tên thương hiệu. Nếu bạn sẵn sàng tra từ điển, sớm muộn gì bạn cũng tìm ra từ bạn cần.

Mai Lâm

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : thương hiệu, Nike, Spotify, Chanel