Dân số già nua, bị Trung Quốc hất khỏi vị trí nền kinh tế thứ 2 thế giới, đây là lý do tại sao Nhật Bản vẫn rất có tầm ảnh hưởng
Từng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất để xây dựng vị thế, Nhật Bản giờ đây vẫn là một quốc gia có ảnh hưởng dù đương đầu hàng loạt thách thức mới.
Nhật Bản vừa có một triều đại mới với tên gọi Reiwa (Lệnh Hòa). Sự kế vị trong hoàng gia là những khoảnh khắc đầy cảm xúc, là bước ngoặt của Nhật Bản. Năm 1989, thời đại Heisei hay còn gọi là thời kỳ Bình Thành, bắt đầu với sự ra đi của Thiên hoàng Hirohito. Sự kiện được đánh dấu bằng việc Nhật hoàng Akihito đăng cơ ngôi vị thiên hoàng thứ 125. Thái tử Naruhito vừa nối ngôi khi thực hiện một nghi thức truyền thống trong triều đình Nhật Bản với một thanh kiếm cổ, gương và viên ngọc quý – những biểu tượng này được gọi là ba báu vật linh thiêng.
Ba thập kỷ thịnh vượng của Nhật Bản trôi qua rất nhanh. Một ý kiến khá phổ biến cho rằng đất nước này đang phải trải qua một trang lịch sử tồi tệ. Danh tiếng "người khổng lồ kinh tế", có được trong cuộc cải cách cuối thế kỉ XIX thời Minh Trị và sự phục hồi tuyệt vời sau Thế chiến thứ II, đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công, nguy cơ giảm phát. Và trên hết, sự đi lên không ngừng của Trung Quốc đã đẩy Nhật Bản xuống trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới. Lúc này, Trung Quốc là nền kinh tế thống trị châu Á.
Nhật Bản đã không còn những niềm tự hào kinh tế, vốn từng khiến các CEO phương Tây khiếp sợ, như những năm 1980. Tuy nhiên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không bị cuốn vào những vũng lầy. Nhật Bản vẫn là một quốc gia giàu có, nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất và tàu cao tốc nhanh nhất. Các ngành công nghiệp ô tô và robot của Nhật Bản vẫn đứng hàng đầu và đây là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất. Nhật Bản là một siêu cường tài chính, là một quốc gia chủ nợ và nhà đầu tư, viện trợ hàng đầu thế giới. Các siêu ngân hàng của Nhật Bản là những nhà cho vay lớn nhất ở châu Á ngoài Trung Quốc.
Nhật hoàng Akihito và Thái tử Naruhito, người vừa nối ngôi.
Hiện tại, Nhật Bản giống như một hòn đảo ổn định khi các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với những cuộc tranh luận về dòng vốn không ổn định, thương mại tự do và biên giới mở. Cuộc chiến bất bình đẳng thu nhập và văn hóa ở Mỹ, các cuộc biểu tình trên đường phố ở Paris, hay Brexit không ảnh hưởng tới người Nhật Bản.
Trung tâm của sự chú ý trong thời gian khủng hoảng
Ngoài những thành tựu, Nhật Bản dưới thời kỳ Heisei (Nhật hoàng Akihito trị vì) cũng gặp hàng loạt khó khăn và thách thức. Đó là tự động hóa với tốc độ cao, dân số già hóa nhanh, nhu cầu trì trệ, nợ xấu xuất hiện sớm. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc ở các mức độ khác nhau trong những thập kỷ tới. Khi đó, Nhật Bản có thể có nhiều điều để dạy thế giới.
Nhật Bản đã vô thức trở thành nơi thử nghiệm một số chính sách kinh tế khá triệt để. Lãi suất 0%? Ngân hàng Nhật Bản đã làm điều đó từ 20 năm trước. Một vài năm sau đó quốc gia này đã giới thiệu khái niệm "nới lỏng định lượng" với toàn cầu khi bắt đầu một chương trình mua tài sản (trái phiếu, thậm chí là cổ phiếu và bất động sản) tràn ngập hệ thống ngân hàng với đồng yên Nhật. Các ngân hàng trung ương khác đẩy mạnh việc này vào năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã làm theo để ngăn chặn sự sụp đổ tài chính toàn cầu. Với việc Fed hiện đang tạm dừng tăng lãi suất, Mỹ và châu Âu đã tự hòa giải với lãi suất thấp và các bảng cân đối ngân hàng trung ương do Nhật Bản tiên phong.
Nhiều người đánh giá cao những nghịch lý sống tinh tế ở Nhật Bản: sự phổ biến của công nghệ hiện đại, thời trang toàn cầu nhưng không mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là nơi giữ được trung tâm của sự chú ý trong khoảng thời gian khủng hoảng cho dù đó là vụ tấn công khủng bố một giáo phái vào năm 1995 trên một chuyến tàu điện ngầm ở Tokyo hay trận động đất và sóng thần Tohoku kinh hoàng, giết chết gần 16.000 người và gây ra sự cố lò phản ứng hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 3/2011.
Không chỉ có vấn đề về kinh tế dài hạn, Nhật Bản cũng có các ngành công nghiệp đang chết dần. Nghèo đói ở thành thị và nông thôn làm cho người ta hoài niệm về quá khứ huy hoàng hay tạo ra sự phân biệt tầng lớp sâu sắc. Bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng nó không giống như sự mất cân đối ở Mỹ. Các CEO ở đây không kiếm được gấp 271 lần lương của người lao động như Mỹ.
Các gia đình trung lưu Nhật Bản, với thu nhập trung bình hàng năm khoảng 46.000 USD, có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ biến với giá cả hợp lý, cho con theo học các trường tiểu học xuất sắc và trường đại học công chất lượng với mức học phí vào khoảng 7.000 đô la Mỹ mỗi năm. Nhật Bản có nhiều người đoạt giải Nobel hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác. Quốc gia này có thị trường việc làm chặt chẽ nhất trong nhiều thập kỷ, với tỷ lệ thất nghiệp là 2,5%. Đúng là có rất nhiều công nhân trẻ tuổi phải làm các công việc bán thời gian lương thấp nhưng họ không có gánh nặng nợ nần của sinh viên.
Triển vọng kinh tế cho giới trẻ Nhật Bản sẽ cho thấy Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ giải quyết rất tốt một trong những vụ sụp đổ nhân khẩu học tự nhiên lớn nhất trong lịch sử loài người. Dân số Nhật Bản, đã giảm 450.000 người trong năm 2018 và đang trên đà giảm xuống dưới 100 triệu dân vào giữa thế kỉ này. Đây là một quốc gia có dân số già với hơn một phần tư số người trên 65 tuổi. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với năng suất, sản lượng tiềm năng và tăng trưởng thu nhập.
Tuy nhiên, trong khi trí thông minh nhân tạo và sự trỗi dậy của máy móc làm cho các công đoàn lao động và chính trị gia phương Tây phải lo sợ, chúng lại được chào đón ở đây. Nhật Bản là một trong những nền kinh tế tích hợp robot nhiều nhất trên thế giới và các công ty như Fanuc, Sony và Yaskawa Electric là những nhà xuất khẩu hàng đầu trong ngành công nghiệp robot.
Một thị trường trong nước lớn đang được mở ra đối với các thiệt bị, máy móc tự động hóa. Chúng xử lí các công việc thường ngày, giúp người lao động lớn tuổi tiếp tục công việc và đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. Robot xuất hiện ở sân bay trong việc hỗ trợ bốc xếp hanh lý, nhân viên tiếp tân robot đón khách tại các cửa hàng và khách sạn ở Tokyo. Sắp tới trợ lý robot sẽ được gửi đến Thế vận hội Mùa hè 2020 để giúp người hâm mộ tìm chỗ ngồi và mang đồ ăn, đồ uống.
Đồng thời đã có một cuộc kiểm tra lặng lẽ của chính sách thị thực Nhật Bản đối với sự tràn vào ồ ạt của lao động Trung Quốc, Việt Nam và Philippines làm cho số lượng lao động nước ngoài tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. 1,5 triệu lao động nước ngoài là con số tương đối thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng Nhật Bản đang dần thu hẹp khoảng cách này. Bắt đầu từ tháng 4, lần đầu tiên Nhật Bản sẽ bắt đầu cấp thị thực cho lao động nước ngoài không có kỹ năng với hy vọng thu hút hơn 345.000 lao động nước ngoài vào năm 2024. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Nhật Bản cần phải kết hợp tự động hóa sâu hơn và tăng công nhân nhập cư để tăng số liệu năng suất của mình.
Nhật Bản đang bỏ rất xa Trung Quốc
Quỹ Tiền tệ Quốc tế chốt mức nợ công của chính phủ Nhật Bản ở mức 236% tổng sản phẩm quốc nội nhưng đây không phải là mối quan tâm hàng đầu. Hầu hết trái phiếu chính phủ được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính và công cộng trong nước. Với mức lãi suất thấp hiện hành, các khoản thanh toán nợ không phải là một gánh nặng. Các công ty Nhật Bản, trong khi đó, đang có trong tay rất nhiều tiền mặt.
Hồ sơ nợ Nhật Bản ít rủi ro hơn nhiều so với Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng hạn chế chi tiêu hoang phí nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính có hệ thống nhưng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại rất nhanh, buộc chính phủ phải có các biện pháp hỗ trợ.
Hầu hết các vấn đề tín dụng của Trung Quốc nằm trong khu vực doanh nghiệp. Bloomberg ước tính tổng số nợ của chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp là 30.000 tỷ USD, khoảng 259% GDP và sẽ đạt tới con số 327% GDP vào năm 2022. Nói cách khác, Trung Quốc, giống như Nhật Bản, phải đối mặt với những thách thức nợ lớn từ vị thế tương đối yếu hơn.
Theo dữ liệu của IMF, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng khoảng một phần tư của Nhật Bản. Trung Quốc còn một chặng đường dài để trở thành quốc gia giàu có như Nhật Bản đã làm được nhiều thập kỷ trước.
Trong lĩnh vực văn hóa, Nhật Bản lại ở thế chủ động. Quay trở lại năm 1988, chỉ một năm trước khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi, một bộ phim hoạt hình có tên Akira đã được phát hành, lấy cảm hứng từ một bộ truyện tranh nổi tiếng. Với bối cảnh là một Tokyo mới hậu tận thế vào năm 2019, Akira đi theo con đường cyberpunk (khoa học viễn tưởng tập trung vào công nghệ cao) và đấu tranh chống lại các chính trị gia và nhà khoa học tham lam. Nó được coi là một trong những bộ phim hoạt hình hay nhất từng được thực hiện và giúp làm mới mối quan tâm toàn cầu đối với anime Nhật Bản. Sau đó nhà làm phim hoạt hình và đạo diễn Hayao Miyazaki cho ra mắt tác phẩm Spirited Away năm 2001 thành công rực rỡ và đã giành được một giải Oscar và là bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản.
Những năm thời Heisei cũng chứng kiến một cuộc di cư khổng lồ của các tài năng Nhật Bản: Cầu thủ bóng chày Hideki Matsui, Hideo Nomo và Ichiro Suzuki đã đạt được thành công lớn ở Hoa Kỳ, và các nhà thiết kế thời trang Nhật Bản như Issey Miyake và Yohji Yamamoto mở rộng tầm ảnh hưởng của họ. Và với kì Thế vận hội Olympic 2020 sắp tới, vùng đất của những ngôi đền cổ, những dãy núi hiểm trở, khu nghỉ dưỡng suối nước nóng và núi Phú Sĩ hiện là một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới, theo Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hiệp Quốc.
Phân tích điểm số về tăng trưởng GDP đã bỏ lỡ một thực tế: Nhật Bản giàu có, Nhật Bản làm việc và Nhật Bản là trung tâm của sự chú ý. Cho dù đất nước này phải trải qua thất bại nào về kinh tế, sự ảnh hưởng văn hóa trên toàn thế giới của Nhật Bản đã diễn ra gần 30 năm nay. Thời đại Heisei vẫn mang lại cho Nhật Bản một xuất phát điểm rất tốt để tiến bước vào một kỷ nguyên mới.
Theo Ngọc Anh
Trí thức trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Dân số, già nua, Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2, Nhật Bản, tầm ảnh hưởng