Muốn hết 'sóng gió', ngành mía đường phải... tự lớn
Đánh giá đây là thời điểm khắc nghiệt nhất đối với ngành mía đường từ trước đến nay, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường phải tự đổi mới để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Tiêu thụ đường chậm, nhiều nhà máy thua lỗ
Thông tin các doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan từ 3-5 năm, tức là tiếp tục trì hoãn thực thi các cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Nếu theo đúng cam kết trong hiệp định này, ngành mía đường chỉ còn vài tháng để thay đổi nếu không muốn… chết.
Nông dân trồng mía đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.L
Đây không phải là lần đầu tiên những vấn đề này được đưa ra bàn thảo, ngay khi ATIGA có hiệu lực (năm 2018), ngành mía đường được cho là sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn nếu không sớm tự thay đổi. Ngay sau đó, ngành mía đường được “giãn” thời gian thực hiện ATIGA đến năm 2020.
Nhưng trên thực tế, ngay từ khi ý tưởng ký kết ATIGA được hình thành, ngành mía đường đã được cảnh báo. Vậy sau bao nhiêu năm, ngành đã thay đổi được những gì hay vẫn dậm chân tại chỗ?
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2018 - 2019 là năm thứ ba liên tiếp, ngành chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế, dẫn đến kết quả kinh doanh giảm sút, thua lỗ của nhiều nhà máy/công ty trong niên vụ 2017 - 2018.
Tính đến ngày 15.3, có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại. Giá đường được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến của đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg.
Nguyên nhân chủ yếu là do tồn kho lớn từ trước, buôn lậu chưa giảm. Đường lỏng nhập khẩu tiếp tục gia tăng, cụ thể, năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn, năm 2018 nhập khẩu 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần.
Ước thực hiện niên vụ 2018 - 2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015 - 2016 và 2016 - 2017. Dự kiến, tình hình sản xuất niên vụ 2019 - 2020 sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2018 - 2019, diện tích còn khoảng 220.000ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so với niên vụ 2018 - 2019.
Để "bã mía quý hơn nước mía"
Tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tại các nước, cơ cấu sản phẩm đường chỉ chiếm 60%, còn lại 40% là các sản phẩm phụ (điện, cồn, phân vi sinh...). Trong khi đó, các nhà máy Việt Nam chủ yếu làm ra sản phẩm đường nên chi phí giá thành sản xuất cao, không đủ sức cạnh tranh với đường của các nước, nhất là Thái Lan.
Chính vì thế, câu chuyện cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh đã được đặt ra với mục tiêu phấn đấu giá thành đường về dưới 10.000 đồng/kg.
Theo hướng đi này, cùng với sản phẩm đường các loại, các doanh nghiệp/nhà máy sẽ phát triển thêm các sản phẩm như điện sinh khối từ bã mía, nhiên liệu sinh học (ethanol, cồn từ mật rỉ và mía), phân bón hữu cơ, phân vi sinh từ bã bùn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành mía đường nên tận dụng bã mía để làm nấm. Bộ trưởng dẫn chứng bằng mô hình trồng nấm rơm tại Lâm Đồng, cứ 1m2 nấm rơm bằng công nghệ của Nhật Bản cho 20kg nấm mà 1kg nấm bây giờ bán với giá 450.000 đồng.
Với công nghệ như vậy, Bộ trưởng khẳng định lúc đó “bã mía quý hơn nước mía” và khuyên các doanh nghiệp nên sang Nhật Bản học công nghệ, nhập giống gốc về và ngành mía đường phải có viện chuyên sâu về cái này. Theo Bộ trưởng, việc dùng bã mía làm nấm là tốt, sau bã có thể làm phân. Đặc biệt, nấm sẽ là sản phẩm thức ăn tiềm năng, trong 10 năm nữa chưa sản xuất đủ.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành mía đường, Bộ trưởng cho rằng phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành Hiệp hội, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất giống 3 cấp để đáp ứng đủ giống cho nông dân trồng, qua đó nâng cao năng suất trồng mía của Việt Nam. Cùng với đó, ngành mía đường cần cơ giới hóa tất cả các khâu.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : sóng gió, ngành mía đường