Hạn chế tín dụng đen: Giải bài toán thủ tục nhanh, an toàn vốn

Làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục cho vay nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng“ là mục tiêu hàng đầu trong đẩy lùi tín dụng đen thông qua mở rộng kênh tín dụng chính thức. Song để làm được điều đó, cần sự có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội”. Đây là quan điểm được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh tại cuộc họp bàn về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen ngày 9.4. ]]>

Sáng nay 9/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.  

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, thời gian qua, tín dụng đen gia tăng đã gây ra những hệ lụy rất lớn tới đời sống của người dân. Vì vậy, nhằm hạn chế tín dụng đen đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, NHNN trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực.

 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp

Cụ thể, NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như: Cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay hỗ trợ nhà ở; Cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH...

NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Nhiều quyết sách được đưa ra, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, việc giải quyết tốt tín dụng chính thức sẽ hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, để hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen cần phải có sự vào cuộc, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân Việt Nam, đoàn Thành Niên...

“Ngân hàng không thể có chi nhánh tới tận thôn, xã để có thể nắm bắt chính xác thông tin từng người vay vốn. Ví dụ như, người vay vốn thuộc xã nào, huyện nào, thông nào; họ có sử dụng vốn đúng mục đích hay không? Việc xác định đúng và trúng nhu cầu của khách hàng sẽ giảm được rủi ro trong hoạt động tín dụng. Đặc biệt, sẽ không còn tình trạng vô tình tiếp tay cho đối tượng sử dụng vốn không đúng mục đích”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục cho vay nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng" là mục tiêu hàng đầu trong đẩy lùi tín dụng đen thông qua mở rộng kênh tín dụng chính thức.

 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn báo chí bên lề cuộc họp

Điều này càng khẳng định vai trò của tổ chức, đoàn thể là cần thiết. Sự vào cuộc của các cơ quan địa phương và đoàn thể sẽ là "cánh tay nối dài" hỗ trợ cho các ngân hàng.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 27.3.2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018.

Trong đó, 2 cánh tay chủ lực của của hệ thống ngân hàng tại nông nghiệp, nông dân và nông thôn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian qua, đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giúp người dân từng bước xoá đói giảm nghèo.

Đến nay, Agribank cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với dư nợ gần 700 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 70% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank;Cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới với 2,7 triệu hộ nông dân vay vốn và dư nợ 458 nghìn tỷ đồng; Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính Phủ với 222 con tàu, dư nợ gần 6.000 tỷ đồng; Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp sau thu hoạch theo Quyết định 63, 68 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau nông nghiệp với dư nợ đạt 3.518 tỷ đồng (13 nghìn khách hàng); Cho vay hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 dư nợ đạt 1.535 tỷ đồng (30 nghìn  khách hàng); Cho vay tái canh cà phê 456 tỷ đồng với 2.856 khách hàng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hộ sản xuất và cá nhân đạt 724.000 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm, chiếm 71% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank.

Ngoài ra, Agribank đã cho vay thông qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng này cũng đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đạt 193.314 tỷ đồng, trong đó qua Hội Nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362 tỷ đồng, Hội Phụ nữ là 67.944 tổ với dư nợ là 75.675 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh là 31.292 tổ với dư nợ là 31.466 tỷ đồng và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 24.773 tổ với dư nợ là 25.811 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần giảm nạn tín dụng đen.

Sử dụng các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : tín dụng đen, thủ tục nhanh, an toàn vốn