Hộ sản xuất, doanh nghiệp bắt đầu 'ngấm đòn' tăng giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức tăng giá điện ở mức 8,36% từ 20/3 vừa qua. Theo đó, giá bán điện bình quân hiện tăng từ 1.720,65 đồng/kwh lên 1.864,44 đồng/kwh. Việc tăng giá điện bắt đầu tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp khi việc đóng tiền điện tháng đầu tiên sau tăng giá cận kề…
Hộ sản xuất, dân làng nghề lo ngay ngáy
Ông Nguyễn Quang Thoại, Chủ tịch hội Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo, phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo có hơn 300 hộ sản xuất. Mấy ngày nay, dân trong làng lo lắng, bàn tán xung quanh chủ đề điện tăng giá. Với nghề mộc, gần như tất cả các khâu trong quá trình sản xuất như cưa, đục, bào, sơn... đều phải dùng đến điện để chạy máy. "Dự kiến tiền điện tháng này của nhà tôi hơn 1,5 triệu đồng, tăng gần 150.000 nghìn đồng so với tháng trước. Một năm cộng lại, tiền điện tăng lên gần 2 triệu đồng. Đó là khoản tiền không nhỏ với gia đình tôi. Các gia đình mở xưởng lớn, tiền điện còn đội lên thêm tiền triệu mỗi tháng"- ông Thoại nói .
Là chủ cơ sở sản xuất đá ốp lát ở xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tư cho hay, trước kia, tiền điện cho sản xuất của anh khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nay giá điện tăng, phải trả thêm khoảng 150 nghìn đồng/tháng, tiền điện sử dụng ở gia đình cũng tăng. "Thời gian qua, giá bán mặt hàng đá ốp lát đang giảm xuống, mức tiêu thụ cũng giảm. Nay gia đình và xưởng sản xuất phải tốn thêm một khoản tiền để bù thêm chi phí sản xuất. Lãi đã thấp, nay tiền điện lại ăn thêm vào phần lãi. Chúng tôi cũng định cộng thêm tiền điện vào đá ốp lát bán ra nhưng rất khó nói với khách hàng. Nếu chúng tôi tăng giá, các cơ sở khác giữ giá, chúng tôi lại mất khách" - anh Tư nói
Cơ sở sản xuất đá ốp lát nhỏ của ông Nguyễn Văn Tư tốn thêm 150 nghìn đồng tiền điện/tháng nhưng chưa dám tăng giá sản phẩm.
Tăng chi phí cho điện tiền tỷ mỗi năm, doanh nghiệp tìm nhiều cách bù lỗ
Với các doanh nghiệp lượng điện tiêu thụ rất lớn nên việc tăng giá điện tác động không nhỏ. Ông Nguyễn Trường Sơn, GĐ Cty Minh Anh, chuyên sản xuất linh kiện vệ sinh tại Thanh Trì, Hà Nội cho hay, công ty chi hơn 10 tỷ đồng tiền điện. Nay giá điện tăng thêm hơn 8% sẽ phát sinh gần 1 tỷ đồng mỗi năm. "Đây là việc không hề đơn giản với chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác. Nói rộng ra, nền kinh tế đang rất khó khăn, chắc chắn giá điện ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình sản xuất của nhiều đơn vị" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty bao bì Nga Hải (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều rất khó khăn, lợi nhuận không thể so sánh với những năm trước. Giờ giá điện lại tăng làm doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Thông thường, giá điện tăng, giá thành sản phẩm cũng tăng. Tuy nhiên, đây là điều rất thách thức cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành các hợp đồng đã ký và cạnh tranh trong thời gian tới.
Ông Trần Thế Quang, GĐ phụ trách trung tâm Siêu thị điện máy Pico (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Lượng điện tiêu thụ tại siêu thị như chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, vận hành các máy móc… rất lớn. Dù chưa đóng tiền điện theo khung giá mới nhưng chắc chắn, mỗi tháng chúng tôi phải bù vào một khoản tiền đáng kể. Hiện nay, siêu thị này đang quán triệt với nhân viên phải tự giác tiết kiệm, tránh lãng phí.
Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã đối diện với việc tăng giá điện để tìm giải pháp. Anh Nguyễn Văn Phúc, Quản đốc nhà máy sản xuất giấy Phương Hùng, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh cho biết, nhà máy mất gần 600 triệu tiền điện/tháng. Giờ tăng giá điện, nhà máy phải bù thêm khoảng 50 triệu đồng/tháng. "Chúng tôi đang phải tìm nguồn tiền bù vào giá điện tăng", anh Phúc nói.
Dây chuyền sản xuất của nhà máy sản xuất giấy Phương Hùng, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh
Ông Phan Đức Minh, Giám đốc công ty dệt may Bình Minh (Nam Định) cho rằng: Với các doanh nghiệp dệt may, sản lượng điện tiêu thụ hàng năm là rất lớn. Thế nên một sự điều chỉnh nào về giá điện cũng ảnh hưởng trực tiếp, tạo ra thách thức. "Trước mắt chúng tôi đang điều chỉnh giờ làm việc của công nhân, tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm. Bên cạnh đó đầu tư lại một số thiết bị hiện đại để tiết kiệm điện"- ông Minh nêu giải pháp.
"Do có một số đơn hàng đã ký trước đó với đối tác nên chúng tôi đang tiến hành thương lượng lại. Hy vọng mọi chuyện thuận lợi, bởi nếu không doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại. Chi phí sản xuất tăng, các mặt hàng tăng và nếu không cẩn thận sẽ mất hết khách hàng", Bà Nguyễn Lan Hương, giám đốc công ty Thiên Hải, chuyên sản xuất đồ gia dụng (Long Biên, Hà Nội) cho hay.
Theo Nguyễn Thắng – Võ Hóa
Tiền phong
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Hộ sản xuất, doanh nghiệp, tăng giá điện