Tăng vốn ngân hàng, đừng thấy 'sóng cả' mà 'ngã tay chèo'

Theo phân tích của chuyên gia Phan Minh Ngọc, "cửa" tăng vốn của các ngân hàng, đặc biệt là một số ngân hàng thương mại Nhà nước, đang khá hẹp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quy định được nới lỏng. Mục tiêu đặt ra vẫn cần được thực thi.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay với hầu hết ngân hàng và nhà quản lý là việc tăng vốn chủ sở hữu để vừa đáp ứng được yêu cầu về hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) cao hơn theo tiêu chuẩn Basel II nhằm mở rộng cho vay tín dụng với khách hàng.

5 cách tăng vốn thường thấy ở các doanh nghiệp, ngân hàng

Về nguyên tắc, khi muốn tăng vốn chủ sở hữu thì các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nói riêng có thể thực hiện mấy cách sau.

Đầu tiên là tăng vốn góp cổ đông. Bất cứ cổ đông nào cũng có thể đóng góp vốn dưới dạng tiền hoặc tài sản vào doanh nghiệp. Mặc dù sự đóng góp này không làm tăng tổng số lượng cổ phiếu đã phát hành nhưng lại làm tăng giá trị khoản đầu tư của cổ đông đóng góp này và giá trị mỗi cổ phiếu đã phát hành của doanh nghiệp.

Phần vốn góp vượt quá mệnh giá cổ phiếu sẽ được ghi nhận ở mục góp vốn trong phần kê khai về vốn chủ sở hữu của bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Ông Phan Minh Ngọc.

Cách khác được dùng là giảm tài sản nợ. Vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp, về mặt kế toán, là chênh lệch giữa tổng tài sản có và tổng tài sản nợ của doanh nghiệp đó. Bởi vậy, nếu giá trị tổng tài sản nợ - tổng nợ của doanh nghiệp với các đối tác - giảm đi trong khi mọi thứ khác không đổi thì vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên tương ứng.

Cách tăng vốn tiếp theo là tăng lợi nhuận ròng. Lợi nhuận ròng của một doanh nghiệp là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí. Lợi nhuận ròng sau khi đã trừ đi cổ tức phân phối (nếu có) sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu hoặc giá trị ròng. Do đó, nếu làm tăng được lợi nhuận ròng và giảm hoặc không chia cổ tức thì vốn chủ sở hữu sẽ tăng tương ứng.

Tăng lượng cổ phiếu phát hành hay tăng lợi nhuận giữ lại cũng giúp tăng vốn. Cổ phiếu phổ thông được ghi nhận trong phần kê khai vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán. Khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mới làm tăng cả số lượng cổ phiếu lưu hành lẫn vốn góp cổ đông tương ứng (trừ đi chi phí phát hành và các loại phí liên quan).

Doanh thu tăng lên có thể làm tăng lợi nhuận ròng. Lợi nhuận ròng còn lại sau khi chia cổ tức bằng tiền là lợi nhuận giữ lại. Nếu lợi nhuận giữ lại tăng thì vốn chủ sở hữu tăng tương ứng. Nên để tăng lợi nhuận giữ lại thì phải tìm cách tăng lợi nhuận ròng (tăng doanh thu, giảm chi phí), đồng thời giảm hoặc không chia cổ tức tiền mặt.

Vì sao ngân hàng khó tăng vốn?

Thực thi một số trong những cách tăng vốn nói trên đã và đang gặp phải trở ngại ở một số NHTM cổ phần.

Với cách thức tăng vốn góp cổ đông, ở một số NHTM cổ phần có vốn nhà nước, việc Chính phủ góp thêm vốn (tăng thêm cổ phần) là điều hầu như không xảy ra trong thời điểm hiện nay, nếu xét đến chủ trương (cổ phần hóa) thoái vốn Nhà nước cũng như căng thẳng về ngân sách.

Điều này có lẽ là đúng ngay cả với Agribank, NHTM 100% vốn Nhà nước. Và do hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nói thêm dưới đây) nên Chính phủ cũng không muốn nhà đầu tư nước ngoài tăng giá trị phần vốn góp. Điều này cũng đúng ngay cả với trường hợp nhà đầu tư trong nước trong các ngân hàng này do Chính phủ không muốn làm giảm cổ phần của mình từ việc tăng vốn góp của các cổ đông khác.

Các ngân hàng thông thường có 5 cách để tăng vốn. Ảnh minh hoạ: Liên Hương.

Đối với NHTM cổ phần tư nhân, giải pháp tăng vốn góp này ít bị ràng buộc hơn nhưng lại phụ thuộc vào ý chí của cổ đông. Nếu không ai “hứng thú” đóng góp tăng vốn thì giải pháp này là bất khả thi.

Giải pháp giảm tài sản nợ đối với NHTM gián tiếp có nghĩa là NHTM buộc phải giảm sự phục thuộc về doanh thu và lợi nhuận vào lãi từ hoạt động tín dụng, tức là giảm phụ thuộc vào tài sản nợ là các nguồn vốn huy động (từ tiền gửi của dân, vay các ngân hàng khác, vay từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, phát hành giấy tờ có giá v.v...). Thay vào đó, NHTM phải tích cực phát triển các dịch vụ ngân hàng, kinh doanh và đầu tư khác.

Vấn đề với giải pháp này là chi phí dịch vụ vẫn còn cao và có xu hướng tăng lên, không hấp dẫn người dùng nên dư địa tăng trưởng cũng bó hẹp. Mảng nghiệp vụ kinh doanh và đầu tư khác thì vướng ở sự kém phát triển của thị trường vốn, trái phiếu, nghèo nàn về sản phẩm và cơ hội.

Giải pháp tăng lợi nhuận ròng thì có liên quan mật thiết với giải pháp tăng thu từ mảng dịch vụ nói trên, cũng như phụ thuộc vào việc cắt giảm chi phí vốn, chi phí kinh doanh của ngân hàng.

Hiện ở tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ chi phí trên doanh thu còn cao so với mức trung bình của Việt Nam và khu vực. Tăng lợi nhuận ròng cũng lại phụ thuộc một phần vào việc ngân hàng có được mở rộng tăng trưởng tín dụng hay không, mà điều này thị lại phụ thuộc chính vào khả năng tăng vốn đáp ứng yêu cầu để được mở rộng tín dụng. Nói cách khác, đây là một vòng luẩn quẩn, nên càng buộc NHTM phải ngày càng giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Mặt khác, lợi nhuận ròng còn liên quan đến nợ xấu và xử lý nợ xấu. Do nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng ở nhiều ngân hàng dẫn đến tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận ròng. Đồng thời, xử lý nợ xấu dù đã được hỗ trợ bởi Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như VAMC nhưng vẫn còn chậm và gặp nhiều trở ngại về pháp lý.

Với giải pháp tăng cổ phiếu phát hành, việc phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư trong nước nhìn chung phải đối mặt với áp lực cạnh tranh thu hút nhà đầu tư khi nhiều ngân hàng có thể cùng lúc ồ ạt phát hành cổ phiếu trong cùng một giai đoạn, thời điểm, với tổng giá trị quá lớn so với sự quan tâm và khả năng hấp thụ của thị trường trong nước. Điều này dẫn đến việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cho nhà đầu tư trong nước đối với một số ngân hàng sẽ không mấy thành công.

Để khắc phục một phần tình trạng trên, giải pháp là phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này bị hạn chế bởi quy định một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của NHTM và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30%. Một số NHTM hiện có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn nên việc tăng vốn chủ sở hữu qua kênh này không còn nhiều dư địa, trừ khi Chính phủ nâng hạn mức sở hữu.

Lưu ý thêm là Chính phủ cũng đã nêu ý định cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn của NHTM nhưng đây mới chỉ là ý định và NHTM loại này là những ngân hàng yếu kém, đang phải tái cơ cấu và giám sát đặc biệt.

Cuối cùng là về giải pháp tăng lợi nhuận giữ lại, mà chủ yếu là giảm hoặc không chia cổ tức bằng tiền mặt, trở ngại đối với giải pháp này có thể thấy rõ ở trường hợp của các NHTM cổ phần có vốn Nhà nước. Chính phủ một mặt không những không muốn góp thêm vốn chủ sở hữu, mặt khác lại muốn các ngân hàng này phải chia cổ tức để cổ đông là Nhà nước có thêm nguồn thu đáng kể cho ngân sách vẫn đang căng thẳng.

Cuối năm 2018, Vietcombank được phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là GIC và Ngân hàng Mizuho. Ảnh minh hoạ: Liên Hương.

Làm cách nào?

Trong bối cảnh giải pháp tăng vốn tuy không ít nhưng đều ít nhiều bị hạn chế, Chính phủ và NHTM cần thực thi một loạt các biện pháp.

Những giải pháp được kể đến có thể là nâng hạn mức sở hữu nước ngoài được phép tại NHTM từng bước theo lộ trình, tăng cường tốc độ thoái vốn Nhà nước tại các NHTM cổ phần.

Bên cạnh đó, việc tự do hóa các dịch vụ ngân hàng để tăng cường cạnh tranh làm giảm chi phí cho ngân hàng và phí sử dụng cho khách hàng; phát triển thị trường trái phiếu, thị trường vốn để giúp ngân hàng đa dạng hóa kênh kinh doanh cũng cần được đặt ra.

Các giải pháp khác là khẩn trương giải quyết các trở ngại pháp lý để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Ngoài ra, việc cho phép NHTM cổ phần có vốn Nhà nước không chia cổ tức bằng tiền mặt cũng có thể được tính đến.

Sáp nhập hoặc cho giải thể ngân hàng cũng là một hướng đi cần thiết khi một số ngân hàng (yếu kém) không thể tăng vốn đáp ứng được chuẩn mực an toàn cao hơn đặt ra. Liên quan đến điều này, Ngân hàng Nhà nước không nên trì hoãn tiến độ và mốc tăng CAR (vào đầu năm 2020), ít nhất vì tiêu chuẩn này đã được thực hiện từ lâu ở khu vực và thế giới, Việt Nam đã quá lạc hậu trong ví dụ này. Hơn nữa, sự trì hoãn nếu có sẽ là tiền lệ để lại có sự tiếp tục trì hoãn trong tương lai.

Tất cả biện pháp có thể làm đề cập bên trên không thể diễn ra ngày một ngày hai nên mục tiêu cán mốc tăng vốn vào đầu năm 2020 là việc khó. Tuy nhiên, không vì thế Chính phủ/Ngân hàng Nhà nước nên có những dấu hiệu nhân nhượng và giảm bớt quyết tâm thực thi.

Về tác giả:Tiến sĩ Phan Minh Ngọc là chuyên gia tài chính, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế, ĐH Kyushu (Nhật Bản). Giai đoạn 1994-1997, ông làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đến những năm 2007-2018, ông là Phó Giám đốcPhòng Nghiên cứu doanh nghiệp chi nhánh Singapore của Ngân hàng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản). Từ 2014 đến 2017, ông giảng dạy và nghiên cứu kinh tế quốc tế tại ĐH Kyushu (Nhật Bản).

Hiện tại ông Phan Minh Ngọc làGiám đốc Intelligence Service Partners (Singapore).

Theo Phan Minh Ngọc

NDH

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Tăng vốn, ngân hàng