Đừng thúc hộ kinh doanh 'chín ép'
(thegioitiepthi.vn) - Trước thực tế có thể không đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, việc đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là một giải pháp mà các cơ quan đang hướng đến. Thế nhưng, vì thế mà buộc hộ kinh doanh lên làm doanh nghiệp là không thỏa đáng.
Hộ kinh doanh vẫn được ưa chuộng
Hiện nay chúng ta có 500.000 doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến năm 2020 phải có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra là không dễ thực hiện. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư Vấn thuế Việt Nam – cho hay, cùng với khó khăn về chính sách và quản lý thuế, trong khi chưa có chính sách khuyến khích thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ lên.
Trong khi đó, việc trở thành doanh nghiệp khiến doanh nghiệp thực hiện tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nghiệm trước pháp luật về số liệu kê khai; việc khai, nộp thuế của doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử. Các hộ mới chuyển lên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nhân lực có trình độ am hiểu về kế toán, công nghệ thông tin. Có thể gánh nặng chi phí sẽ tăng lên, nhưng họ chưa thấy được lợi ích mang lại.
Một số quy định hiện hành về hộ kinh doanh khó kiểm soát cũng như không có chế tài. Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy, hộ kinh doanh vẫn được ưa chuộng hơn một số hình thức pháp lý quy định Luật Doanh nghiệp khi khởi nghiệp. Ví dụ, năm 2016 có 110.000 doanh nghiệp được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp nhưng 155.000 người và cá nhân khác đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh để khởi nghiệp. Cũng cần nhấn mạnh thêm là 155.000 hộ kinh doanh này là những hộ thực sự đang hoạt động và chỉ hơn nửa 110.000 doanh nghiệp được đăng ký là thực sự đi vào hoạt động. Hộ kinh doanh cá thể có một sức sống mạnh mẽ và vẫn là một sự lựa chọn yêu thích của người dân khi khởi sự doanh nghiệp.
Để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, Ông Nguyễn Như Chính - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội - cho rằng, cơ quan chức năng cần phải thực hiện đơn giản về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế, cùng với cơ chế hỗ trợ trong việc chuyển đổi như miễn, giảm chi phí, thực hiện đơn giản, gọn nhẹ… Ông Chính cho hay, thực tế nhiều hộ kinh doanh hiện nay lại cảm thấy vướng khó khăn nhất lại là về tên gọi sau khi chuyển đổi. Hàng chục năm họ hoạt động dưới tên gọi cửa hàng chú Ba – chuyên thịt cày, bia hơi Năm râu, giờ chuyển đổi lên doanh nghiệp thì không biết đặt tên ra sao, có được giữ lại tên gọi cũ hay không? Tên doanh nghiệp, tên thương mại, biển hiệu kinh doanh là những vấn đề rắc rối với họ.
Hỗ trợ hay trói buộc?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước thực tế có thể không đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đề xuất chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể “chín ép” thành doanh nghiệp là không nên.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm, đối với những hộ kinh doanh có quy mô lớn thì bắt buộc họ chuyển lên làm doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, cùng một lúc đưa tất cả 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp được, điều này hoàn toàn phi thực tế. Một hình thức như vậy sẽ quá nặng nề với họ. Nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0, tự động hóa... khiến những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giá rẻ trong tương lai khó có thể tiếp tục tồn tại, người dân rất khó khăn để có một công việc nuôi sống mình. Khu vực này sẽ là bệ đỡ, làm nền cho những người lao động mất việc làm.
Ở khía cạnh khác, Luật sư Trần Vũ Hải – Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải - cho rằng, việc ý kiến đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp là để mục đích giúp đỡ, hỗ trợ phát triển chứ không phải “trói buộc quản lý” là không có ý nghĩa, vì thực tế hiện nay cũng không có cơ chế hỗ trợ gì nhiều cho những doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ hoặc nếu có cơ chế, phần lớn những doanh nghiệp này không biết đến, không quan tâm và cũng không đến với họ.Tên gọi “hộ kinh doanh cá thể” là tên gọi do lịch sử, thực chất họ là những cá nhân kinh doanh (đăng ký hay không đăng ký kinh doanh).
Ông Nguyễn Như Chính phân tích, với quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp như hiện nay là hoàn toàn khó kiểm soát cũng như không có chế tài. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, với “nền kinh tế xe máy”, các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố với số vốn đầu tư nhỏ, doanh thu ít thì mô hình kinh doanh “nhỏ hơn doanh nghiệp” rất phù hợp.
Các ông, bà chủ không muốn và không có nhu cầu tổ chức hoạt động kinh doanh lớn hơn, việc bắt buộc họ phải hoạt động dưới quy mô doanh nghiệp là không hợp lý. Một số quốc gia gọi những đối tượng này (hộ kinh doanh) là “thương nhân không đầy đủ”. Do đó, biện pháp hợp lý là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại, bổ sung thêm những quy định về hộ kinh doanh liên quan tới kiểm soát tài chính, doanh thu chứ không phải số lượng người lao động.
Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế - nêu quan điểm, nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định. Ví dụ như tại Úc, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Úc sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh ÚC (ABN), song sẽ tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Các nỗ lực nhằm chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam cần khai thác thêm các hướng đi này nhằm tạo thêm sự lựa chọn nữa cho các hộ kinh doanh cá thể, thay vì chỉ có một con đường duy nhất là chuyển đổi thành công ty hoặc doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : hộ kinh doanh