Chuỗi liên kết: Hiệu quả kép cho ngành chăn nuôi

(thegioitiepthi.vn) - Hiệu quả của mô hình chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn (feed – farm – food) đã và đang được khẳng định. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này lại không hề dễ.

Hình thành các chuỗi liên kết

Dịch tả heo châu Phi đã xâm nhiễm ra 24 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu diễn ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguyên nhân chính là do khâu quản lý chuồng trại yếu kém. Chưa có trang trại lớn nào trên 5.000 con bị xâm nhiễm.

“Chuồng trại là nơi sinh ra dịch bệnh và lây truyền dịch bệnh, qua nguồn nước, qua thức ăn, qua không khí, không có hệ thống chăm sóc thú y chuyên nghiệp”, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh và cho rằng đây cũng là lý do vì sao chúng ta cần phải hướng về chuỗi liên kết.

Xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi sẽ giảm bớt thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra. Ảnh minh họa

Chuỗi liên kết này gồm liên kết hoàn chỉnh và liên kết không hoàn chỉnh. Liên kết hoàn chỉnh (khép kín) hay nói cách khác là chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn gồm 9 khâu: giống, thức ăn, thú y, dịch vụ thú y, thu gom, vận chuyển, chế biến, giết mổ và bán ra ở cửa hàng. Chuỗi này chỉ dùng được cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Mavin, Dabaco….

Chuỗi liên kết không hoàn chỉnh là sự liên kết ngang đối với người nông dân và liên kết dọc với các hợp tác xã. Ở đó nông dân chỉ đảm nhiệm từ 3-4 khâu trong chăn nuôi.

Vị chuyên gia này phân tích, để tự các hộ chăn nuôi, trang trại thậm chí là doanh nghiệp làm mô hình 3F (feed – farm – food) là rất khó. Nguyên nhân do các yêu cầu về vốn cũng như các quy định, yêu cầu trong chăn nuôi, ví dụ, trang trại chăn nuôi phải cách xa khu dân cư 3km. Yếu tố quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm, hiện chỉ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mới có chuỗi cửa hàng và sản phẩm được đưa vào kênh siêu thị để tiêu thụ.

Trong khi đó, chỉ nói đến các doanh nghiệp, trang trại của Việt Nam chứ chưa nói đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, họ không có cửa hàng riêng, chưa có hệ thống bán lẻ. Do đó chưa thể kết nối được từ trang trại đến cửa hàng có xác nhận.

“Các doanh nghiệp, các trang trại chăn nuôi với quy mô vài nghìn con, họ có thể đầu tư hệ thống giết mổ, chế biến, làm lạnh, tuy nhiên, hệ thống chuỗi bán hàng là rất khó, thậm chí không thể nào có được. Đây là một thách thức rất lớn. Buộc họ phải liên kết với các tập đoàn lớn và trở thành vệ tinh của các tập đoàn lớn. Các tập đoàn lớn ngoài giữ vững quy mô của mình, có thể phát triển bền vững bằng cách kết nối với các chủ trang trại”, ông Thủy nói.

Hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh

Cũng theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, hiện cung đã vượt cầu, do đó, ngành chăn nuôi heo cần tính đến bài toán xuất khẩu. Muốn xuất khẩu buộc phải hạ giá thành ngành chăn nuôi Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực.

Cạnh đó, cần phải thực hành chuỗi sản xuất khép kín. “Hiện 60-70% đầu heo được sản xuất ở các doanh nghiệp và các chủ trang trại và tập đoàn lớn, còn lại 30-40% là chăn nuôi hộ. Đàn heo 2019 của Việt Nam khoảng 27,2 triệu con. Chăn nuôi theo chuỗi khép kín sẽ giúp đảm bảo từ khâu thức ăn, giống, thú y, dịch vụ thú y, kiểm soát được dịch bệnh”, ông Thủy nói.

Phát triển các liên kết chuỗi sẽ là đòn bẩy giúp phát triển nghề chăn nuôi. Ảnh minh họa

Vấn đề đặt ra, trong khi các quốc gia khi dịch bệnh tả heo bị xâm nhiễm, nơi nào có dịch thì dập dịch, nơi nào không có dịch thì việc tiêu thụ sản phẩm vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người tiêu dùng lại e dè trong việc sử dụng sản phẩm.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy lý giải, tại các nước khi bị dịch bệnh xảy ra, thú y sẽ đến kiểm tra, nếu phát hiện có dịch bệnh thì toàn bộ số heo này sẽ bị kẹp chì, và cho lên xe để vận chuyển tới nơi tiêu hủy. Tại đây, nhân viên thú y sẽ tháo kẹp chì ra và cho heo vào tiêu hủy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người tiêu dùng lo ngại về sự minh bạch ở chính khâu tiêu hủy và lưu thông.

Cạnh đó, do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, phần lớn sử dụng các sản phẩm thịt nóng, con số này chiếm tới 90%, việc tiêu thụ thịt mát chỉ nằm ở lớp người có thu nhập cao. Trong cơn bão dịch tả heo, do thiếu niềm tin ở khâu lưu thông và tiêu thụ nên phần lớn người tiêu dùng phòng tránh bằng cách hạn chế hoặc không sử dụng sản phẩm. Do đó, cùng với các giải pháp xây dựng các liên kết chuỗi thì minh bạch thông tin là yếu tố rất quan trọng.

Hiện thị trường thịt heo có giá trị khoảng 10,2 tỷ USD. Với tham vọng chiếm lĩnh 10% thị trường thịt heo, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Massan Group – chia sẻ, đầu tư chế biến thịt mát cũng là mục tiêu để ngành chăn nuôi Việt Nam hướng đến trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang chế biến công nghiệp, quản lý theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chí của thị trường nhập khẩu.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng trở nên bức bách đối với mọi người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh heo châu Phi bùng phát và nguy cơ tái phát nhiều loại dịch bệnh trong chăn nuôi (lở mồm long móng, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm…) ngày càng cao. Do đó, cùng với quy hoạch, xây dựng vùng an toàn thì việc phát triển các liên kết chuỗi, nhân rộng mô hình 3F được xem là giải pháp “đòn bẩy” để nghề chăn nuôi phát triển mạnh và bền vững.

Đây là giải pháp giải quyết được cả nỗi lo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, còn giải quyết tốt bài toán đầu ra. Thông qua chuỗi liên kết này, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp sẽ nắm được số lượng, nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Qua đó xây dựng và có kế hoạch phát triển đàn cho phù hợp, chủ động tránh tình trạng cung vượt cầu.

Không chỉ thế, khi mô hình liên kết chuỗi được xây dựng bền chặt và phát huy hiệu quả, sẽ từng bước loại bỏ dần các hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ lén lút và kinh doanh thịt heo bẩn, nhất là khi các cửa hàng kinh doanh heo sạch theo mô hình liên kết chuỗi trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Chuỗi liên kết, Hiệu quả kép, ngành chăn nuôi