Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

(thegioitiepthi.vn) - Thương mại điện tử ngày càng phát triển thì rủi ro hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang là vấn đề được đặt ra.

ảnh minh họa

Thiệt thòi vẫn thuộc về người tiêu dùng

Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Công an TP Hồ Chí Minh đồng loạt tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website menshop 79.com và menshopfashion.com, thu giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry…

Các sản phẩm bị thu giữ là hàng hoá nhiều loại: quần áo, giày dép, túi xách, ví da, thắt lưng, kính mắt… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: Gucci, Louis Vuition, Hermers, Versace, Burberry… đều không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Theo đại diện pháp luật của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam khẳng định các sản phẩm được bán trên hai website trên đều là giả.

Menshop 79.com và menshopfashion.com là địa chỉ kinh doanh hàng hiệu nổi tiếng trong nước thời gian qua, có chi nhánh tại nhiều địa phương, do Nguyễn Quang Vũ (SN 1990, quê quán Nghệ An, hiện đang ở Phòng 1101, toà 18T1-CT15, khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) làm chủ và một số người liên quan.

Khai thác nhanh máy tính của Vũ, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thu được hơn 500 MB dữ liệu lưu trữ việc bán hàng (ngày bán, người mua, số tiền bán…). Sơ bộ ước tính số tiền doanh thu buôn bán hang giả do Vũ điều hành khoảng hơn 20 tỷ đồng. Ghi nhận sáng 19/4, toàn bộ trang web của menshop 79.com và menshopfashion.com; Ladystore đều dừng hoạt động. Hiện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục điều tra, xác minh vụ việc.

Tại hội thảo, tập huấn "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, thông tin, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30%, với tổng mức doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, song hành với tốc độ phát triển của thương mại điện tử, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến, các vi phạm cũng ngày càng tinh vi.

Nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... Không khó để nhận thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ đến bất ngờ. Điển hình như trên trang Vatgia online, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng; đồng hồ nhãn hiệu Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm... Trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhận định, với đặc thù người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như giới thiệu về cả mẫu mã và chất lượng. Trong trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo, người mua đã thanh toán tiền trước thì phần thiệt luôn là người mua và rất khó xử lý.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, từ nhiều năm nay Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.224.000 vụ vi phạm, tổng số tiền xử lý vi phạm lên tới 92.000 tỷ đồng. Số xử lý vụ vi phạm càng nhiều càng cho thấy công tác đấu tranh đối với hành giả ngày càng cấp thiết. 

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), nhận định, các vi phạm chủ yếu là không đăng ký, không thông báo, các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng nhưng giá rất rẻ khi bán là hàng nhái, hàng giả... đặc biệt là các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu,... nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.

Trong khi đó, các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ. Hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát vô hình trung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường. Đặc biệt với thanh toán điện tử để lần tìm vết người bán người mua hết sức khó khăn do các quy định của ngân hàng; sàn thương mại điện tử chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả.

Ông Trần Hữu Linh kiến nghị, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh, mạnh như hiện nay. Cũng theo ông Linh, mặc dù hành lang pháp lý về thương mại điện tử (Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013) đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thương mại điện tử thay đổi liên tục đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung. Theo đó, cần có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử và phải mạnh hơn xử lý mạnh tay hơn với các vi phạm như: dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế... xóa tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng.

Để đẩy lùi vấn nạn này, ông Linh cho biết thêm, lực lượng quản lý thị trường, sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng để nhận biết các sàn thương mại uy tín.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : người tiêu dùng, thương mại điện tử