Nhiều cơ hội hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Oman
(thegioitiepthi.vn) - Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Oman, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Đại sứ quán Oman tại Việt Nam, tổ chức chiều 22/4 tại Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Oman phát triển tích cực.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Oman chiều 22/4 tại Hà Nội
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Oman đạt 120,8 triệu USD, tăng 3,4% so với năm 2017, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Oman đạt 50,8 triệu USD, tăng 19,3%, và nhập khẩu dạt 75,8 triệu USD, giảm 8,1%.
Các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Oman chủ yếu là điện thoại di động, thủy sản, gỗ, nông sản, cà phê, hạt điều… Còn sản phẩm của Oman nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là kim loại, thực phẩm, thức ăn gia súc…
Tại cuộc gặp gỡ, ông Hamed Said Nasser Al Rubkhi, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Oman cho biết, Oman có ngành nghề thủ công mỹ nghề, dịch vụ khách sạn… Bên cạnh đó là những ngành nghề tiềm năng như dầu mỏ, du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản…
“Oman là môi trường thu hút đầu tư, là cửa ngõ thương mại trực tiếp tới các nước tiểu vương quốc Ả rập, có nhiều cảng vận chuyển hàng hóa tới các nước trên thế giới” – ông Hamed chia sẻ.
Đặc biệt theo ông Hamed, Oman là quốc gia thu hút đầu tư do có vị trí chiến lược, ổn định đầu tư, không mất thuế thu nhập cá nhân, có thể cung cấp dịch vụ đầu cuối mà không chịu ảnh hưởng về thuế.
Nói về vấn đề này, bà Đỗ Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi Oman là một trong những đối tác thương mại quan trọng tại khu vực Trung Đông.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Oman là điện thoại di động, máy móc, thiết bị, linh kiện, ô tô và một số loại nông sản như cà phê, hạt tiêu, rau quả, hải sản…
Đa phần các mặt hàng này cũng là những hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ra thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Oman chủ yếu là quặng và khoáng sản, chất dẻo, thức ăn gia súc…
Tuy nhiên theo bà Dung, hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại mỗi nước vẫn còn nhiều hạn chế. Trao đổi đoàn doanh nghiệp đi khảo sát, tìm hiểu thị trường và tiến hành các cơ hội giao thương giữa hai bên vẫn còn chưa nhiều.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện Bộ Công thương Việt Nam đánh giá cao việc Oman cử 12 doanh nghiệp sang tiến hành các hoạt động giao thương, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội quý báu cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ trực tiếp, tìm hiểu nhu cầu và khả năng hợp tác về thương mại trong những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và quan tâm.
“Tôi cho rằng hiện vẫn còn rất nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng thúc đẩy, mở rộng hợp tác. Với tiềm năng của hai bên, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Oman sẽ có những bước tiến triển mới. Về phần mình, Bộ Công thương Việt Nam luôn sẵn sàng và tích cực ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội, mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp với luật pháp của Việt Nam và Oman” – bà Dung bày tỏ.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : cơ hội hợp tác, cộng đồng doanh nghiệp, Oman