Fintech – con đường tương lai
(thegioitiepthi.vn) - Sau mảng thanh toán và cho vay ngang hàng, thì gọi vốn cộng đồng có thể là lĩnh vực tiếp theo có thể phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới, cùng với loại hình tư vấn tài chính cá nhân và quản lý tài sản, theo đó có thể thu hút hàng loạt doanh nghiệp Fintech tham gia cuộc chơi.
Mức độ cạnh tranh giữa các công ty Fintech ở Việt Nam không quá gay gắt. Ảnh minh họa.
Làn sóng Fintech tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, với dòng vốn đầu tư rót ròng vào các doanh nghiệp trong khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua. Với triển vọng tích cực trong năm 2019 với nhiều xu hướng mới mẻ, liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội để vươn lên như là một trong những trung tâm Fintech hàng đầu?
Cơ hội của Việt Nam?
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore hiện là mảnh đất màu mỡ nhất cho các dự án Fintech ra đời, nhờ vào các quy định pháp lý rõ ràng, cởi mở và năng động bắt nhịp được xu thế phát triển. Tổng giá trị đầu tư trong lĩnh vực Fintech ở đảo quốc sư tử này đã ghi nhận mức tăng kỷ lục 346,6 triệu USD riêng trong năm 2018.
Đối với Việt Nam, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance thì thị trường Fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỉ USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ USD vào năm 2020, với 67 công ty Fintech đang hoạt động. Nếu so với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như Singapore có khoảng 490 công ty fintech, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty thuộc lĩnh vực này.
Chính vì vậy, mức độ cạnh tranh tại thị trường Việt Nam chưa đến mức quá gay gắt, còn nhiều phân khúc chưa được khai phá, do đó cơ hội và tiềm năng phát triển là rất lớn trong tương lai. Trong 3 năm qua, các doanh nghiệp Fintech Việt nam chỉ mới tập trung vào mảng thanh toán, khi có đến 2/3 doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam chỉ đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến, trong đó có 29 doanh nghiệp được Ngân hàng nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Đáng lưu ý là trong 1 năm trở lại đây, các dịch vụ cho vay ngang hàng đang có dấu hiệu phát triển rất mạnh tại Việt nam, với nhiều công ty ra đời thu hút được một lượng lớn người tham gia. Với tỷ lệ tiết kiệm trong dân cao, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay ngang hàng, nên không ít người đã mạnh dạn tham gia các website cung cấp dịch vụ này. Đứng về phía người đi vay cũng được tiếp cận những khoản vay nhỏ với tốc độ giải ngân nhanh chóng mà không phải thông qua nhiều thủ tục rườm rà và cũng không cần tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, bất kỳ một lĩnh vực nào cũng vậy, nếu phát triển quá nóng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh tranh tối tranh sáng và thiếu các quy định pháp lý rõ ràng. Đơn cử như hoạt động cho vay ngang hàng, không ít các sàn giao dịch hiện nay cung cấp những khoản vay với lãi suất cắt cổ như tín dụng đen và sử dụng những giải pháp đòi nợ chèn ép khách hàng.
Ngoài ra, hoạt động cho vay ngang hàng nếu không được quản lý, kiểm soát phù hợp có thể đưa đến những bất ổn trong nền kinh tế, khi một dòng vốn từ thị trường tiền tệ chính thức chảy ồ ạt qua khu vực này, và khi có dấu hiệu đổ vỡ thì sẽ lan sang các khu vực khác, mà bài học nhãn tiền từ thị trường Trung Quốc là minh họa rõ nhất.
Trước tình hình này, gần đây nhiều công ty Fintech đã hợp tác với ngân hàng, theo đó việc giải ngân và quản lý tiền của người cho vay sẽ thông qua hệ thống tài khoản thanh toán trực tuyến tại ngân hàng. Chẳng những vậy, các công ty này còn liên kết với các công ty bảo hiểm để triển khai các sản phẩm cho vay ngang hàng kết hợp với bảo hiểm khoản vay nhằm phân tán rủi ro cho khách hàng, theo đó khi người vay vốn không may gặp phải những rủi ro không lường trước được, công ty bảo hiểm sẽ giúp họ trả nợ cho các khoản vay này.
Nguồn: Báo cáo hoạt động Fintech 2018 của KPMG.
Biến tướng
Nếu như mảng thanh toán và cho vay ngang hàng phát triển khá rầm rộ thời gian qua, thì ngược lại mảng tiền tệ số trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam lại vướng vào không ít tai tiếng, từ các dự án lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư, cho đến việc thị trường tiền mật mã toàn cầu chìm sâu trong năm 2018 đã khiến nhiều người thua lỗ nặng nề và ngậm ngùi rút khỏi cuộc chơi.
Trong khi đó, hoạt động gọi vốn cộng đồng tuy đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới nhưng chỉ mới manh nha phát triển tại Việt Nam. Cụ thể, gọi vốn cộng đồng là một hình thức gây quỹ tập thể mà theo đó những cá nhân đóng góp tiền của họ, thường là thông qua Internet, để hỗ trợ cho các dự án hoặc sáng kiến do người khác hoặc tổ chức khác khởi xướng. Cũng cần biết rằng vừa qua trong nước cũng đã khởi tố một số đối tượng gọi vốn đầu tư thông qua hình thức này, với tội danh lừa đảo theo hình thức Ponzi, tức lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Chính vì vậy, khi chưa có những quy định pháp luật rõ ràng thì rủi ro của hình thức này cũng là khó lường trước, ngoại trừ những dự án gọi vốn mang tính từ thiện hay hoạt động xã hội. Dù vậy, sau mảng thanh toán và cho vay ngang hàng, thì gọi vốn cộng đồng có thể là lĩnh vực tiếp theo có thể phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới, cùng với loại hình tư vấn tài chính cá nhân và quản lý tài sản, theo đó có thể thu hút hàng loạt doanh nghiệp Fintech tham gia cuộc chơi.
Ngoài ra, với việc Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển chiến lược tài chính toàn diện thì có thể khuyến khích các công ty Fintech tại Việt Nam góp phần phát triển những giải pháp cung ứng các dịch vụ tài chính cơ bản cho các đối tượng chưa thể tiếp cận ở vùng sâu vùng xa, nơi mà mạng lưới của các tổ chức tài chính truyền thống chưa vươn tới đầy đủ.
Với dân số hơn 97,2 triệu người và độ tuổi trung bình là 31, cho thấy dân số trẻ chiếm tỷ trọng chủ yếu, cụ thể dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi chiếm đến 69,3%, thì Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm, dịch vụ mới về công nghệ. Ngoài ra, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh và mạng Internet liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, thì có thể thấy Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực Fintech.
Một báo cáo của The Asian Post mới đây đánh giá triển vọng kinh tế tươi sáng là động lực cho Fintech phát triển mạnh tại Việt Nam và có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm Fintech của Đông Nam Á. Điều quan trọng là các chính sách quản lý có đủ độ cởi mở và bắt kịp với nhịp độ phát triển và xu thế thời đại, tạo điều kiện cho các hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, đa dạng và biến quốc gia này trở thành một trung tâm mới trong ngành công nghiệp tiềm năng này này.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Fintech