Khi cửa hàng bán lẻ thiếu công nghệ quản lý

(thegioitiepthi.vn) - Tại Việt Nam, có tới 18,5% các cửa hàng không sử dụng công nghệ nào để quản lý cửa hàng; 41% vẫn quản lý thủ công bằng sổ sách, Excel, nên tiềm ẩn nguy cơ thất thoát hàng hóa lớn.

Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quản lý sẽ giúp hoạt động kinh doanh bền vững hơn

Theo nghiên cứu được công bố mới đây của Planet Retail RNG, chỉ số thất thoát bán lẻ toàn cầu Sensormatic (được khảo sát 1.120 đại diện của những tập đoàn bán lẻ toàn cầu từ 14 quốc gia) lên tới 1,82% doanh thu/1 năm, ứng với tổn thất trên phạm vi toàn cầu ước tính 99,56 tỉ USD.

So sánh về tỷ lệ thất thoát trên toàn cầu của các cửa hàng giữa các khu vực, báo cáo Sensormatic cho hay tỷ lệ thất thoát cao nhất là ở Mỹ, chiếm 1,85% doanh thu; xếp thứ 2 là Châu Âu với 1,83%.

Khu vực Mỹ La Tinh đứng thứ 3 với 1,81% và sau cùng là các nước Châu Á Thái Bình Dương 1,75%.

Nguyên nhân thất thoát được chia làm 4 nguồn chính tương ứng với các tỷ trọng như sau: Bị đánh cắp (chiếm 34,34%); sai sót trong quá trình làm việc với nhà cung cấp (chiếm 24,28%); do hành vi gian lận từ nội bộ, nhân viên, chiếm tới (22,95%) và cuối cùng là lỗi sai sót do quy trình hành chính, giấy tờ, sổ sách (chiếm 18,43%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất thoát bán lẻ cũng khác nhau rõ rệt giữa các nhóm ngành. Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ thất thoát của nhóm các cửa hàng thuốc, dược phẩm, nước hoa đứng đầu bảng với 2,12% doanh thu.

Nhóm các cửa hàng giảm giá xếp thứ 2 về tỷ lệ thất thoát với 2,06%; các cửa hàng thời trang và phụ kiện đứng thứ 3 với tỷ lệ thất thoát 1,98%. Thông thường, những mặt hàng nhỏ gọn dễ bị ăn cắp, thất thoát trong quá trình giao dịch.

Trong một báo cáo khác của S&P 500, chỉ số tỷ suất lợi nhuận ròng của ngành bán lẻ giữ tỷ suất thấp nhất, đặc biệt với những shop bán lẻ online, duy trì ở mức 0,5-3,5%.

Chẳng hạn như Amazon có tỷ suất lợi nhuận ròng dưới 2%/năm kể từ 2010; hay Wal-Mart nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay cũng chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận ròng 3% mỗi năm.

Trong khi đó tại Việt Nam, các chủ cửa hàng bán lẻ thường chỉ nhìn được lãi gộp sau khi lấy giá bán trừ đi giá nhập, còn rất nhiều các khoản chi phí ngầm khác như tiền thuê nhân viên, cửa hàng, thất thoát, hàng tồn kho mà không phải lúc nào các chủ shop cũng tính được một cách rạch ròi.

“Một gói mì tôm nhập giá 5.100 đồng, bán ra với giá 6.000 đồng, tỷ suất lãi gộp thường là 15-20% nhưng chủ yếu là tôi quản lý bằng sổ sách về công nợ, còn chính xác lãi lỗ ra sao tôi không biết”, đại diện một cửa hàng tại Hà Nội, chia sẻ.

Tình trạng quản lý thủ công bằng sổ sách như cửa hàng nói trên không phải là hiếm, thậm chí có chủ cửa hàng còn không hề quản lý bằng sổ sách hay phần mềm.

Theo Sapo (đơn vị cung cấp phần mềm quản lý bán hàng đa kênh) tiến hành khảo sát thực địa với 500 chủ shop trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, kết quả cho thấy 18,5% các shop không hề dùng công cụ nào để quản lý cửa hàng; 41% quản lý thủ công bằng sổ sách, Excel; còn lại là 40,5% các cửa hàng quản lý bằng phần mềm quản lý bán hàng.

Thực tế các cửa hàng quản lý thủ công, hoặc không dùng công cụ nào để quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát được doanh thu, lỗ lãi và thất thoát hàng hóa. Làm phép so sánh giữa tỷ suất lợi nhuận thấp của ngành bán lẻ đạt mức trung bình 2-3% doanh thu/1 năm, so với mức thất thoát của ngành bán lẻ trên toàn cầu đang là 1.82% doanh thu/1 năm, nếu không quản lý chặt, các cửa hàng rất dễ rơi vào tình trạng “lãi ảo, lỗ thật” mà không hay.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng giải pháp nhằm phòng chống thất thoát cần trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của các nhà bán lẻ.

Để giải quyết tình trạng thất thoát và gia tăng tỷ suất lợi nhuận cho các cửa hàng bán lẻ, các chủ shop nên áp dụng các biện pháp an ninh, phòng chống mất cắp như gắn sensor với hàng hóa dễ mất cắp, lắp camera theo dõi, chiếu màn hình tivi trong cửa hàng, sử dụng gương, chuông báo động…

Ngoài ra, sử dụng phần mềm quản lý bán hàng kết hợp với việc kiểm kê kho hàng một phần định kỳ thường xuyên, sẽ giúp các chủ shop, nhà quản lý nắm bắt được kịp thời tình hình kinh doanh, hàng tồn kho, cũng như kiểm soát được tình trạng thất thoát.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : cửa hàng bán lẻ, công nghệ quản lý