CEO Got It: Khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp đừng nghĩ bó hẹp ở thị trường Việt Nam

(thegioitiepthi.vn) - Theo ông Hùng Trần, CEO Got It, thế giới công nghệ là không biên giới, do đó các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi đã xây dựng sản phẩm ra cần tư duy đi ra ngoài biên giới, làm ra sản phẩm cho toàn thế giới có thể sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng startup công nghệ Việt có thể cạnh tranh ngang ngửa với nước ngoài

Startup Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài

Trao đổi bên lề cuộc họp báo "Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 6/5, chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc công ty cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh Haravan cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được sản phẩm công nghệ có thể cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển tương tự như nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt với thị trường đặc thù như công nghệ, cộng đồng startup Việt Nam được thể hiện khát vọng của mình vươn ra thế giới.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp bày tỏ, nếu nhìn sang 2 quốc gia lớn trên thế giới đang rất mạnh về công nghệ thông tin là Trung Quốc và Ấn Độ thì hai quốc gia này đang rất thành công với nhiều công ty công nghệ lớn mạnh. Như Trung Quốc, với những tên tuổi như Huawei, Tencent, Baidu… đang làm cho nhiều cường quốc phải “run sợ”.

Ông Nguyễn Thế Tân đưa ra một số trường hợp các doanh nghiệp Việt đang nổi lên là những hiện tượng có thể làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà.

Như Vinfast của Vingroup đã xây dựng và phát triển rất nhanh chóng cùng với công nghệ 4.0, chỉ huy là người Việt và kinh phí cũng của người Việt.

Như Viettel hiện tự một phần phát triển công nghệ 5G và tiến tới làm chủ hoàn toàn. Trong khi đó trên thế giới cũng chỉ mới có 4 hãng đang phát triển được công nghệ 5G là Samsung, Huawei, Ericsson và Nokia.

Còn đối với VNG và VCCorp. VNG làm ra được Zalo để cạnh tranh sòng phẳng với giải pháp của nước ngoài. VCCorp làm được nền tảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến.

“Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp mũi nhọn. Chúng ta chỉ kém doanh nghiệp nước ngoài một đoạn chứ không quá xa”, ông Tân nhận định.

Chia sẻ thêm về câu chuyện tiếp cận thị trường Việt Nam, ông Phạm Hải Văn đại diện Haravan cho hay khi áp dụng công nghệ từ thế giới về Việt Nam, phần nhiều là những giải pháp trị giá hàng trăm nghìn USD cho tới hàng triệu USD, chỉ có doanh nghiệp lớn mới có thể mua và ứng dụng. Trong khi đó, với số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam, việc ứng dụng là không thể do không có kinh phí, mức độ ứng dụng không phù hợp.

Đứng trước thực tế này, Haravan đã đóng gói, đưa ra giải pháp với chi phí phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp được ứng dụng những công nghệ không thua kém nước ngoài.

“Trong cuộc CMCN 4.0, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi trên sân nhà”, ông Phạm Hải Văn nói.

Ông Hùng Trần, CEO Got It

Không có con đường bằng phẳng cho startup

Từ kinh nghiệm xây dựng Got It, ông Hùng Trần, CEO Got IT (công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên có trụ sở đặt tại Silicon Valley, Mỹ) cho rằng khi khởi nghiệp, yếu tố nhân sự luôn mang tính quyết định.

Tại Việt Nam, đội ngũ nhân sự kỹ sư CNTT vẫn còn có khoảng cách lớn so với nước ngoài. Nhiều nhân sự mới chỉ mới là gia công phần mềm, còn hạn chế ở nhiều yếu tố như năng lực công nghệ sáng tạo, các kỹ năng mềm khác…

“Khi xây dựng Got It, chúng tôi chú trọng xây dựng đội ngũ giỏi tại Silicon Valley, làm ra sản phẩm được nền tảng với hàng tỷ người dùng trên thế giới tích hợp. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng Việt Nam có thể xây dựng được những công ty toàn cầu, đào tạo ra lứa lực lượng làm công nghệ hùng mạnh để gây dựng doanh nghiệp”, ông Hùng Trần nói.

“Thế giới công nghệ là không biên giới, khi đã xây dựng sản phẩm ra ngoài thị trường thì để toàn thế giới có thể sử dụng. Khi xây dựng đừng nghĩ chỉ sử dụng ở Việt Nam, mà phải đi ra ngoài biên giới. Đồng thời, cần có chiến lược phù hợp giúp cho doanh nghiệp phát triển”, ông Hùng Trần nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Got It, thực tế đang cho thấy so với các công ty truyền thống, các công ty công nghệ đang có tốc độ phát triển nhanh hơn rất nhiều. Cách đây vài năm, Facebook mua lại Instagram với 14 tỷ USD với đội ngũ nhân sự chủ chốt chỉ có 9 người.

Ông Hùng chia sẻ, những người làm khởi nghiệp về công nghệ thường chấp nhận làm những việc khó, chưa rõ ràng và như vậy đương nhiên là cũng chấp nhận rủi ro. Ngay tại Mỹ, hàng năm số lượng các công ty khởi nghiệp mọc lên rất nhiều và số lượng “chết” cũng rất lớn.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ Việt, do am hiểu thị trường, doanh nghiệp trong nước hơn so với doanh nghiệp nước ngoài khi nhảy vào Việt Nam.

Cũng theo ông Phan Tâm, các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được ngang tầm so với các doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Người Việt, doanh nghiệp Việt có thể tạo ra được sản phẩm công nghệ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề còn lại là phải gây dựng được niềm tin của thị trường trong nước.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : CEO, Got It, Khởi nghiệp sáng tạo, thị trường Việt Nam