TP.HCM tăng tốc nông nghiệp công nghệ cao
(thegioitiepthi.vn) - Theo Sở NNPTNT TP.HCM, nếu như năm 2010 tỷ lệ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở TP chỉ khoảng 10%, thì đến năm 2018 là 38,2% và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo. Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng Ban Quản lý Khu NNCNC TP.HCM khẳng định, 5 năm tới TP sẽ hình thành nền NNCNC.
Trong phòng cấy mô hoa lan tại Khu NNCNC TP.HCM.
Tăng nhanh tỷ lệ đầu tư CNC
Kết quả nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại TP, giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy về trồng trọt , TP đã xây dựng được bộ sưu tập nguồn gen hoa lan (360 mẫu giống). Nghiên cứu thành công tạo dòng lan Dendrobium, Mokara kháng virus khảm vàng bằng công nghệ chuyển gen; tiến hành chiếu xạ tạo giống đột biến trên lan rừng và hoa chuông, lai tạo thành công 38 tổ hợp lai giữa các giống lan nhập nội với nhau và giữa nhóm lan nhập nội với nhóm lan rừng, chọn ra 48 cá thể lan lai thuộc dòng triển vọng và chọn lọc 20 dòng lai để nhân giống, công nhận giống mới và sản xuất cung cấp cho thị trường.
Việc xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao cũng đang rất khả quan. TP đã ứng dụng phổ biến các kỹ thuật công nghệ mới trong canh tác, như: sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa, kỹ thuật sử dụng phân bón…; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và giao dịch thương mại. Riêng về chăn nuôi, công tác cải tạo giống bò sữa được thực hiện liên tục qua nhiều năm, thông qua việc thụ tinh nhân tạo với các dòng tinh bò sữa cao sản nhập nội từ Israel, Mỹ, Canada.
Từ năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh đã vận hành trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF). Hiện, TP cũng có nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong việc tạo ra đàn giống thủy sản đơn tính để đưa vào sản xuất cung cấp cho thành phố, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia.
Ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh văn phòng điều phối NTM TP.HCM chia sẻ, trong tình trạng đất ngoại thành đang teo tóp do đô thị hóa, công nghiếp hóa, việc tăng mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp nhằm mục đích nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích nhỏ hẹp.
Cùng với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, TP cũng đã tổ chức ươm tạo DN NNCNC. Theo TS.Nguyễn Hoài An - Trung tâm Ươm tạo DN NNCNC, tính đến nay, Trung tâm đã ươm tạo được 31 DN. “Nhìn chung các DN sau khi tốt nghiệp chương trình ươm tạo đã có bước phát triển về mặt nhân sự, sản phẩm của DN đã hoàn thiện và đã từng bước thâm nhập thị trường. Hiện, các DN đang đang tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu, phát tiển thị trường cho sản phẩm và nghiên cứu cải tiến công nghệ, phát triển các dòng sản phẩm mới”, TS.An cho biết.
Theo bà Lê Hà Mộng Ngọc - đại diện Công ty CP công nghệ sinh học Nấm Việt, sau khi tham gia ươm tạo tại Trung tâm, nguồn nhân lực được nâng cao. Sản phẩm của DN được đa dạng chung loại hơn. “Hiện sản phẩm của DN đã phân phối trên 15 siêu thị tại TP.HCM. Ngoài ra, sản phẩm nấm mèo của DN đang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, bà Ngọc cho biết.
5 năm tới có nền NNCNC?
Thời gian qua, việc TP ban hành nhiều chương trình, cơ chế, chính sách đặc thù đã giúp nông dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào sản xuất NNCNC tăng nhanh. Tuy nhiên, một số DN đầu tư NNCNC vẫn cho rằng, vẫn còn nhiều trở lực trên con đường làm nông 4.0. Ông Tống Hữu Châu-chủ trại cá cảnh xuất khẩu cho biết, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cá cảnh đi châu Âu, trại đã sửa sang lại toàn bộ cơ sở hạ tầng với gần 1.000 hồ kiếng các loại, trên 50 bồn composite, hệ thống bể ximăng và 1.000m2 bêtông trải bạt. “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn để phù hợp với quy hoạch đất đai của TP khi mở rộng phát triển trại ”, ông Châu cho biết.
Ngoài ra, một số DN cũng cho rằng, thời gian qua việc triển khai mô hình và chuyển giao công nghệ NNCNC của TP còn thiếu vừa chậm. Về vấn đề này, ông Thiện cũng xác nhận trong thời gian qua việc chuyển giao CNC cho nông dân, DN tham gia nông nghiệp 4.0 còn khá chậm.
Ông Đặng Văn Út - Phó Chủ tịch HND huyện Cần Giờ chia sẻ, Cần Giờ nuôi tôm hơn 30 năm, con tôm đang được ngành nông nghiệp TP xác định là con chủ lực để phát triển. Nhưng hiện nay cả huyện vẫn chưa có mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC của ngành để nông dân học tập kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho nông dân.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để hình thành nền NNCNC cần có 2 điều kiện: tư duy và công nghệ. Ông Thiện cho biết, về tư duy làm NNCNC của hơn 300.000 hộ nông dân ở TP hiện nay khá thấp. “Tôi lạc quan về công nghệ hơn. Hiện, TP có những mô hình làm nông được đầu tư CNC rất tốt, thuộc loại tiên tiến của thế giới. Có thể xem, những mô hình này đứng vào top đầu của Đông Nam Á. Có doanh nghiệp đầu tư NNCNC đã sản xuất công nghệ bán ra nước ngoài”, ông Thiện thổ lộ.
Theo Sở NNPTNT TP, sắp tới TP sẽ triển khai đầu tư 4 dự án: Mở rộng Khu NNCNC 200ha tại xã Phạm Văn Cội (Củ Chi); dự án đầu tư xây dựng Khu NNCNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; dự án mở rộng Khu NNCNC (hơn 23ha) tại xã Phước Vĩnh An (Củ Chi); và dự án xây dựng Khu chăn nuôi CNC tại huyện Bình Chánh.
Ông Nguyễn Phước Trung-Giám đốc Sở NNPTNT TP, TP có những ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, tăng cường khuyến khích các tổ chức khoa học trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm CNC; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp nhận được công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm NNCNC.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : nông nghiệp, công nghệ cao