Không phải Việt Nam hay Bangladesh, đây mới là quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu lao động với đội quân hơn 10 triệu người
Khoảng 1/4 số thủy thủ hiện nay trên thế giới là người Philippines bất kể còn tàu đó là của nước nào. Hàng năm, lao động nước ngoài đem về 28 tỷ USD cho Philippines nhưng 35% dân số nước này vẫn nghèo.
Anh Recuerdo Morco xuất khẩu lao động lần đầu khi mới 22 tuổi và chu du nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chàng trai giờ đã 33 tuổi này chẳng phải đi du lịch. Điều đầu tiên anh làm mỗi khi đến một bến cảng mới là đi mua sim điện thoại gọi điện về cho gia đình.
Làm việc cho một thuyền chở hàng, anh Morco đi lại thường xuyên tại mọi bến cảng giữa Thụy Điển và Australia. Bản thân anh cũng cho biết mình chẳng phàn nàn gì công việc này, bởi ở quê nhà không có gì ngoài sự buồn chán.
Anh Mordo chỉ là 1 trong số hơn 10 triệu người lao động tại nước ngoài của Philippines, tương đương 1/10 tổng dân số. Câu chuyện này chẳng có gì lạ khi Philippines có tỷ lệ thất nghiệp cao, mức lương thấp và không có nhiều cơ hội thăng tiến.
Theo ước tính, hàng năm những lao động xuất khẩu Philippines, hay còn gọi là OFW, gửi về nhà khoảng 31 tỷ USD, tương đương 10% tổng GDP toàn quốc. Người Philippines là lao động chính tại các thị trường như Angola hay xây dựng công trình ở Nhật Bản. Họ cũng là nhân lực chính của các mỏ dầu ở Lybia, hay làm vú em cho các gia đình Hong Kong. Thậm chí nhiều người còn làm ca sĩ tại các vùng quê xa xôi tại Trung Quốc hoặc làm trong mảng khách sạn ở Trung Đông. Khoảng 1/4 số thủy thủ hiện nay trên thế giới là người Philippines bất kể con tàu đó là của nước nào.
Mảng xuất khẩu lao động tại Philippines mạnh đến nỗi chúng làm thay đổi cả nền kinh tế, giáo dục của nước này. Hàng năm, khoảng 19.000 y tá, sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên ngoại ngữ tại Philippines xuất khẩu ra khắp thế giới. Học sinh tại đây cũng chuộng những chuyên ngành có thể tìm việc ở nước ngoài hơn là chú trọng thị trường trong nước.
Những ngành như hàng hải, y tá có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Hàng loạt lớp học về văn hóa như cách ăn uống, trải bàn của Phương Tây, cách dọn phòng cho bệnh viện Hàn Quốc hay cách chào hỏi bằng tiếng Ả Rập, Trung Quốc mọc lên như nấm ở Philippines.
Chính phủ nước này cũng cho thành lập hàng loạt công ty môi giới, chuyên giải quyết những vấn đề về hợp đồng lao động, giải cứu công nhân khỏi các vụ xung đột hay thậm chí lo chuyển khoản tiền về nước.
Nhờ những đồng tiền lao động nước ngoài này mà nhiều gia đình nghèo ở Philippines khá dần lên, xây được những ngôi nhà khang trang giữa ruộng. Nước này thậm chí còn quy định tháng 12 hằng năm là tháng của người lao động nước ngoài để tổ chức ăn mừng.
28 tỷ USD ngoại hối và 35% dân số vẫn nghèo
Theo Hiệp ước Paris năm 1898, Mỹ tiếp nhận nhiều thuộc địa của Tây Ban Nha bao gồm Philippines. Dưới sự quản lý của người Mỹ, nền văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ của Philippines chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo ra những "giấc mơ Mỹ" của người bản địa.
Khi Thế chiến II nổ ra, rất nhiều y tá, đầu bếp cùng lao động Philippines có trình độ tiếng Anh tốt được tuyển dụng để phục vụ trong quân đội đồng minh. Chính điều này đã tạo điều kiện tiền đề để Philippines có lợi thế vượt trội so với nhiều nước Châu Á khác ở mảng xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ thực sự bùng nổ vào thập niên 1960s, khi cơn khát dầu mỏ của các nước Phương Tây thúc đẩy nền kinh tế Trung Đông.
Việc các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông thiếu việc làm trong thập niên 1960 đến 1980 đã thúc đẩy Tổng thống Philippines thời đó là Ferdinand Marcos thực hiện chính sách xuất khẩu lao động, tạo nguồn thu cho đất nước.
Do từng là thuộc địa của Mỹ trong gần 50 năm nên vốn tiếng Anh của người Philippines khá tốt. Thêm nữa, chính phủ xác định xuất khẩu lao động là 1 trong những ngành nghề mũi nhọn nên đã tập trung đào tạo, khiến những nhân viên Philippines phần lớn có kỷ luật và lễ phép.
Sự thành công của chính sách xuất khẩu lao đông đã giúp Philippines tăng lượng ngoại hối gửi về lên 10 lần, từ 7,6 tỷ USD năm 2003 lên 23 tỷ USD năm 2013 và đạt 28 tỷ USD vào năm 2018.
Trước nguồn ngoại hồi khổng lồ này, chính phủ đã thành lập nhiều ban ngành để quản lý, giúp đỡ việc xuất khẩu lao động. Những người Philippines làm việc tại nước ngoài được coi là người hùng ở quê nhà khi gửi tiền về giúp đỡ gia đình cũng như đất nước. Họ được chính phủ tạo nhiều ưu đãi như miến thuế giá trị gia tăng, con cái được giảm học phí lẫn bảo hiểm y tế, không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh…
Đi kèm với sự phát triển của xuất khẩu lao động là hàng loạt những ngành nghề ăn theo, như dịch vụ chuyển tiền, các trung tâm đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động, lớp dạy tiếng Anh, văn phòng luật sư cho lao động xuất khẩu…
Tuy nhiên, dù ngoại hối lớn nhưng khoảng 35% dân số Philippines, tương đương 8,5 triệu hộ gia đình của nước này vẫn thuộc dạng nghèo với thu nhập chưa đến 135 USD/tháng. Nguyên nhân là Philippines xuất khẩu phần lớn chất xám của mình ra nước ngoài, để lại trong nước những lao động trình độ thấp.
Philippines chủ yếu xuất khẩu lao động sang Tây Á, Trung Đông
Việc khắt khe trong tuyển dụng lao động khiến một bộ phận rất lớn những người nghèo tại Philippines vốn không được ăn học đầy đủ khó lòng ứng tuyển. Hệ quả là toàn tầng lớp trung lưu, thượng lưu của nước này đi xuất khẩu, chỉ một bộ phận rất nhỏ những lao động xuất sắc của tầng lớp nghèo mới đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, việc xuất khẩu hầu hết chất xám khiến dịch vụ y tế, giáo dục của nước này không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Những bác sĩ, y tá, giáo viên và lao động lành nghề chỉ chăm chăm ra nước ngoài khiến người dân không được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Trong khi đó, lượng người già, trẻ em và lao động nghèo không đạt chuẩn phải ở lại trong nước lại tạo ra hàng loạt những bất cập, gây mất ổn định xã hội.
Rõ ràng, Philippines đang gặp nhiều thế khó với chiến lược xuất khẩu lao động của mình. Hiện vẫn chưa rõ quốc gia này sẽ đi theo con đường nào để bứt phá trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 nhưng việc xuất khẩu chất xám như hiện nay đang ngày càng tạo nên nhiều hệ lụy.
AB
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Bangladesh, xuất khẩu lao động