Cạnh tranh không lành mạnh tác động xấu đến nền kinh tế

(thegioitiepthi.vn) - Những câu chuyện như Bamboo Airways chiêu mộ phi công, tiếp viên của các hãng khác; công bố nước mắm truyền thống nhiễm độc tố của Vinasas… chính là những ví dụ điển hình về hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. 

Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sẽ tác động xấu đến nền kinh tế

Tại Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 15/5, ông Nguyễn Hồng Hải, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển mạnh với hơn 700.000 doanh nghiệp hoạt động trên khắp các lĩnh vực.

Tuy nhiên, để có được sự phát triển như vậy đã có sự cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường giữa các doanh nghiệp. Trong đó tồn tại một dạng cạnh tranh mà pháp luật phải điều chỉnh, đó là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Chỉ ra ví dụ điển hình về kiểu cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ông Hải cho biết, đó là vụ việc Vinastas đã công bố hàm lượng Asen trong nước mắm một cách mập mờ (không nói rõ Asen hữu cơ và vô cơ). Điều này cho thấy có sự cấu kết, dàn dựng một cách bài bản, tinh vi, làm méo mó thị trường giữa doanh nghiệp làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông làm “sân sau” và một số cán bộ quản lý nhà nước biến chất.

Trường hợp khác đó là thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Việc này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng, cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam.

Theo ông Hải, nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này và các hành vi tương tự trong tương lai thì cơ quan cạnh tranh khó có thể can thiệp để bảo vệ môi trường cạnh tranh quốc gia, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng có nhiều hình thức kinh doanh, nhiều doanh nghiệp có thể không cần hiện diện thương mại tại quốc gia khác vẫn thực hiện cung ứng dịch vụ tại quốc gia đó.

Nói về vấn đề này, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đó là hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và tính khả thi thấp; Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, nhất là hoàn thiện các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp trong nước lợi dụng, có hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm giành giật thị trường, loại bỏ đối thủ, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để chèn ép, loại bỏ các đối thủ là các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao, kinh doanh quá mạo hiểm. Trong khi đó mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn quá thấp. Đồng thời, sự hiểu biết về pháp luật cạnh tranh còn hạn chế trong đời sống cộng đồng…

“Việt Nam tuy đã có nền kinh tế thị trường, nhưng cơ chế xin – cho” vẫn tồn tại; vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành đâu đó vẫn còn cùng với các hành vi tham nhũng là những tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vì đã có bảo kê, chống lưng…” – ông Tuấn thẳng thắn nói.

Do vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, TS. Tuấn nhấn mạnh, pháp luật cạnh tranh cần được nhấn mạnh như một công cụ quan trọng hàng đầu. Pháp luật cạnh tranh có nhiệm vụ ngăn ngừa và xử lý những hành vi cạnh tranh trái pháp luật, trái đạo đức và tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo nền kinh tế thị trường vận hành trôi chảy.

Đồng thời, hành lang pháp lý ngăn ngừa và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải được xây dựng trên Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh, Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan…

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Cạnh tranh, không lành mạnh, tác động xấu, nền kinh tế