Alibaba - Tiên phong thay đổi để thành công

(thegioitiepthi.vn) - Alibaba đã vươn mình trở thành một tập đoàn khổng lồ nhờ nắm bắt đúng xu thế công nghệ và liên tục đổi mới.

Một câu chuyện cổ tích trong thế kỷ 21

Thành lập tại một căn hộ nhỏ ở Hàng Châu, Alibaba đã vươn mình trở thành một tập đoàn khổng lồ với sự ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Yourstory, Jack Ma biết đến mạng internet lần đầu khi đến Mỹ vào những năm đầu thập niên 90. Đến năm 1999, ông quyết định đặt cược vào sự phát triển của công nghệ khi bắt đầu Alibaba cùng với 17 người bạn của mình và huy động vốn được 5 triệu USD.

Alibaba có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua. Ảnh minh họa

Hai trang web của Alibaba là Alibaba.com (theo hình thức B2B ) and 1688.com (theo hình thức B2C) được thành lập đúng thời điểm khi quả bom tiêu dùng internet vừa đến Trung Quốc trong khi các thị trường thương mại điện tử khác như Ấn Độ thậm chí còn chưa biết tới.

Đầu năm 2000, Alibaba nhận được tin tốt khi SoftBank quyết định đầu tư 20 triệu USD vào công ty mới này. Từ đó trở đi, công ty đã liên tục tăng trưởng dương và có những bước tiến vượt bậc.

Sang năm 2003, Alibaba tiếp tục thành lập trang web mua sắm taobao.com với phương thức hoạt động giống những gì trang web eBay đã làm tại Mỹ. Alibaba cũng huy động vốn thành công với số tiền 82 triệu USD từ các nhà đầu tư sau khi ra mắt dịch vụ nhắn tin Aliwangwang và nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay. Đây cũng chính là ba mảng chính xây dựng nên tập đoàn Alibaba ngày nay: thương mại điện tử, tài chính và logistic.

Đến năm 2005, Alibaba hợp tác với Yahoo và đảm nhiệm hoạt động của công ty này tại Trung Quốc. Ba năm sau đó, Alibaba lần lượt ra mắt Đại học Taobao (một chương trình giáo dục thương mại điện tử trực tuyến), Alimama (một nền tảng tiếp thị trực tuyến) và TMall (một thị trường trực tuyến cho các sản phẩm mang thương hiệu của bên thứ ba).

Công ty kỷ niệm 10 năm thành lập bằng việc thành lập Alibaba Cloud và mua lại HiChina nhà cung cấp IP tại Trung Quốc.

Từ năm 2013 trở đi, Alibaba là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới với danh mục đầu tư đa dạng bao gồm: mua lại trình duyệt web UC Browser, mua 60% cổ phần của công ty phim Trung Quốc ChinaVision Media (hiện đổi tên thành Alibaba Pictures Group) cùng các khoản đầu tư lớn vào Haier, Lyft, Tango, Singapore Post và Momo.

Sau đó, vào tháng 9/2014, công ty đã phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ và huy động được 25 tỷ USD với giá trị thị trường là 231 tỷ USD, vượt xa các công ty thương mại trực tuyến khác như Amazon (150 tỷ USD) và eBay (65 tỷ USD).

Vào năm 2016, Alibaba được công nhận là nhà bán lẻ lớn nhất và có giá trị nhất thế giới sau khi doanh thu vượt trội những ông lớn Walmart, Amazon và eBay.

Alibaba tiếp tục làm nên lịch sử khi trở thành công ty châu Á thứ hai (sau Tencent) có giá trị thị trường vượt mốc 500 tỷ USD khi đạt 527 tỷ USD vào tháng 1/2018.

Theo đuổi chiến lược kinh doanh thông minh

Phó chủ tịch Alibaba, Ming Zeng cho biết, công ty có hệ sinh thái ban đầu đơn giản: kết nối người mua hàng với người bán hàng. Nhưng khi công nghệ phát triển và những chức năng kinh doanh bắt đầu chuyển sang trực tuyến như quảng cáo, tiếp thị, logistic, tài chính…, Alibaba đã mở rộng hệ sinh thái. Từ đó, công ty đã tạo ra kiểu kinh doanh trực tuyến mới, định hình lại thị trường bán lẻ Trung Quốc lúc bấy giờ.

Ngày nay, Aliaba không chỉ đơn giản là một công ty thương mại điện tử. Công ty này làm tất cả những gì mà Amazon, eBay, PayPal, Google, FedEx, các nhà bán buôn và các nhà sản xuất làm tại Mỹ.

Ming Zeng cho biết, trong 10 công ty có giá trị cao nhất thế giới thì có tới 7 công ty có có mô hình kinh doanh tương tự như Alibaba.

Theo Harvard Business Review, chiến lược kinh doanh mà các công ty này sử dụng chính là kinh doanh thông minh, đại diện cho tư duy kinh doanh sẽ chi phối trong tương lai.

Kinh doanh thông minh xuất hiện khi tất cả người tham gia có mục tiêu kinh doanh chung – ví du như bán lẻ hoặc đi xe chia sẻ, được điều phối trong một mạng trực tuyến và sử dụng công nghệ máy học để tận dụng hiệu quả dữ liệu trong thời gian thực.

Trong mô hình kinh doanh này, hầu hết các quyết định hoạt động được thực hiện bởi máy móc, cho phép các công ty thích ứng linh hoạt và nhanh chóng với các điều kiện thị trường và sở thích của khách hàng, đạt được lợi thế cạnh tranh to lớn so với các doanh nghiệp truyền thống.

Ví dụ về Ant Microcredit, một công ty cho vay của Alibaba. Năm 2010, Alibaba thành lập một doanh nghiệp cho vay nhỏ lẻ cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp với số tiền không lớn hơn 160.000 USD. Lúc đó, ngân hàng lớn ở Trung Quốc thường cho vay với số tiền tối thiểu phải đạt khoảng 1 triệu USD, cao hơn nhiều so với nhu cầu cần thiết cho hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hậu quả là hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã gặp khó khăn để đảm bảo số tiền cần thiết để phát triển hoạt động.

Vì vậy, công ty cho vay của Alibaba nhanh chóng được nhiều người biết đến và trong bảy năm hoạt động, công ty này đã cho vay hơn 13,4 tỷ USD cho gần ba triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đến năm năm 2012, Alibaba kết hợp hoạt động cho vay này cùng với Alipay, hệ thống thanh toán rất thành công của công ty để tạo ra Ant Financial.

Ngày nay, Ant có thể dễ dàng xử lý các khoản vay nhỏ khoảng 50 USD chỉ trong vài phút. Tất cả là nhờ vào công nghệ học máy của Ant Financial khi nó sẽ phân tích dữ liệu của doanh nghiệp dựa trên các hoạt động của doanh nghiệp này. Dựa trên phân tích, hệ thống sẽ quyết định có cho vay hay không, vay bao nhiêu và lãi như thế nào.

Đồng thời, các khoản cho vay nhỏ không thu hồi được của Alibaba ở mức 1% - thấp hơn rất nhiều so với con số 4% trung bình trên thế giới mà World Bank đưa ra.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Alibaba, Tiên phong, thay đổi để thành công