Bán thịt lợn an toàn, dân đến mua nườm nượp

(thegioitiepthi.vn) - Nhằm giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn trong “bão“ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhất là ách tắc trong khâu tiêu thụ ở những đàn lợn còn khỏe mạnh, sạch bệnh, nhiều tỉnh, thành đã khẩn trương vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi người dân không “quay lưng với thịt lợn“ và nhận được sự ủng hộ tích cực của người tiêu dùng.

Thu hút người dân mua thịt lợn sạch bệnh

Tại TP.Hải Phòng, tổng đàn lợn hiện còn hơn 260.000 con. Trong đó, số lượng lợn thịt trong các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ đến thời điểm xuất bán hiện nay là hơn 123.000 con, trọng lượng khoảng hơn 12.000 tấn nhưng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Trước thực trạng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng phối hợp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận, công ty chăn nuôi… tổ chức triển khai mô hình “Quầy kinh doanh thịt lợn an toàn” và “Chợ kinh doanh thịt lợn an toàn” nhằm thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn.

Mô hình này đang mang lại hiệu quả, thu hút rất nhiều khách tới mua thịt lợn về dùng, góp phần tạo nên hiệu ứng tốt trong dư luận, giúp người chăn nuôi tại các xã, huyện trên địa bàn vượt qua khó khăn.

 

Cán bộ, công chức khối đảng, đoàn thể TP.Thái Bình mua thịt ủng hộ người chăn nuôi lợn. Ảnh: M.N.

Tại Thái Bình, phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn giúp dân cũng đang được đẩy mạnh và tạo nên sức lan tỏa lớn. Theo đó, cuối tháng 4 vừa qua, Tỉnh ủy Thái Bình đã có văn bản thông báo, đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố và người dân hiểu đúng về bản chất của bệnh DTLCP, không “quay lưng” với thịt lợn sạch bệnh, có địa chỉ và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình phát động phong trào hỗ trợ, tiêu thụ lợn thịt trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, mỗi người mua hỗ trợ từ 10kg thịt lợn hơi trở lên trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 và các ngày tiếp theo để giúp hộ chăn nuôi bớt gánh nặng kinh tế trong đầu tư chuồng trại, chi phí thức ăn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương này, hiện trên địa bàn còn tồn đọng khoảng hơn 70.000 con lợn thịt khỏe mạnh, đến kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được.

Ngay sau khi phát động phong trào, Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp các ban của Tỉnh ủy hỗ trợ thu mua khoảng 1,7 tấn thịt lợn hơi. Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đồng loạt hưởng ứng, nơi ít mua ủng hộ hơn 1 tấn, nơi nhiều như huyện Đông Hưng vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu thụ 23,7 tấn lợn thịt cho bà con chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Thái Bình cho biết: Việc chung tay chia sẻ, giải cứu lợn giúp nông dân không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là tình cảm, đạo lý chia sẻ, tương thân tương ái của dân tộc.

"Đến nay, thành phố đã kêu gọi và phấn đấu 100% cán bộ, công nhân viên chức chung tay hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn, góp phần giúp người chăn nuôi giảm số lượng lợn đã đến kỳ xuất bán, thu hồi vốn, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi nhân dân trên địa bàn thành phố không quay lưng với thịt lợn khỏe mạnh” - bà Mai chia sẻ.

Để việc hỗ trợ thu mua thịt lợn sạch bệnh, đúng địa chỉ, tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở NNPTNT đứng ra làm đầu mối cung cấp thông tin về từng hộ chăn nuôi, thống kê số lượng lợn thịt khỏe mạnh đến kỳ xuất bán, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ cho các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn. Lập danh sách các cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, có đủ năng lực, sẵn sàng phục vụ giết mổ lợn cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu mua tại địa phương.

Cần "mở cửa" tiêu thụ thịt lợn cho dân

Tại Hà Nội, trong rất nhiều cuộc họp lớn gần đây, các lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội liên tục nhấn mạnh bên cạnh việc phòng, chống dịch, các cơ quan, ban ngành của Thủ đô cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người dân.

 

Gian hàng bày bán sản phẩm thịt lợn ở phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) thu hút nhiều khách hàng tới mua hàng. Ảnh: Hải Đăng.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng: "DTLCP rất nguy hiểm, khi bị xâm nhiễm, tỷ lệ lợn chết là 100%. Nhưng bệnh này không lây lan sang người, nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng và nên mua nhiều sản phẩm thịt lợn để giúp người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội vượt qua khó khăn".

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi phát động, phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn đang lan tỏa tại nhiều địa phương, giúp giá thịt lợn hơi bình ổn trở lại. Tuy nhiên, điều mà các chủ trang trại đang lo ngại hơn là hiện quy định cấm vận chuyển, tiêu thụ lợn theo Luật Thú y hiện hành đang có nhiều bất cập, gây khó khăn cho bà con.

Đơn cử như trang trại của gia đình ông Phạm Văn Thắng ở TP.Thái Bình có tổng đàn hơn 3.800 con lợn, trong đó gần 600 lợn nái, hơn 1.100 lợn sữa và 2.100 lợn thịt. Mặc dù áp dụng đầy đủ, chặt chẽ kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, nhưng trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, trang trại của gia đình ông cũng không tránh khỏi thiệt hại.

Ông Thắng cho hay: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, lợn thịt khỏe mạnh đến kỳ xuất bán của gia đình không tiêu thụ được, vốn đầu tư chăn nuôi không được thu hồi. Lợn thịt khỏe mạnh còn tồn trong chuồng ngày nào, gia đình tôi còn lo lắng, tốn kém thêm ngày ấy”.

 

 

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : thịt lợn, mua nườm nượp