3 nhân vật làm nên Louis Vuitton - huyền thoại của thời trang thế giới

Điều gì đã làm nên một Louis Vuitton xa hoa như hiện nay? Điều gì khiến việc sở hữu một chiếc túi LV giống như một tuyên ngôn đẳng cấp và quyền lực?

Louis Vuitton (viết tắt là LV) là thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Pháp danh giá bậc nhất thế giới, thành lập từ năm 1854, mang tên chính người sáng lập Louis Vuitton. Các sản phẩm của thương hiệu Louis Vuitton bao gồm vật dụng từ da, túi xách, giày, đồng hồ, va-li du lịch, trang sức và phụ kiện. Nét đặc trưng của tất cả sản phẩm này là họa tiết chữ LV lồng vào nhau và hoa bốn thùy (monogram) cộp mác thương hiệu trên nền da hoặc vải canvas thượng hạng.

Trong suốt sáu năm liên tiếp (2006-2012), Louis Vuitton được vinh danh là thương hiệu cao cấp đắt giá nhất thế giới theo Millward Brown. Năm 2019 đánh dấu 165 năm đế chế LV tồn tại và khẳng định đẳng cấp với hơn 460 cửa hàng thuộc 50 quốc gia trên khắp thế giới.

Nét đặc trưng của tất cả sản phẩm này là họa tiết chữ LV lồng vào nhau và hoa bốn thùy (monogram) cộp mác thương hiệu trên nền da hoặc vải canvas thượng hạng.

Vượt hẳn Gucci, lớn gấp đôi Prada, đặc biệt, được xếp hạng cao hơn Adidas, Chanel, Pizza Hut, Amazon, Apple và vô số những thương hiệu toàn cầu khác trong các cuộc thăm dò hàng năm của Interbrand về 100 thương hiệu hàng đầu thế giới – đó là Louis Vuitton. Điều gì làm nên thương hiệu thành công bậc nhất thế giới trong hàng thập kỷ? Không ai khác đó chính là các thế hệ CEO và những nhà thiết kế tài năng của Louis Vuitton, những con người đã thổi hồn và làm nên sức sống mãnh liệt cho biểu tượng của thương hiệu thời trang xa xỉ.

Louis Vuitton - Cái tên huyền thoại

Louis Vuitton - người đã sáng lập công ty Louis Vuitton, một trong những thương hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới, được Forbes định giá lên tới gần 30 tỉ USD.

Câu chuyện của nhà sáng lập Louis Vuitton cho đến nay vẫn thuộc hàng kinh điển minh chứng cho ước mơ, tầm nhìn, khát vọng và nghị lực của mọi doanh nhân. Sinh vào 4/8/1821 tại Jura (phía Đông nước Pháp), Louis Vuitton đã nuôi khát vọng được chu du đây đó và học hỏi thêm nhiều kiến thức ngay từ khi còn rất trẻ. Dù có xuất thân không danh giá trong một gia đình thuần nông và mồ côi mẹ khi mới lên 10 nhưng ông chưa từng coi đó là điều bất lợi.

Và cậu bé 13 tuổi vùng nông thôn đã cuốc bộ gần 500km để đến với thủ đô Paris phồn hoa tìm kiếm cơ hội đổi đời. Chặng đường ấy kéo dài hai năm trời ròng rã, cậu bé ấy ngủ bất chấp nơi nào, làm bất cứ việc gì để tồn tại. Tới thủ đô ánh sáng, cậu trở thành nhân viên học việc trong xưởng của một người chuyên làm thùng gỗ. Tiết kiệm được một số vốn, cộng với kinh nghiệm, Louis mở xưởng đóng rương hòm cho riêng mình. Vào năm 1853, cuộc đời cậu bé ấy hoàn toàn thay đổi sau khi được Hoàng hậu Eugenie de Montijo – vợ của Napoleon Bonaparte mời làm thợ đóng hòm du lịch riêng cho bà.

Năm 1858, Louis Vuitton phát minh ra loại rương để đồ hình chữ nhật. Trước đó, cả châu Âu hầu như chỉ dùng loại rương với nắp hình vòm, gây nhiều khó khăn trong việc xếp chồng khi di chuyển xa. Công việc của Louis đặc biệt thăng hoa sau khi nhận huy chương đồng trong cuộc triển lãm Exposition Universelle do Napoleon tổ chức vào năm 1867. Từ đây, ông chính thức trở thành nguồn cung cấp rương hòm uy tín cho giới quý tộc Paris.

Nội dung quảng cáo của hãng năm 1898.

Đến 1892, Louis Vuitton đã trở thành thương hiệu xa xỉ hàng đầu nước Pháp. Nhà sáng lập qua đời trong năm này đã để lại vị trí quản lý cho người con trai là Georges Vuitton. Chặng đường mới tiến ra trường quốc tế của thương hiệu cũng bắt đầu từ đây.

Bernard Arnault: Ông trùm làng thời trang xa xỉ

Người đàn ông giàu nhất nước Pháp, và được mệnh danh là ông trùm của các thương hiệu thời trang xa xỉ. 

"Tiny man, Huge ego" câu nói nổi tiếng trong bộ phim "The devil wears Prada" được dùng để ám chỉ Bernard Arnault, nguyên mẫu của nhân vật CEO tạp chí Runway. Ông được ca ngợi là đại diện hoàn hảo cho thế hệ mới của LV và hiện đang là tỷ phú giàu nhất nước Pháp đồng thời đứng thứ 4 trên thế giới. 

Từ khi còn trẻ, Arnault đã tỏ rõ khả năng kinh doanh táo bạo trời phú. Mặc dù theo học kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique (Pháp) nhưng ông quyết định về làm việc tại công ty xây dựng của gia đình. Thương vụ mua lại công ty dệt Boussac Saint-Freres, vốn sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior là một đòn bẩy để người đàn ông sắc sảo này gia nhập lĩnh vực thời trang.

Arnault trở thành CEO của Dior năm 1985. Năm 1987, ông được chủ tịch Henry Racamier của LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) mời đầu tư vào thương hiệu này. Vào năm 1990, Arnault sở hữu 43,5% của LVMH, 35% quyền biểu quyết và chính thức trở thành chủ tịch kiêm CEO của LVMH.

LVMH là tập đoàn số một thế giới về xa xỉ phẩm với 70 thương hiệu cao cấp cùng khoảng 4.000 nhà bán lẻ, hoạt động trong 6 lĩnh vực nổi bật; sở hữu những thương hiệu như: Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy…  Và các nhãn hiệu đồng hồ trang sức cao cấp như: Bvlgari, Hublot, Zenith và Tag Heuer.

Quá trình thống nhất LVMH của ông được xem là một trong những vụ thâu tóm cam go và quyết liệt nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Pháp, khiến tên tuổi Arnault được nhắc nhiều như “nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh”. Cuối tháng 4/2017, một trong những thương vụ M&A đình đám nhất ngành thời trang thế giới khi tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH của tỷ phú Bernard Arnault thâu tóm thành công thương hiệu Christian Dior.

Chỉ trong 11 năm khi Bernard Arnault điều hành, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, cả doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500%. Nguyên lý của ông là các thương hiệu thuộc tập toàn khi được mua về sẽ vẫn hoạt động như những công ty độc lập, theo văn hoá và bản sắc lịch sử riêng.

Marc Jacobs: Chàng hoàng tử thiết kế giấc mơ

Chàng hoàng tử một thời của LVMH.

Giới quyền lực ví von rằng, nếu như Karl Lagerfeld được ca tụng như ông hoàng của ngành thời trang với đế chế Chanel vĩ đại thì Marc Jacobs chính là chàng bạch mã hoàng tử của vương quốc Louis Vuitton. Nhà thiết kế tài năng này đã gắn bó với Louis Vuitton gần 2 thập kỷ (1997-2014) và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển thương hiệu. Nhiều biên tập viên, nhà phê bình thời trang danh tiếng còn phải thốt lên rằng, thời trang thế giới sẽ không còn là thời trang nếu thiếu đi sự hiện diện của bộ đôi Marc Jacobs – Louis Vuitton.

Năm 1997, Marc Jacobs “đầu quân” cho Louis Vuitton với vai trò giám đốc nghệ thuật và giám đốc hình ảnh. Marc đã bắt tay vào sáng tạo BST thời trang nữ Xuân/Hè 1998. Ngay lập tức, BST mới mẻ này được giới chuyên môn đánh giá cao, xem như “cú chuyển mình” đầu tiên của nhà mốt sau bao năm đắm chìm trong quá khứ.

Năm 2001, để mang đến làn gió mới cho các thiết kế túi xách của LV, Marc Jacobs đã mời Takashi Murakami cùng hợp tác. Các thiết kế túi xách, vali với những họa tiết logo LV theo phong cách graffity đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trên thế giới. Với thành tựu này, ông đã 2 lần được nhận giải “Nhà thiết kế phụ trang” của năm do CFDA (Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ) đề cử vào năm 1999 và năm 2001.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Marc Jacobs liên tiếp đẩy mạnh doanh thu cho Louis Vuitton và định hình phong cách của những “IT girl” thế hệ mới – những cô gái biểu trưng cho sự sành điệu và thành đạt. Sau 16 năm, những tàn tích già nua cũ kỳ của Louis Vuitton đã được Marc Jacobs giũ bỏ hoàn toàn. Ông đã cho thấy sức mạnh của sự táo bạo, giúp những thiết kế trở nên mềm mại, sang trọng, ứng dụng hơn trong từng mùa và cũng làm “rung chuyển ngành thời trang”, đưa thương hiệu Louis Vuitton lên ngai vàng rực rỡ.

Sự chia ly của bộ đôi Marc Jacobs – Louis Vuitton khiến cho cộng đồng thời trang không khỏi tiếc nuối. Thế nhưng nhìn lại chặng đường hoàng kim mà Marc và Louis Vuitton kết hợp, quả thực rất đẹp và thành công.

Theo 24h.com.vn

Từ khóa : Louis Vuitton, huyền thoại, thời trang thế giới