Làm giàu ở nông thôn: Tiền tỷ 'mọc' ra từ những cành củi khô

Ông Bùi Ngọc Cử ở tiểu khu 428, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã nghiên cứu và áp dụng thành công mô hình trồng nấm linh chi từ cây keo. Đây không chỉ là chuyện lạ ở Sơn La mà còn là chuyện lạ trong giới trồng nấm linh chi của cả nước. Cùng với việc mạnh dạn đầu tư máy móc, học hỏi công nghệ chế biến, ông còn tạo ra nhiều sản phẩm giá trị từ loại dược liệu quý này, đem lại thu nhập cao.

Trước đây, ông Bùi Ngọc Cử từng có thời gian công tác tại Công ty Lâm nghiệp Sơn La nên có điều kiện tiếp cận nhiều mô hình kinh tế gắn với phát triển rừng. Sau khi về hưu, ông tiếp tục sản xuất các loại cây giống lâm nghiệp, cây ăn quả và dược liệu. Đặc biệt, năm 2018, ông đã nghiên cứu mô hình trồng nấm linh chi từ nguyên liệu gỗ keo, tận dụng tiềm năng rừng trồng của địa phương.

 

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, ông Bùi Ngọc Cử đã thành công với mô hình trồng nấm linh chi bằng nguyên liệu cây keo.

Nằm sâu trong vùng rừng núi, khu sản xuất nấm của ông Cử có môi trường thoáng đãng, mát mẻ. Ông đã kỳ công san gạt, thiết kế 3 khu nhà để trồng nấm, được xây dựng kiên cố, kín đáo đảm bảo tránh tác động của môi trường bên ngoài. Bước vào một nhà trồng nấm, phóng viên rất “đã mắt” với hàng nghìn cây linh chi sắp đến kỳ thu hoạch, mọc san sát nhau và đều tăm tắp.

Phương pháp trồng nấm linh chi của ông Cử có điểm mới là sử dụng trực tiếp thân cây để làm giá thể, chứ không dùng mùn cưa như nhiều nơi đang áp dụng. “Qua tìm hiểu, cách trồng linh chi bằng mùn cưa có chi phí đầu tư lớn, khiến giá thành sản phẩm cao... Mặt khác, sản phẩm khó có thể đảm bảo “sạch” do phải dùng thêm phụ gia và một số chất khác...”, ông giải thích.

 

 

Những cây nấm linh chi trồng trên giá thể là nguyên liệu cây keo đều tăm tắp, trông rất thích mắt...

Điểm cốt lõi để giải giải quyết những nhược điểm đó là tạo ra giá thể trồng nấm từ cây keo tươi. Cây keo chủ yếu là phần ngọn cây, cành nhỏ thường bị bỏ đi hoặc để làm củi sau khi khai thác gỗ được ông mua về tận dụng. Cành keo được cắt thành từng đoạn dài 20cm và đem sấy khô. Sau đó, keo được xử lý nấm mốc, tránh mối mọt bằng cách hấp tiệt trùng và cho vào một bao nilong, trở thành giá thể nuôi trồng.

Phôi nấm linh chi được “nuôi” tại chỗ qua nhiều công đoạn, được cấy vào giá thể rồi đặt trong nhà kín. Yếu tố quan trọng trong quá trình trồng nấm linh chi là việc kiểm soát tốt 3 yếu tố: Ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Để cho ra những cây nấm linh chi đảm bảo chất lượng, kích thước, thẩm mỹ đòi hỏi người trồng phải điều chỉnh kịp thời các yếu tố trên theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của nấm.

Ngoài ra, theo ông Cử, việc thu hoạch nấm đúng thời điểm cũng rất quan trọng, tốt nhất là khoảng 2,5 đến 3 tháng sau khi trồng. Khi thấy trên vành tai nấm không còn viền màu vàng nhạt nữa mà đã chuyển sang màu nâu hết thì nghĩa là nấm đã “chín”, có thể thu hoạch được. Lúc này, nấm có nhiều hàm lượng dược liệu, chất dinh dưỡng tốt nhất.

Sau khi thu hoạch lứa nấm linh chi đầu tiên, mỗi giá bằng cây keo thể còn cho thu từ 4 đến 5 lứa nấm khác, cách nhau từ 10 đến 15 ngày. Phần giá thể nấm sau khi khai thác hết được phơi khô làm nguyên liệu đốt cho lò hấp, hoặc làm giá thể siêu khô cho sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả...

 

Ông Bùi Ngọc Cử vận hành hệ thống kiểm soát nhiệt độ hấp, sấy giá thể cây keo trong quá trình trồng nấm linh chi.

Điểm khác biệt của kỹ thuật này là nguồn dinh dưỡng cho nấm được cung cấp hoàn toàn trực tiếp từ cây keo, không bổ sung bất kỳ chất phụ gia nào. Do vậy, chất lượng nấm linh chi thu được gần như tương đương với nấm mọc trong tự nhiên, vốn được mọc và sống ký sinh trên các thân cây gỗ trong rừng.

“Đây là công nghệ mới, có nhiều điểm ưu việt. Dù là môi trường ở thành phố hay nông thôn, vùng cao hoặc đồng bằng đều có thể trồng nấm linh chi theo phương pháp này. Đặc biệt, quy trình này tương đối đơn giản, các công đoạn không đòi hỏi kỹ thuật cao nên người dân có thể dễ dàng tiếp cận... Trồng nấm linh chi bằng giá thể cây keo có thể là một trong những cách làm giàu ở nông thôn”, ông Cử cho biết.

 

Nấm "chín" có thể thu hoạch là khi toàn bộ cánh nấm chuyển màu nâu sậm.

Sau khi thu hoạch, ông Cử không bán nấm linh chi theo dạng thô mà đem sấy khô, 1 tấn nấm tươi chỉ cho 17 đến 20 kg nấm khô. Sau đó, ông chế biến ra nhiều sản phẩm như: Nấm khô thái lát, bột nấm linh chi và rượu bao tử nấm, đồng thời ông đang nghiêm cứu sản phẩm trà thảo dược linh chi.

Năm 2018, ông Cử thu hoạch và chế biến được trên 3 tấn nấm linh chi khô. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, riêng nấm linh chi khô thái lát có giá từ 800 đến 1 triệu đồng/kg.

 

Để tăng giá trị, ông Cử đã chế biến nhiều sản phẩm từ nấm linh chi.

Tuy cho lợi nhuận cao nhưng theo ông, sản phẩm của ông vẫn có giá thấp so sản phẩm nấm linh chi trên thị trường hiện nay đến vài trăm nghìn đồng/kg. Có được điều này là bởi quy trình, công nghệ trồng nấm linh chi mà ông Cử đang áp dụng có giá thành sản xuất thấp hơn. Nhờ đó, người tiêu dùng được sử dụng loại nấm chất lượng, giá rẻ và an toàn. Đây là một trong những mô hình có thể làm giàu ở nông thôn.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Làm giàu, nông thôn, cành củi khô