Thị trường thời trang nữ: Zara và H&M thống lĩnh, hàng Việt gặp khó khăn muôn trùng

(NTD) - Thị trường thời trang nữ Việt Nam ngày càng rộng lớn. Trước đây, thị phần của thương hiệu Việt tương đối ổn định, nhưng trong khoảng 3 năm nay, Zara và H&M đã dần khẳng định vị thế vượt trội. Hàng Việt hiện phải co cụm để tồn tại.

Zara đang "xưng vương" trong mảng thời trang nữ.
Zara xưng “vương”
Phụ nữ là người tiêu dùng chịu chi tiêu nhất. Vì vậy, mảng thời trang dành cho phụ nữ luôn là “miếng bánh béo bở” với những người kinh doanh. Không có gì ngạc nhiên khi trong cả thập kỷ qua, các thành phố lớn chứng kiến “nhà nhà làm thời trang nữ, người người làm thời trang nữ”.
Khoảng 10 năm gần đây, các thương hiệu thời trang nữ như NEM, Elise, Ivy Moda, Seven AM, D.Chic, Format... tràn ngập các con phố lớn của Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố khác. Các thương hiệu này tương đối “được lòng” phái đẹp vì mang đến cho họ phong cách thời trang lịch lãm, phù hợp với công sở.
Nhưng tầm ảnh hưởng của những thương hiệu này đang giảm sút mạnh từ khi H&M và Zara xuất hiện. Cách đây 3 năm, cả 2 ông lớn ngành thời trang thế giới cùng “đổ bộ” vào Việt Nam. TP.HCM, trung tâm kinh tế của đất nước là nơi Zara và H&M lựa chọn.
H&M nhanh chóng mở rộng chuỗi, nâng số lượng cửa hàng lên 7. Trong năm 2018, doanh thu của H&M tăng rất mạnh lên 760 tỷ đồng và trở thành một “thế lực” lớn trong làng thời trang. Tuy nhiên, do đầu tiên nhiều vào hệ thống cửa hàng nên lợi nhuận của thương hiệu này khá khiêm tốn, chỉ 15 tỷ đồng.
Còn Zara không tham vọng mở rộng địa điểm nhưng cách ông lớn này lựa chọn chính là mở ít cửa hàng nhưng toàn cửa hàng “khủng”. Zara tại Hà Nội đã trở thành “biểu tượng mua sắm” của Thủ đô khi chiếm 1 góc 2 mặt tiền của Vincom Bà Triệu, một trong những trung tâm mua sắm sầm uất và đắt đỏ bậc nhất Hà Nội.
Kể từ khi Bắc tiến, Zara tăng trưởng thần tốc. Phát triển thêm các nhãn hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti, Tập đoàn Inditex - ông chủ của Zara đã khiến người tiêu dùng Việt phải móc hầu bao chi 2.000 tỷ đồng mua sản phẩm. Trong đó, doanh thu từ Zara chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 1.700 tỷ đồng. Dẫu vậy, do chi phí cửa hàng quá cao, lợi nhuận của Zara chỉ đạt 98 tỷ đồng.
Không khó để lý giải thành công của Zara và H&M. Ở thị trường thế giới, Zara và H&M được xếp vào hàng thời trang “tiêu dùng nhanh”. Nói cách khác, đây là thời trang bình dân. Thế nhưng tại Việt Nam, với mức giá trên dưới 1 triệu đồng cho một sản phẩm, xét về giá, Zara và H&M ở cùng phân khúc trung cấp với NEM, Elise, Ivy Moda, Seven AM, D.Chic, Format.
Thế nhưng, trên thực tế, trong con mắt người tiêu dùng Việt. Zara và H&M lại nằm ở vị trí cao hơn một chút. Đó là do tâm lý sính ngoại của người Việt. Bên cạnh đó, bản thân sản phẩm của Zara và H&M có sức hút riêng khi đa dạng về mẫu mã, phong cách. Ngoài ra, 2 thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha và Thụy Điển liên tục cập nhật mẫu mới nên luôn mới lạ trong mắt khách hàng.

Elise và nhiều thương hiệu Việt giảm giá quanh năm.
Hàng Việt giảm giá quanh năm
Trước khi Zara và H&M, trong đó đáng kể nhất là Zara “xưng vương, xưng bá”, nhiều thương hiệu thời trang nữ Việt đã có thời làm mưa làm gió. Xuất hiện trước NEM, Elise, Ivy Moda, Seven AM, D.Chic, Format... là Nino Max, PT 2000. Thế hệ 8X rất quen thuộc với phong cách thời trang trẻ trung, khỏe khoắn của 2 thương hiệu này.
Tuy nhiên, cho tới nay, rất khó để tìm kiếm Nino Max, PT 2000. Còn với “đàn em” NEM, Elise, Ivy Moda, Seven AM, D.Chic, Format, dù vẫn duy trì được chuỗi cửa hàng không hề nhỏ nhưng đa phần đều không “được lòng” khách hàng như Zara và H&M.
Rất nhiều thương hiệu kể trên quanh năm rơi vào tình trạng... giảm giá sốc. Nhiều lần trong năm khách hàng chứng kiến NEM, Elise, Ivy Moda... giảm giá tới 50%, có lúc 70% và kèm theo chính sách mua 3 tặng... Đặc biệt nhất là Elise, cứ mỗi cuối năm, hãng thời trang này tung ra chương trình khuyến mại sốc. Có những sản phẩm giá 2 triệu đồng nhưng khách hàng chỉ cần chi từ 300.000 đồng trở lên là mua được.

Seven AM cũng tham gia cuộc đua giảm giá.

Không chỉ vậy, đã có thương hiệu chấp nhận “bán mình” cho đối tác ngoại. Đầu năm nay, dư luận xôn xao khi tin đồn đã trở thành sự thật. Elise chính thức công bố công ty đầu tư Advantage Partners, thông qua Asia Fund, đã mua lại cổ phần trong Elise Fashion. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng trước đó có nguồn tin cho rằng Uniqlo đã chi hàng triệu USD để sở hữu 35% cổ phần Elise. Tuy nhiên, phía Uniqlo đã phủ nhận tin đồn này.
Trước đây, NEM là thương hiệu thời trang nữ mạnh nhất. Nhưng kể từ khi ông chủ ôm mộng trong mảng bất động sản, NEM đi xuống trông thấy. Câu chuyện NEM gặp khó vì bất động sản được bàn tán xôn xao trong nhiều năm nhưng tới năm 2018, bức tranh khó khăn của NEM mới được lộ rõ.
Hồi tháng 9/2018, dư luận bất ngờ khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) rao bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Thương mại NEM, đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang NEM. Theo VietinBank, tính tới 22/8, NEM nợ ngân hàng này gần 111 tỷ đồng. Khoản nợ được bảo đảm bằng toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang).
Có thể thấy, 2 ông lớn của thời trang nữ Việt là NEM và Elise đều đã có những câu chuyện cần bàn luận. Và khó khăn của họ sẽ lớn hơn rất nhiều khi sắp tới đây, một “người khổng lồ” làng thời trang thế giới sẽ đặt chân vào Việt Nam. Đó là Uniqlo. Trong nhiều năm gần đây, Uniqlo đã chinh phục được người tiêu dùng Việt cả về chất lượng lẫn giá cả. Vì vậy, các thương hiệu Việt còn rất nhiều việc phải làm để giữ thị phần.
Bảo Linh
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : thời trang nữ, Zara, H&M, hàng Việt gặp khó khăn