Tổ chức tài chính thuộc World Bank rót 8 triệu USD vào tập đoàn nông nghiệp Nafoods của “vua chanh dây” Việt Nam
Sự hợp tác không chỉ nằm ở con số tài chính mà còn là các kiến thức hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp Nafoods khai mở các thị trường xuất khẩu mới.
Ngày 28/6, IFC, một hành viên của World Bank, công bố hợp tác cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Nafoods (Nafoods Group) của ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo biên bản hợp tác, IFC sẽ đầu tư 8 triệu USD vào Nafoods dưới hình thức cổ phiếu ưu đãi, có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Khoản đầu tư này sẽ giúp Nafoods mở rộng nhà máy chế biến tại Long An, xây dựng cơ sở đóng gói hoa quả tươi đặt tại Tây Nguyên, đồng thời phát triển mảng kinh doanh mới liên quan đến các giống cây ăn quả.
Cùng với khoản tài trợ vốn, IFC sẽ tư vấn cho Nafoods triển khai hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, hỗ trợ công ty đạt các chứng chỉ quốc tế và tiếp cận, khơi mở các thị trường xuất khẩu mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods cho biết: "Khoản đầu tư và tư vấn kỹ thuật của IFC đến rất đúng lúc, khi mà chúng tôi đang nỗ lực nâng cao giá trị cho các sản phẩm của mình bằng cách áp dụng các nguyên tắc thực hành nông nghiệp an toàn và bền vững. Chúng tôi tin rằng nâng cao năng lực sản xuất sẽ cho phép chúng tôi tạo ra nhiều cơ hội gia tăng thu nhập cho nông dân địa phương, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu có giá trị cao".
Trong 5 năm qua, xuất khẩu các loại nông sản chính của Việt Nam như trái cây và rau quả đã liên tục tăng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm tại Việt Nam vẫn được xuất khẩu ở dạng tươi và giá thấp hơn các quốc gia khác do chất lượng không bằng.
Dây chuyền chế biến chanh leo của Nafoods. Ảnh: Vnexpress.
Được thành lập năm 1995 và đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, đến nay, Nafoods là một trong số ít những nhà chế biến, xuất khẩu trái cây hàng đầu Việt Nam. Từ dòng sản phẩm ban đầu là chanh dây và nước ép cô đặc chanh dây, Nafoods đã mở rộng sang nhiều loại trái cây khác như dứa, xoài, thanh long,… với quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu và phân phối.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết: "Việc phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam theo hướng xuất khẩu với hàm lượng giá trị gia tăng cao sẽ giúp khai mở toàn diện tiềm năng của cả ngành. Nỗ lực của các doanh nghiệp nông nghiệp như Nafoods sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam, tạo ra việc làm tốt hơn và cải thiện thu nhập cho người nông dân".
Trước đó, tại diễn đàn Vietnam Ventures Summit 2019, ông Kyle Kelhofer cũng tiết lộ IFC quan tâm đầu tư đến các lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, xóa đói giảm nghèo, trong đó có 3 nhóm chủ đề cụ thể là startup tài chính fintech, logistics trong toàn thể chuỗi giá trị từ nhà nhập khẩu đến nhà tiêu dùng, và nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, vì là một công ty tài chính quốc tế thuộc World Bank, IFC đặt ưu tiên sinh lời với các công ty lên hàng đầu, và sẽ không rót vốn vào các dự án đang thua lỗ.
Hồng Lam
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Tổ chức tài chính, World Bank, tập đoàn nông nghiệp, Nafoods, vua chanh dây