Ngành thép Việt Nam: Thuế suất khủng trên 456% hay giá quặng mới đáng lo ngại?!
(NTD) - Thuế suất mới được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vì nghi ngờ thép Hàn Quốc và Đài Loan đội lốt hàng Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm trốn thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp. Thuế suất khủng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường thép xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 770 triệu USD trong năm ngoái? Trong khi đó, một số chuyên gia nói giá quặng thế giới không ngừng tăng mới là mối nguy!
Thuế tăng đến 45 lần!
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra phán quyết sơ bộ hôm 3/7/2019 theo giờ Hà Nội: “Sẽ áp mức thuế lên đến... 456,23% đối với một số sản phẩm thép được sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan rồi đưa sang Việt Nam gia công và xuất sang thị trường Hoa Kỳ”. Năm ngoái, chỉ với thuế suất 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà sản phẩm nhôm thép của Việt Nam đã lao đao.
Đây được xem là mức thuế cao nhất từ trước đến nay mà Hoa Kỳ áp lên sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam trong 4 năm gần đây. DOC cho biết mức thuế nói trên sẽ được áp dụng với các sản phẩm nhập khẩu tương tự trong tương lai, thậm chí với cả các đơn hàng nhập khẩu chưa giao hết được ký từ ngày 2/8/2018.
DOC nói các sản phẩm thép không gỉ và thép cuộn nguội của Việt Nam có sử dụng chất nền (nguyên liệu gốc) xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhưng né được thuế chống phá giá và chống trợ cấp. Robert Carnell, nhà phân tích khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ING Bank, nhận định rằng “đây là điều không bất ngờ bởi các doanh nghiệp luôn tìm cách đưa hàng qua các nước đang phát triển như Việt Nam rồi xuất sang Hoa Kỳ để tránh mức thuế quá cao mà họ đang gánh chịu”.
Các mức thuế khủng mà Hoa Kỳ dự định áp lên thép Việt Nam từng được nước này áp lên thép của Hàn Quốc vào tháng 12/2015 và thép của Đài Loan tháng 2/2016. DOC nói tính đến cuối tháng 4/2019, trong vòng ba năm, lượng thép chống gỉ của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ tăng 332% và thép cuộn nguội tăng 916% so với thời điểm cuối năm 2015.
DOC cho biết cuộc điều tra trốn thuế của thép mang danh “made in Vietnam” được thực hiện từ ngày 2/8/2018 sau khiếu nại vào tháng 7/2018 của các công ty thép ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, California Steel Industries và AK Steel. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ cũng đang điều tra 6 công ty Hoa Kỳ vì lách thuế chống bán phá giá. Các công ty này nhập khẩu thép qua ngõ Campuchia và sau đó phân loại sai thép ống có nguồn gốc tại Trung Quốc.
Thu tiền ký quỹ đối với thép Việt Nam
Theo Bộ Công thương Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, ngành sản xuất thép của Việt Nam đối mặt với 30 vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 25% tổng số vụ kiện loại này. Tỷ lệ này đưa ngành thép trở thành ngành bị kiện tụng nhiều nhất hiện nay, nhiều nhất là các vụ kiện chống bán phá giá, tiếp theo là kiện chống trợ cấp và hình thức tự vệ từ nhiều quốc gia khác nhau trong và ngoài khu vực.
Việt Nam xuất khoảng 6,27 triệu tấn sản phẩm thép trong năm 2018, đạt 4,55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thị trường ASEAN đứng đầu với 2,3 tỷ USD (tỷ lệ 51,1%), kế đến là thị trường Hoa Kỳ với 771,6 triệu USD (tỷ lệ 17,1%), tiếp đến là EU với 360,9 triệu USD (tỷ lệ 8%) và còn lại là các thị trường khác.
Dự kiến, thuế suất khủng 456% sẽ được áp dụng với thép Việt Nam kể từ tháng 9/2019 sắp tới sau khi có phán quyết cuối cùng. Để chống việc lảng tránh thuế tạm thời đối với thép Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu. Mức ký quỹ này sẽ tùy thuộc vào mức thuế tương tự thép Hàn Quốc hay thép Đài Loan phải chịu khi xuất sang Hoa Kỳ.
Sắt thép và 7 mặt hàng khác vào diện kiểm soát chặt chẽ
Trong cuộc họp báo cuối tháng 6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm đã nói rằng Bộ Công thương đang đưa 8 mặt hàng vào diện kiểm soát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tám mặt hàng này gồm: Gỗ, dệt may, da giày, nhôm, máy tính, nhựa, xe đạp và sắt thép.
Trong một tuyên bố ngày 3/7, Bộ Công thương Việt Nam nêu rõ “sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ liên quan, các hiệp hội, các doanh nghiệp và phía Hoa Kỳ trong các giai đoạn tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam theo các quy định pháp luật và khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”. Bộ cũng cam kết “sẽ ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế bất hợp pháp, gian lận xuất xứ...”
Đặt quyết định đánh thuế các sản phẩm thép Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, ông Nguyễn Văn Sưa, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, đây chưa phải là động thái mở màn cho việc Hoa Kỳ đánh thuế các sản phẩm Việt Nam.
“Tôi nghĩ ông Trump có nghi ngờ thép Trung Quốc mượn đường Việt Nam để vào thị trường Hoa Kỳ nên ông ấy muốn đánh triệt để các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, kể cả việc mở rộng sang các quốc gia và lãnh thổ như Hàn Quốc và Đài Loan. Còn với sản phẩm 100% Việt Nam thì Hoa Kỳ sẽ chưa áp thuế” - ông Sưa trao đổi với tạp chí Vietnam Finance.
Thuế cao chưa hẳn đáng lo ngại
Ông Nguyễn Văn Sưa nhận định điều này chưa hẳn đáng lo ngại. Việc Hoa Kỳ áp thuế tới 456% có thể gây chú ý lớn nhưng thực tế lại không ảnh hưởng quá nhiều đến ngành thép trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát được coi là một trong những “anh cả” của ngành thép. Tuy nhiên, sản phẩm của Hòa Phát đa số đều là thép xây dựng (thép dài) chứ không phải thép cán nguội - đối tượng bị Hoa Kỳ áp thuế tới 456%.
Ngoài ra, thị trường chính của Hòa Phát là trong nước chứ không phải xuất khẩu. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát khẳng định xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất thấp trong doanh số của tập đoàn. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 11.500 tấn, chưa bằng 1% tổng sản lượng bán ra.
Tỷ trọng xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng của Hòa Phát quá thấp nên trong phần “Trình bày tài sản, doanh thu, kết quả kinh doanh theo bộ phận”, Hòa Phát chỉ chia theo lĩnh vực kinh doanh chứ không phân chia theo địa lý.
Trong khi đó, sản phẩm của CTCP Tập đoàn Hoa Sen nằm trong danh mục áp dụng thuế 456%. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc áp thuế này lên Hoa Sen cũng không quá lớn vì tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của tập đoàn cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%.
Hiện tại, chưa có đánh giá cụ thể về hai đại gia thép Hàn Quốc và Đài Loan ở Việt Nam. Đó là Posco và Formosa. Hai doanh nghiệp này sản xuất và cung cấp khối lượng thép khổng lồ ra thị trường.
Dù vậy, các chuyên gia và cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo doanh nghiệp phải sử dụng nguyên, vật liệu đầu vào phù hợp. Ông Sưa cho biết doanh nghiệp chỉ cần tránh sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp xem lại chiến lược kinh doanh, quay sang sử dụng nguyên liệu trong nước.
... vì giá quặng tăng quá mạnh.
Giá quặng mới là mối nguy
Hoa Kỳ áp thuế 456% với một số sản phẩm thép đang là thông tin đang được chú ý. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, đại diện một doanh nghiệp lớn bình luận điều ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới ngành thép lại không phải thuế quan mà là diễn biến ngày một “nóng” lên của giá quặng.
Trong cả năm qua, giá quặng không ngừng biến động mạnh theo xu hướng đi lên là chủ yếu. Trong những ngày đầu tháng 7, giá quặng lập đỉnh mới dù trước đó vừa đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Giá quặng sắt giao tháng 9 tăng 4,6% lên 130,37 USD/tấn.
Nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá quặng sắt không ngừng “nóng”. Sự cố vỡ đập ở Brazil xảy ra nhiều tháng trước vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều mỏ khai khoáng vẫn phải đóng cửa. Bên cạnh đó, nguồn cung từ Trung Quốc được dự báo sẽ hạn chế trong nửa sau năm 2019.
Đầu vào tăng cao gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp thép. Giá quặng đã đẩy nhanh đà lao dốc của Tập đoàn Hoa Sen. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2019 của Hoa Sen chỉ đạt 61 tỷ đồng, giảm 272 tỷ đồng, tương ứng 82% so với quý 1/2018.
Tập đoàn đã lý giải cho sự “lao dốc” này. Bên cạnh nhiều chi phí tăng cao, giá vốn hàng bán là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Hoa Sen hao hụt mạnh. Giá vốn hàng bán tăng tới 233 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 574 tỷ đồng.
Hoa Sen từng gây chú ý khi đóng cửa tới 371 chi nhánh. Mới đây, tập đoàn tiếp tục giải thế công ty con. Kết quả là cổ phiếu HSG của Hoa Sen “chìm” dưới mệnh giá trong suốt thời gian dài. Hiện tại, HSG chỉ giao dịch quanh mức 7.500 đồng/CP.
Bê bết hơn, CTCP Thép Pomina (POM) còn gánh chịu thua lỗ. Trong quý 1/2019, POM lỗ 83,7 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ đầu tiên của POM kể từ quý 1/2015. Giống như Hoa Sen, giá vốn hàng bán đang là mối nguy lớn nhất của POM.
Trong quý 1/2019, bất chấp doanh thu tăng nhẹ từ 3.040 tỷ đồng lên 3.122 tỷ đồng. Thế nhưng, giá vốn hàng bán lại tăng 364 tỷ đồng, tương đương 3.103 tỷ đồng khiến lãi gộp lao dốc từ 301 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 18 tỷ đồng. Vì vậy, POM thua lỗ là điều tất yếu phải xảy ra.
Vì vậy, POM cũng ghi tên mình vào danh sách các cổ phiếu ngành thép giao dịch dưới mệnh giá (hơn 6.000 đồng/CP). Cùng với HSG và POM, nhiều mã khác cùng chung “số phận” như DNY của CTCP Thép Dana - Ý (3.500 đồng/CP), NKG của Công ty cổ phần thép Nam Kim (6.200 đồng/CP), TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (5.100 đồng/CP)...
Có thể thấy, mối nguy chính của ngành thép là giá quặng. Mà giá quặng là đầu vào vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Vì vậy, những khó khăn này không biết bao giờ mới vượt qua được.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng khẳng định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giảm thặng dư thương mại giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; cũng như có nhiều biện pháp kiểm soát chống gian lận thương mại đối với hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.
Theo cơ quan thống kê Hoa Kỳ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Ký đạt mức 39,5 tỷ USD và đây là mức kỷ lục từ năm 1990.
Bảo Kiệt
Ricky Hồ - Tiến Dũng
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Ngành thép Việt Nam, Thuế suất khủng, giá quặng