Hài hòa lợi ích các bên
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị Sơ kết thí điểm đối thoại và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp (DN) may trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Kết quả bước đầu của dự án đạt được rất tích cực, là tiền đề quan trọng để lan tỏa sang công đoàn các ngành khác như da giày, điện tử…
Dự án "Thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hiệu quả trong ngành may", với sự hỗ trợ của Công đoàn Hà Lan, được thực hiện trong 30 tháng, bắt đầu từ năm 2018. Mục tiêu của dự án nhằm hợp tác hiệu quả với đối tác; nâng cao năng lực đối thoại cho các bên; đối thoại, thỏa ước tập thể cấp DN và hướng dẫn ký ít nhất 1 bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm; tổng kết, triển khai mở rộng TƯLĐTT nhóm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và nhân rộng tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2019, Đồng Nai năm 2020. 4 địa phương được chọn thí điểm thực hiện dự án này là: Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội.
Ông Nguyễn Minh Quang - Trưởng phòng Quan hệ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - cho biết, sau một năm thực hiện thí điểm tại Văn Lâm, đã có 5 DN ngành may tham gia, với khoảng 4.000 lao động. Mục tiêu cao nhất của dự án đạt được là xây dựng, thương lượng và hoàn thành xong dự thảo TƯLĐTT nhóm DN may. Đặc biệt, mối quan hệ lao động tại các DN đã trở nên hài hòa, tiến bộ hơn.
Đại diện LĐLĐ tỉnh Hưng Yên cho biết, đa số lãnh đạo các DN trên địa bàn rất ủng hộ và phối hợp hoạt động công đoàn, luôn có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đối thoại tại nơi làm việc cũng như TƯLĐTT nhóm. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc, có nhiều bản thỏa ước chất lượng, điển hình như: Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng xe máy Việt Nam có bản thỏa ước được xếp hạng loại A và là một trong những bản thỏa ước có chất lượng nhất toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao dự án cũng như những kết quả bước đầu nhóm DN may trên địa bàn huyện Văn Lâm đạt được. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn, thời gian tới, tiếp tục mở rộng được nhiều mô hình tương tự để hướng tới các hoạt động công đoàn có nhiều nội dung đối thoại và thực chất; hướng tới quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) cũng như hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
Được biết, TƯLĐTT nhóm DN ngành may huyện Văn Lâm đã đạt được 8 thỏa ước có lợi hơn cho NLĐ, đó là: Hàng năm, DN thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ có thời gian làm việc đủ từ 12 tháng trở lên. Mức thưởng ít nhất là 1 tháng tiền lương theo hợp đồng; DN thưởng sáng kiến, thi đua, năng suất cho NLĐ có sáng kiến, năng suất cao, đạt thành tích trong các phong trào thi đua; DN cung cấp bữa ăn ca cho NLĐ với giá trị ít nhất từ 16.000 đồng/ người/bữa; thời gian nghỉ giữa ca; hỗ trợ tiền phụ nữ hàng tháng; nâng cao kiến thức pháp luật cho NLĐ; tổ chức tham quan, du lịch, ngoại khóa; các hoạt động nhân ngày lễ, kỷ niệm.
Ký kết TƯLĐTT nhóm DN may cũng đặt ra cam kết đối với NLĐ: Chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, văn bản quy định nội bộ của DN và thỏa ước nhóm; tích cực học tập nâng cao tay nghề; không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật để chuyển sang làm việc tại các DN ký kết thỏa ước nhóm.. |
Theo Thanh Tâm (congthuong.vn)
Từ khóa : Tổng Liên đoàn Lao động, LĐLĐ Việt Nam, Hội nghị Sơ kết, đối thoại và thương lượng, doanh nghiệp may, huyện Văn Lâm, Hưng Yên