Ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa dịp cuối năm

Công tác điều hành thị trường, bình ổn giá cả đã được thực hiện tương đối tốt trong những tháng đầu năm, giúp Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế ổn định ở mức thấp so với các năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường những tháng cuối năm để đảm bảo ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa.

Sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường

Năm nay, do Tết Nguyên đán đến khá sớm và gần với Tết Dương lịch nên công tác chuẩn bị hàng hóa Tết đã được nhiều địa phương tính đến. Đơn cử, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020, gồm: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn rau củ, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019).

on dinh cung cau gia ca hang hoa dip cuoi nam
Chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho dịp cuối năm

Sở Công Thương Hà Nội còn chuẩn bị kế hoạch tổ chức Tháng Khuyến mại, các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn… nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa Tết đến người dân.

Cùng với Hà Nội, các địa phương, các kênh bán lẻ thời điểm này cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Để đảm bảo công tác này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá.

Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn hiện nay; phối hợp với các Bộ, ngành có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát tình hình nhập khẩu...; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan tăng cường các giải pháp giảm các chi phí trong dịch vụ logistic để tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9% - 2%.

Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Chú ý các mặt hàng thiết yếu

Dịp cuối năm, nhu cầu đối với nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Tuy nhiên năm nay, nhiều mặt hàng như thịt lợn, xăng dầu đang gặp khó về nguồn cung. Do đó, đối với mặt hàng thịt lợn, Ban chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán có thể bị sụt giảm, bên cạnh đó, nhu cầu thịt lợn xuất sang các nước láng giềng gia tăng. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung – cầu và phối hợp với Bộ Công Thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này.

UBND các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng cần nắm rõ thông tin nguồn cung – cầu, sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Với mặt hàng xăng dầu, do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng hoạt động để bảo dưỡng nên Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nắm bắt các diễn biến của giá thế giới để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chú trọng bảo đảm an ninh năng lượng và nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu…

Nhờ làm tốt công tác ổn định thị trường, điều hành giá, kiểm soát lạm phát, thị trường hàng hóa được đánh giá là dồi dào, giá cả ổn định, sức mua tốt trong suốt 3 quý đầu năm. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo Bảo Ngọc (congthuong.vn)

Từ khóa : Ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa, dịp cuối năm