Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 2: Cơ hội hiện thực hóa giấc mơ trung tâm tài chính
(NTD) - Đây là dịp để TP.HCM ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm đánh giá thực trạng và triển vọng, cơ hội và thách thức, cũng như tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM trong việc phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 1 vào năm 2018, ngày 18/10, UBND TP.HCM phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 2 với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới, như: New York (Mỹ) dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, London (Anh) chiếm 42%, Singapore 29%.
Từ năm 2002, TP.HCM đã có khát vọng biến mình trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Mặc dù việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có xuất phát điểm thấp và quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực… làm giảm sức hấp dẫn về một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, những hạn chế đó không làm TP.HCM chùn bước mà càng khát vọng phát triển nhanh và bền vững hơn. Khi TP.HCM tiến lên, các đô thị khác khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các ý kiến chuyên gia lần 1 và lần 2 giúp TP.HCM hoàn chỉnh nhận thức về điều kiện chức năng quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc gia. Nếu TP.HCM là trung tâm tài chính quốc gia thì khách hàng là ai? Khách hàng trước hết là TP.HCM, vùng động lực phía Nam và cả nước, vì đây cần nhu cầu vốn rất lớn.
TP.HCM chiếm 0,6% diện tích, 25% GDP, đóng góp 27-28% tổng thu ngân sách cả nước, năng suất lao động gấp 3 cả nước, do đó nếu bỏ ra đầu tư sẽ thu được giá trị gia tăng cao hơn cả nước. Rộng hơn khu vực gồm TP.HCM và 7 tỉnh xung quanh TP.HCM đóng góp 45% tổng GDP cả nước, 42% tổng thu ngân sách và 40% xuất khẩu, nhưng đầu tư cho khu vực này mới chiếm 27% tổng đầu tư cả nước. Như vậy nếu tăng đầu tư cao hơn sẽ đem lại thu lớn hơn, phục vụ tốt cho vùng và cả nước.
Trí Nguyễn
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Diễn đàn Kinh tế, trung tâm tài chính