Hành trình 6 tháng ngồi ghế nóng TTC Land của tân CEO Nguyễn Đăng Thanh: Mơ ước của tôi là có thể học hỏi cách thức mà Apple đã thành công
Mục tiêu của tân CEO Nguyễn Đăng Thanh sau khi tiến hành cuộc "cách mạng" chuyển đổi toàn diện TTC Land - xây dựng hệ thống và quy trình mới cho tất cả bộ phận từ nhân sự - tài chính - quản lý là học hỏi và áp dụng mô hình thành công của Apple trong hoạt động kinh doanh của TTC Land.
Cách đây 6 tháng, giới bất động sản TP.HCM xôn xao khi nghe tin Nguyễn Đăng Thanh – sếp của nhiều ngân hàng, người nổi danh trong mảng tài chính – tiền tệ, được ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công mời về làm Chủ tịch kiêm CEO của TTC Land.
Xôn xao là bởi thứ nhất, Thành Thành Công không phải là doanh nghiệp có thói quen cất nhắc người ngoài lên các vị trí cấp cao trong tập đoàn; và thứ hai, dù như thế nào thì Nguyễn Đăng Thanh cũng không phải là người có thâm niên trong ngành bất động sản; cuối cùng, ở tuổi 43, anh Thanh vẫn được xem là khá "non" kinh nghiệm để ngồi lên chiếc ghế quan trọng nhất ở một doanh nghiệp lớn và giàu truyền thống như TTC Land.
Tuy nhiên, với những gì mà tân CEO này thể hiện trong 6 tháng qua tại TTC Land, cũng như những mục tiêu to lớn mà ông chia sẻ với chúng tôi, thì không phải tự dưng anh lại lọt vào "mắt xanh" của doanh nhân lão luyện Đặng Văn Thành. Cùng sự tận tụy trong công việc, kiến thức và mối quan hệ sâu rộng trong giới tài chính, tân CEO đang chứng tỏ mình là thuyền trưởng phù hợp với "chiến hạm" TTC Land.
Tôi lường trước được áp lực khi ngồi ghế nóng ở TTC Land nhưng thực tế cho thấy: Tôi vẫn quá lạc quan!
"Thật ra, trước khi anh Đặng Văn Thành tìm đến với tôi, tôi đã có ý định nghỉ ở Hoa Lâm để ra khởi nghiệp về công nghệ. Lúc đó, tôi có rất nhiều ý tưởng về những giải pháp công nghệ tiềm năng và tôi cũng muốn xây dựng một sự nghiệp riêng cho bản thân.
Tuy nhiên, khi anh Thành – đàn anh trong nghề và cũng là người thầy của tôi đưa ra lời mời về TTC Land, tôi đã bị lung lay: một phần là lòng biết ơn và TTC Land cũng là một thách thức thú vị. Ngoài ra, tôi có một khát khao cháy bỏng là muốn góp một phần năng lực của mình cùng với người thầy đưa TTC Land trở thành biểu tượng trong ngành bất động sản, như trước đây chúng tôi đã từng làm cho Sacombank ở ngành ngân hàng", anh Nguyễn Đăng Thanh hồi tưởng.
Một buổi truyền cảm hứng của tân CEO Nguyễn Đăng Thanh với các nhân viên trong công ty.
Thế là, Nguyễn Đăng Thanh "khăn gói" theo thầy Đặng Văn Thành về TTC Land. Nhiệm vụ đầu tiên mà Nguyễn Đăng Thanh phải hoàn thành, là anh phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp, nhất là mảng tài chính để TTC Land có một nền tài chính vững mạnh, có thể cạnh tranh cùng các đối thủ khác và vươn lên dẫn đầu thị trường.
"Tôi không thích dùng từ tái cấu trúc hay tái cơ cấu, mà tôi thích dùng từ chuyển đổi (transformation) hơn. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi khi về TTC Land chính là chuyển đổi hệ thống, quy trình của TTC Land để chúng trở nên hiện đại – tối ưu hơn, giúp doanh nghiệp có một diện mạo/phong cách mới (new fashions).
Trước khi về TTC Land, tôi đã hình dung ra trong đầu là mình sẽ gặp những khó khăn gì với công việc mới, nhưng thực tế diễn ra cho thấy: tôi vẫn quá lạc quan", anh Nguyễn Đăng Thanh kể.
Cái khó khăn nhất, chính là những chiến lược kinh doanh anh đưa ra đều không thể kiểm soát theo đúng lộ trình, đây là điều mà anh chưa vấp phải khi tham gia ở những lĩnh vực khác. Theo anh, lý do lớn nhất là vấn đề pháp lý trong mảng bất động sản hiện nay trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Thế nên, với một CEO chuyên nghiệp như anh, việc không thể kiểm soát được một kế hoạch kinh doanh đi theo đúng mục tiêu – chiến lược và lộ trình cụ thể đã vạch ra là cực kỳ khó chịu. Chưa nói, cách giải quyết vấn đề khách quan đó còn nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng của anh lẫn TTC Land.
Do đó, những vất vả của anh trong những ngày đầu tại TTC Land đã tăng lên gấp đôi. "Nếu hỏi có mệt mỏi hay không, câu trả lời của tôi chắc chắn là có. Trong vài tháng đầu, không ít lần tôi phải bật dậy giữa 2h đêm để làm việc khi nghĩ ra ý tưởng nào đó hoặc có công việc chưa giải quyết xong. Trước đây tôi còn có thời gian đến phòng gym, nhưng hiện tại tôi chủ yếu dậy thật sớm rồi chạy vài vòng quanh nhà là xong.
Nhưng nếu hỏi có hối hận hay không, thì câu trả lời của tôi là không. Dù rất áp lực, rất khó khăn và rất mệt, nhưng tôi đã nhận được sự ủy thác của anh Thành, cũng như tôi không phải là người dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng. Thêm nữa, cứ nghĩ về những gì tôi cùng TTC Land sẽ vươn tới sau này, tôi lại có thêm động lực", tân CEO này cho biết.
Với nguyên tắc "phải làm đúng ngay từ đầu", tôi buộc phải tham gia quá trình chuyển đổi ở tất cả phòng ban cũng như các mảng đòi hỏi chuyên môn sâu trong doanh nghiệp.
Như Shark Nguyễn Thanh Việt từng nói, một CEO giỏi là người biết "tìm đúng người và giao đúng việc", nhưng trong giai đoạn đầu về TTC Land, anh Nguyễn Đăng Thanh không thể làm thế.
Trong một doanh nghiệp, có rất nhiều ban bệ và nhiều mảng chuyên môn khác nhau, chúng không độc lập mà liên thông và ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Thế nên, không có chuyện chúng ta có thể chuyển đổi lần lượt từng bộ phận hoặc chỉ chuyển đổi một bộ phận, còn những bộ phận khác đứng im. Tức ngoài mảng tài chính, anh Nguyễn Đăng Thanh buộc phải can thiệp vào tất cả những mảng còn lại.
"Với nguyên tắc ‘phải làm đúng ngay từ đầu’ để sau này không phải mất công sửa chữa, tôi buộc phải tham gia quá trình chuyển đổi ngay từ thời gian đầu trong tất cả các mảng tại TTC Land; từ công nghệ, tài chính, phát triển dự án, pháp lý dự án cho đến nhân sự….
Trong tất cả, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nhân sự, nếu anh không có những con người tốt và phù hợp thì không thể triển khai được các ý tưởng của mình. Đầu tiên là phải sàng lọc nhân sự, giữ lại những người phù hợp và đành chia tay những người không phù hợp với chiến lược mới của chúng tôi.
Bên cạnh đó, với những nhân sự cao cấp, việc thuyết phục họ đồng ý về đầu quân cho mình không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai", anh Thanh cho biết thêm.
Thế nên mới có chuyện, trong thời gian đầu, chuyện gì ở bộ phận nào anh Thanh cũng phải tham gia sâu. Có những ngày, anh gần như ngồi tại phòng họp từ sáng đến tối, ăn uống và nghỉ ngơi đều ở đó. Anh Thanh tự nhận mình là một người không thích ôm việc, nhưng khi chưa có những cộng sự đắc lực thì không còn cách nào khác.
Tất nhiên, đó chỉ là thời gian đầu, bây giờ mọi chuyện đã đỡ căng thẳng, sau khi người cũ vượt qua được thử thách hoặc tìm được người mới thích hợp, anh sẽ ngay lập tức giao quyền. Hiện tại, chỉ những bộ phận hoặc mảng nào chưa có nhân sự giỏi hoặc chưa tạo cho anh sự tin tưởng, thì anh mới trực tiếp điều hành.
Sau 6 tháng, công tác chuyển đổi của CEO Nguyễn Đăng Thanh tại TTC Land đã cho ra một vài kết quả tích cực nhất định.
"Tôi thì không nghe ai đó quan ngại vì tôi không xuất thân từ ngành bất động sản. Nhưng theo quan niệm của tôi, về cơ bản công thức thành công của doanh nghiệp nào cũng có điểm giống nhau. Nếu bạn mang lại giá trị cho khách hàng thì khách hàng sẽ mang lại giá trị cho bạn. Do đó, tất cả chuyển đổi mà chúng tôi đang làm là hướng đến khách hàng và tạo ra giá trị cho khách hàng", anh Nguyễn Đăng Thanh nhận định.
Sắp tới, dòng tiền của TTC Land sẽ trở nên tốt hơn, chúng tôi sẽ không phải bị động về mặt tài chính khi phát triển các dự án bất động sản dân dụng
Bên cạnh đó, theo anh Nguyễn Đăng Thanh, TTC Land là một doanh nghiệp bất động sản có nội lực và tiềm lực phát triển tốt, nhưng vì nhiều lý do, công ty vẫn chưa thể phát huy được tất cả những lợi thế của mình để bật lên. Sự có mặt của anh cùng "cuộc cách mạng" mà anh đang tiến hành trong nội bộ công ty chính là để "unlock – mở khóa", nhằm thúc đẩy "chiến hạm" TTC Land có thể tăng tốc trong thời gian tới.
Có thể, bắt đầu bằng một cơ cấu tài chính vững mạnh và bền vững mà anh cùng các cộng sự đang và sắp tạo dựng trong thời gian tới. Nhưng, trong một công ty bất động sản, cơ cấu tài chính như thế nào mới được gọi là vững mạnh và bền vững?
"Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể lấy ví dụ ở dòng tiền mà các doanh nghiệp hay huy động để phát triển một dự án bất động sản dân dụng.
Hiện tại, trên thị trường, hầu hết doanh nghiệp bất động sản chỉ huy động vốn từ một hoặc hai định chế tài chính để phát triển một dự án bất động sản. Sau đó, nếu có bất cứ vấn đề rủi ro hoặc sự cố nào đó xảy ra, ví dụ dòng tiền không kịp về hoặc không đủ để tiếp tục phát triển dự án…; các chủ đầu tư mới bắt đầu chạy đôn chạy đáo để đi vay tiếp. Tất nhiên, với kiểu 'nước đến chân mới nhảy', các doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt thòi hơn.
Là một người nhiều năm làm việc trong ngành tài chính – tiền tệ, tôi không muốn doanh nghiệp mình quản lý luôn bị động như thế. Tôi muốn trước khi TTC Land khởi công bất cứ dự án bất động sản nào, chúng tôi sẽ huy động vốn chính thức từ 1 đến 2 định chế tài chính và có 1 đến 2 nguồn tiền back-up khác. Ở thị trường Việt Nam, nếu đã không thể dự đoán được các rủi ro pháp lý lẫn rủi ro về tài chính, thì tốt nhất nên chuẩn bị càng nhiều phương án dự phòng càng tốt", anh Nguyễn Đăng Thanh nhận định.
Ông Nguyễn Đăng Thanh muốn áp dụng những triết lý tạo nên thành công của thương hiệu Apple vào TTC Land.
Còn về việc tìm thêm các định chế tài chính khác ngoài ngân hàng như doanh nghiệp chuyên về đầu tư, đối tác bất động sản nước ngoài hoặc quỹ đầu tư… để đa dạng hóa nguồn vốn; mọi chuyện mới đang bắt đầu. Như chúng ta đều biết, để gặp gỡ, làm việc, đàm phán và đi đến đồng thuận cuối cùng với các đối tác, thì 6 tháng nhiều khi vẫn chưa đủ.
Mục tiêu của TTC Land trong thời gian đầu là tìm những đối tác có những giá trị có thể cộng hưởng – bổ trợ được với các sản phẩm/dịch vụ của TTC Land và cả hai cùng chịu thiệt một chút. Sau 1 đến 2 năm nữa, khi TTC Land đã đạt được kết quả từ quá trình chuyển đổi và có thể phát triển mạnh mẽ, thì sẽ hợp tác với các định chế tài chính lớn cả trong lẫn ngoài nước để thiết kế các giải pháp tài chính dài hạn hơn.
Mơ ước của tôi là có thể học hỏi cách thức mà Apple đã thành công
Dù không nói ra nhưng theo ý của ông Nguyễn Đăng Thanh, khoảng đầu năm 2020, mọi người sẽ được thấy một TTC Land rất khác – năng động, hiện đại và tươi mới hơn trên thị trường.
Trong tương lai gần, mục tiêu của TTC Land là tạo ra những sản phẩm/dịch vụ tốt hơn các đối thủ trong cùng phân khúc, có như vậy thì doanh nghiệp này mới có thể bứt phá. Nhưng, đó chưa phải là đích đến cuối cùng của vị CEO giàu tham vọng này.
"Mơ ước của tôi là có thể học hỏi và áp dụng mô hình thành công của thương hiệu Apple vào TTC Land. Tức là, khi TTC Land ra bất cứ sản phẩm nào, khách hàng sẽ sẵn sàng "đặt gạch" mua mà không cần tìm hiểu thêm bất cứ thông tin khác. Rằng, khi nói tới TTC Land là người ta nghĩ ngay đến nhà phát triển bất động sản uy tín có sản phẩm tốt, giá trị gia tăng cao trên thị trường", anh Nguyễn Đăng Thanh không ngần ngại chia sẻ.
Và để làm được điều đó, TTC Land buộc phải tiếp tục chuyển đổi không ngừng nghỉ trong thời gian tới.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : TTC Land, CEO Nguyễn Đăng Thanh, Apple