Xuất khẩu sang Australia: Tập trung vào mặt hàng thế mạnh

Những thách thức đối với DN khi xuất khẩu (XK) vào Australia không hề nhỏ bởi đây là thị trường khó tính hơn cả Mỹ và EU. Làm thế nào để chinh phục thị trường này và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là vấn đề được nhiều DN quan tâm.

Theo Bộ Công Thương, năm 2008, tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Australia đạt mức 4,591 tỷ USD. Tuy nhiên, tới năm 2018, con số này không tăng, thậm chí giảm xuống còn 4,5 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm, XK qua thị trường này tiếp tục giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, giá trị hơn 2,5 tỷ USD. Với kết quả này, Australia là thị trường XK lớn thứ 13 của Việt Nam với giá trị XK thấp hơn nhiều so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

xuat khau sang australia tap trung vao mat hang the manh
Tôm là mặt hàng thế mạnh xuất khẩu vào thị trường Australia

Nguyên nhân của thực trạng trên do Australia chỉ nhập khẩu ở mức trung bình các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là giày dép, quần áo, đồ gỗ; hoa quả, thủy - hải sản, cà phê… nhập khẩu rất ít. Ngoài ra, do DN hai nước cũng không xây dựng được quan hệ đối tác lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, Australia còn là một trong những thị trường có quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm nghiêm ngặt nhất trên thế giới; duy trì nhiều quy định về các biện pháp kỹ thuật khá khắt khe nên việc tiếp cận của DN rất khó khăn.

Theo phản ánh của DN, dù đã XK đi Australia nhưng Công ty TNHH TM&DV Lucky Star Huỳnh Đức vẫn không tránh khỏi những vướng mắc bởi quan hệ đối tác chưa được bền chặt. Bà Trịnh Bích Thuận - Giám đốc công ty - chia sẻ, khi công ty xuất hàng qua Australia đã bị đối tác yêu cầu giao hàng mà không chịu ký quỹ. Việc này mang đến rất nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển cho DN. Thậm chí, khi công ty ngỏ ý muốn bạn hàng qua Việt Nam tìm hiểu về nơi sản xuất nhưng dù bàn bạc nhiều lần, hai bên vẫn chưa thống nhất được tiếng nói chung. Nhiều DN xuất khẩu nông sản, thủy sản vào Australia cũng phản ánh, họ đang gặp khó trong tiếp cận thị trường bởi quy định dán nhãn sản phẩm và dư lượng thuốc thú y.

Australia được đánh giá là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - thị trường XK đầy tiềm năng của Việt Nam. Đáng chú ý, Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) đã có hiệu lực từ năm 2010.

Để tăng kim ngạch XK vào Australia, theo các chuyên gia, ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng XK và hiểu biết về quy định chất lượng hàng hóa, DN Việt cần phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn. Ông Phan Hùng Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Sài Gòn - lưu ý, Australia đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu sau đó mới đến giá. Đặc biệt, nước này cũng rất chú trọng đến bao bì, nhãn mác. Do đó, các DN khi XK cần ghi rõ thông tin cần thiết ngay trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, trong kế hoạch sắp tới, để tận dụng những lợi thế thuế quan khi XK vào Australia, ngành thủy sản sẽ tập trung vào mặt hàng vốn có thế mạnh tại thị trường này là tôm và cá tra. Tuy nhiên, do thị trường này kiểm soát rất nghiêm ngặt về nhập khẩu tôm chưa nấu chín nên DN đang chuyển dần qua sản xuất tôm đã nấu chín; đồng thời, giữ vững chất lượng sản phẩm và hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu để kịp thời tháo gỡ vướng mắc xảy ra.

Sau thành công của “Ngày nhãn Việt Nam” diễn ra tháng 9/2019, tới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia tiếp tục tổ chức “Ngày sầu riêng Việt Nam” nhằm mở thêm cơ hội cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng nước này.

Mai Ca

Từ khóa : Xuất khẩu, Australia, mặt hàng thế mạnh