TP. Hồ Chí Minh: Thay đổi hệ thống logistics
Bàn về các giải pháp nâng cao mức độ đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, phần lớn các chuyên gia đều có chung nhận định về việc cần phải thay đổi trong hệ thống logistics, cải cách thủ tục hành chính để có thể giảm chi phí, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Manh mún, nhỏ lẻ, chi phí cao
Bà Đặng Minh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - cho biết, hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của TP. Hồ Chí Minh đang là 85,2 tỷ USD (chiếm 17,7% kim ngạch XNK cả nước). Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tăng 9% trong năm 2017, 2018. Chi phí cho dịch vụ logistics chiếm xấp xỉ 10,2 tỷ USD (tương đương 18% của 57 tỷ USD GDP). "Ngành logistics của thành phố đang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hạ tầng và các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng dẫn đến trở thành điểm nghẽn" - bà Phương nhận định.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có 6 ICD (cảng cạn, cảng nội địa) nhưng 5/6 điểm đã có quyết định di dời. Do vậy, gần như các điểm này không có sự đầu tư về cơ sở vật chất lẫn công nghệ. TP. Hồ Chí Minh hiện tập trung 54% doanh nghiệp logistics của cả nước song phần lớn đều phải "làm F2" - tức là nhận thầu lại từ các công ty nước ngoài có mối quan hệ, có vốn.
TP. Hồ Chí Minh hiện có 6 cảng cạn, cảng nội địa |
Đặc biệt, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí đang ở mức cao. Thống kê từ Bộ Giao thông vận tải, quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh đi Cái Mép chưa đến 200km nhưng cả đi và về phải đi qua 8 trạm thu phí, riêng phí qua trạm đã mất 800.000 đồng, trong khi giá cước vận tải cho tuyến này chỉ khoảng 4 triệu đồng. Các chi phí này chưa bao gồm các chi phí không chính thức khác phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Theo ước lượng của World Bank, tỷ trọng chi phí không chính thức so với tổng chi phí nội địa Việt Nam ở mức rất lớn, chiếm đến 13,4%.
Liên quan vấn đề này, TS. Đinh Công Khải - Viện trưởng Viện Chính sách công, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - nhận định: Khả năng mở rộng, tăng cường đầu tư các tuyến giao thông kết nối tại TP. Hồ Chí Minh còn chưa tương xứng dù thành phố hiện là cửa ngõ XNK lớn nhất cho cả vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là chưa kể đến nhiều thủ tục hành chính rườm rà, kém linh động; nguồn cung lao động chuyên ngành, lao động nhảy việc nhiều…
Tháo điểm nghẽn hạ tầng
"Để tháo điểm nghẽn hạ tầng, thúc đẩy logistics phát triển, việc hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics là nhiệm vụ hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh" - ông Khải khẳng định. Trong đó, cần phải chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất hàng hóa.
Theo đó, các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics đầu tư sâu rộng hơn trong chuỗi dịch vụ logistics; tăng cường kết nối giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt để giảm áp lực giao thông đường bộ; giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm thời gian vận chuyển.
Đặc biệt, cơ quan chức năng tập trung xử lý giảm ách tắc giao thông ra vào các cảng hợp lý (phân luồng, giờ giao thông các loại xe; duy tu, xây dựng mới…) và điều tiết mật độ khai thác, giảm chi phí, cân đối công suất giữa các cảng. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ các hành vi nhũng nhiễu tại cảng và xử lý kiên quyết, kịp thời.
Bà Đặng Minh Phương - Phó Chủ tịch VLA: Các doanh nghiệp logistics cần chủ động chú trọng đầu tư nguồn nhân lực hệ thống quản lý chuỗi dịch vụ; đầu tư công nghệ để chuyên môn hóa dịch vụ và cần phải có liên kết cùng phát huy thế mạnh tạo lợi thế cạnh tranh. |
Từ khóa : logistics