Chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm được doanh nghiệp ngành ô tô chú trọng
Để tạo ra sự khác biệt cả về sản phẩm lẫn dịch vụ nhằm bán hàng và giữ vững vị thế trên đường đua cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng đang lấy khách hàng làm trung tâm để xây dựng chiến lược hoạt động.
Chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng thị trường lấy khách hàng làm trung tâm cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, diễn ra ngày 24/10 trong khuôn khổ Vietnam Motor Show 2019, ông Đỗ Nam Bình - Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - khẳng định, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là nhân tố tích cực thúc đẩy các ngành liên quan khác cùng phát triển. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của ngành, chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi, giá bán xe ở mức cao và tỷ lệ nội địa hóa với ô tô 9 chỗ thấp…
Các diễn giả chia sẻ về chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm |
Chính vì thế các doanh nghiệp trong ngành rất cần có sự đầu tư nỗ lực, cũng như những hướng phát triển lâu dài, hướng tới khách hàng nội địa và tính tới phương án xuất khẩu.
Ông Ninh Hữu Chấn - Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - đánh giá, qua theo dõi hoạt động của các thương hiệu ô tô cũng như nắm rõ từng diễn biến, thay đổi trong hoạt động giao thương, VAMA hiểu rất rõ những bước chuyển mình đầy ấn tượng của thị trường xe hơi Việt Nam. Nhìn lại quãng thời gian 10 tháng đầu năm 2019, thị trường đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về cung lẫn cầu. Đặc biệt là Việt Nam đang ngày càng tiếp cận gần hơn đến mô hình xã hội hóa ô tô, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sở hữu xe hơi riêng của mỗi người dân.
Báo cáo so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt con số gần 20% và VAMA kỳ vọng giai đoạn cuối năm 2019, đầu 2020 con số này sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng hơn 25% với nhiều tiềm năng phát triển mới cho toàn ngành.
Doanh nghiệp ô tô cần ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng, từ đó nhanh chóng thích ứng |
Ông Chấn cho rằng, đứng trước tất cả những yếu tố và tiềm năng đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp - nhập khẩu ô tô cần ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng, từ đó nhanh chóng thích ứng. Có như thế mới tạo ra sự khác biệt cả về sản phẩm lẫn dịch vụ để bán hàng và giữ vững vị thế trên đường đua cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Tuy nhiên ông Chấn cũng chỉ ra rằng, việc lấy khách hàng làm mục tiêu phát triển không chỉ giới hạn ở hoạt động của các doanh nghiệp mà còn liên quan đến các hoạt động xây dựng chính sách và cả đầu tư phát triển công nghệ, hệ thống hạ tầng.
Tham gia hội thảo, các diễn giả đã cùng thảo luận về những giải pháp kiến tạo thị trường ô tô lấy khách hàng làm trung tâm cũng như tiết lộ nhiều thông tin hữu ích trong việc nắm rõ nhu cầu thị trường khi tìm hiểu xe hơi; tâm lý thúc đẩy hành động mua hàng và phương thức làm hài lòng ngay cả những khách hàng khó tính nhất. Chẳng hạn như thương hiệu VinFast và Mercedes-Benz Vietnam hiện đang áp dụng.
Ông Võ Quang Huệ - Đại diện Tập đoàn VinGroup - cho biết, khi khi bắt tay vào phát triển các dòng sản phẩm đầu tiên, VinFast đã chọn cách chưa có hãng xe nào tại Việt Nam thậm chí trên thế giới thực hiện - đó là cho khách hàng bầu chọn các mẫu xe thiết kế được yêu thích nhất. Vì thế, ngay từ ban đầu dòng xe VinFast đã được làm ra theo đúng mong muốn của khách hàng Việt, phục vụ đúng nhu cầu của người Việt.
Từ khóa : Chiến lược, khách hàng làm trung tâm, ngành ô tô