Tổng giám đốc GS25: Ở Việt Nam, uống 1 ly trà sữa sẽ có lúc thích, lúc không, lúc theo trend nhưng hành vi này dễ thay đổi, còn khởi nghiệp cửa hàng tiện lợi lại bền vững và dễ thành công hơn
“Trong tất cả các mô hình kinh doanh hiện nay, mô hình cửa hàng tiện lợi đang có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đồng thời, tính bền vững cũng rất cao, minh chứng suốt 20 năm qua thị trường này vẫn phát triển và bền vững. Nếu khởi nghiệp từ trà sữa hay mô hình ăn uống khác dù mở ra rất nhanh nhưng thực tế duy trì được bao lâu lại là câu hỏi lớn….”
Bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH GS25 Việt Nam (GS25 VN) nhấn mạnh tại Hội thảo “Nhượng quyền thương hiệu cửa hàng tiện lợi GS25” diễn ra mới đây tại Tp.HCM. Đây cũng là thương hiệu từ ngày 1/11/2019 chính thức triển khai chương trình nhượng quyền tại Việt Nam với khu vực chiến lược đầu tiên là Tp.HCM.
Vào Việt Nam 18 tháng, GS25 là đơn vị đầu tiên về cửa hàng tiện lợi cho nhượng quyền
Nữ Tổng giám đốc GS25 chia sẻ, GS25 thành lập 1990 hiện có 14.000 cửa hàng, chiếm 30% thị phần bán lẻ tại Hàn Quốc.
Vào Việt Nam năm 2018, chỉ trong vòng 18 tháng triển khai tập trung tại Tp.HCM, GS25 VN đã có hơn 50 cửa hàng và trở thành thương hiệu cửa hàng tiện lợi có tốc độ triển khai nhanh nhất thị trường. “Dù vào sau nhưng GS25 là đơn vị đầu tiên về cửa hàng tiện lợi cho nhượng quyền, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của thương hiệu trong tương lai”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Hồng Trang, tính bền vững của mô hình cửa hàng tiện lợi luôn cao và vẫn đang phát triển
Bà Trang thông tin, năm 2018, sau 4 tháng ra mắt, GS25 có 300 nhà cung ứng với hơn 300 sản phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Đến quý 3/2019, số lượng cửa hàng của GS25 là 50, tập trung chủ yếu tại Tp.HCM. Đến quý 4/2019, GS25 chính thức triển khai cho nhượng quyền.
“Chúng tôi tham vọng năm 2020 sẽ mở 3 cửa hàng đầu tiên tại thị trường Hà Nội. Trong vòng 3 năm sẽ có 300 cửa hàng và 10 năm sẽ nâng con số lên hàng ngàn cửa hàng”, bà Trang khẳng định.
Theo nữ Tổng giám đốc GS25, đối với hệ thống cửa hàng nhượng quyền từ nam ra bắc tiến là thị trường đầy thách thức. Theo đó, GS25 sẽ phải có những chiến lược hết sức cẩn trọng. “Chúng tôi tự tin vì với sự am hiểu thị trường của tập đoàn bán lẻ Sơn Kim và GS Retail (Hàn Quốc) sẽ giúp thương hiệu GS đi xa hơn”, bà Trang nói.
Nói về điểm mạnh nhượng quyền của GS25 tại thị trường Việt Nam, bà Trang cho biết: GS25 có mức đầu tư hợp lý nhất trong các hình thức nhượng quyền hiện nay. Chỉ cần dưới 2 tỷ đồng, là có một cửa hàng có thương hiệu lớn ở châu Á & đã được đón nhận tốt tại Việt Nam (mức đầu tư 1,6-1,8 tỷ đồng). Đồng thời, khi nhượng quyền với GS25, người nhượng quyền có sẵn: Nguồn hàng Việt Nam & nhập khẩu từ các đối tác lớn, uy tín; Thương hiệu lớn, concept cửa hàng có sẵn, không cần bỏ chi phí quảng bá, marketing mà có thể kinh doanh ngay lập tức; Được chuyển giao toàn bộ công nghệ quản lý (phần cứng, phần mềm); quy trình làm việc, huấn luyện nhân sự từ một tập đoàn lớn. Đặc biệt, có một đối tác lớn & uy tín cùng đồng hành trong suốt quá trình kinh doanh, đồng nghĩa với việc chỉ cần người nhượng quyền tập trung tốt ở phần vận hành thì tỷ lệ thành công rất cao.
“Trong xu thế cạnh tranh như hiện nay của thị trường bán lẻ thì nghiên cứu và am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt Nam sẽ là yếu tố quyết định thành công của thương hiệu bán lẻ nước ngoài. Điều đó cho thấy, hệ thống quản trị tốt, sản phẩm theo khuynh hướng cần được doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất. Đó cũng là một chiến lược của GS25 tại thị trường Việt Nam”, bà Trang nhấn mạnh.
Khởi nghiệp từ mô hình cửa hàng tiện lợi: Khó hay dễ?
“Đối với thị trường Việt Nam, đi học để có thể khởi nghiệp là điều khó. Còn khi khởi nghiệp từ mô hình sẵn có, được hỗ trợ từ đội ngũ kinh nghiệm và chuyên nghiệp thì tỉ lệ thành công sẽ cao”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo bà Trang, trong tất cả những mô hình kinh doanh hiện nay cho thấy, mô hình cửa hàng tiện lợi đang có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đồng thời đây cũng là mô hình mang tính bền vững. Minh chứng là hơn 20 năm qua, lĩnh vực này vẫn đang phát triển và đối với thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển. Cho nên, xét tổng thể tiềm tiềm năng về thị trường và cơ hội của mô hình này còn rất cao.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, độ phủ của hệ thống bán lẻ tại Việt Nam hiện đang thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực: 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%. Trong khi đó, mức tăng trưởng dân số Việt Nam thuộc top khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ cao, vì thế các nhu cầu tiêu dùng tiện lợi là rất lớn. Với tốc độ đô thị hoá nhanh, các cửa hàng truyền thống sớm sẽ phải được thay thế hoặc nâng cấp để theo kịp xu hướng và nhu cầu người tiêu dùng.
GS25 tham vọng có trên 2.000 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới
Bà Trang phân tích: Các mô hình khởi nghiệp như trà sữa hay mô hình ăn uống khác dù mở ra rất nhanh nhưng họ có thể duy trì được bao lâu thì lại là câu hỏi. Xuất hiện nhanh và thay đổi rất nhanh chóng đó là thực tế của các mô hình này tại thị trường Việt Nam. Còn nhìn khách quan, mô hình cửa hàng tiện lợi thì tiêu chí đầu tiên là đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng. Mà khi đã gọi là thiết yếu nghĩa là họ phải sử dụng hàng ngày, và sẽ phải tiếp tục sử dụng. Do đó, khởi nghiệp ở mô hình này bền vững và dễ thành công hơn.
“Còn khi đến nhà hàng uống 1 ly trà sữa sẽ có lúc thích, lúc không, có lúc thì theo trend. Hành vi này sẽ thay đổi theo thời gian”, bà Trang chia sẻ.
Khi được hỏi, liệu có rủi ro nào đối với người được nhượng quyền, Tổng giám đốc GS25 cho biết, rõ ràng trong câu chuyện này người nhượng quyền được nhiều hơn mất, được hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật, con người, hàng hóa….tuy nhiên trong kinh doanh không thể lường hết được rủi ro.
Chẳng hạn, chúng ta đầu tư mà chọn vị trí sai thì hiệu quả kinh doanh không như mong muốn. Đó có thể là những thay đổi khách quan về chính sách, đường xá một chiều, hai chiều hay một số thay đổi về chính sách quy hoạch tại khu vực mở cửa hàng như không xuất hiện tòa nhà, trường học… như quy hoạch ban đầu khiến chúng ta mất đi lượng khach hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, phương pháp rà soát kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn vị trí mở cửa hàng là điều rất quan trọng.
Rủi ro thứ hai là đến từ yếu tố con người. Nếu không tuyển đủ được đội ngũ ổn định, luôn rèn luyện và trau đồi kỹ năng về mặt dịch vụ thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng. Điều đó nghĩa là khách hàng sẽ lựa chọn cửa hàng khác.
“Đối với việc hoàn vốn và hiệu quả đầu tư phụ thuộc vào vị trí tại điểm bán. Vì thế, NĐT phải có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng với GS25, để quyết định vị trí nào, đảm bảo công tác mặt bằng chuyện nghiệp. Thời gian hoàn vốn bao lâu là đến từ 2 phía”, bà Trang nhấn mạnh.
Phương Nga
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : GS25, trà sữa, khởi nghiệp, cửa hàng tiện lợi