Ai đã mở đường lên Đà Lạt?

(NTD) - Với diện tích tự nhiên là 424km2, nằm toàn bộ trên vùng cao nguyên Langbian ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Đà Lạt được biết đến bởi những đồi núi chập chùng, bốn mùa hoa nở, không khí se lạnh.

Trước năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra Đà Lạt, nơi đây còn hoang sơ và là nơi cư trú của người Lạch. Lúc đó, không có đường đi Đà Lạt.

Thám hiểm vùng đất bí hiểm trước đây và năm 1893

Các cuộc thám hiểm của những người Pháp nhằm khám phá ra vùng cao nguyên Langbian đã được ghi chép lại, nhưng họ chỉ mới đặt chân đến phía cực nam của tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Đó là Đa Huoai. Bác sĩ Paul Nêis thuộc Hải quân Pháp, thực hiện hai chuyến thám hiểm: Từ ngày 1/11/1880 kéo dài đến ngày 8/1/1881, chuyến thám hiểm gặp nhiều trục trặc vì tình trạng sức khỏe của một số thành viên nên sau khi vượt qua dãy núi Krong Laê, đến gần đèo Bảo Lộc thì đoàn quay về. Chuyến đi thứ hai từ giữa tháng 2/1881- 4/1881, có trung úy Albert Septans làm phụ tá, đã đến được núi Voi ở phía đông Đà Lạt, gặp cao nguyên Langbian và đến làng Late, cư trú ở đây 4 ngày (từ 16-20/3).

Cả hai cuộc thám hiểm này gần như không gây chú ý. Cho đến 10 năm sau, ngày 3/8/1990, với ý định “dùng đường núi để đi từ Nha Trang trong 10 ngày”, bác sĩ Yersin cùng người hầu mang theo lương thực đi theo đường mòn từ làng Kalon qua Taly đến Tala. Đến đây thì cuộc hành trình chấm dứt vì nhiều lý do: Lương thực hết, quần áo giày vớ rách và hao sức. Từ ngày 28/3/1992 - 9/6/1892, một cuộc thám hiểm khác của Yersin cũng đã được thực hiện theo yêu cầu của đại úy Cupet nhưng không phải là cuộc thám hiểm chính thức.

Năm 1893, từ ngày 24/2, Yersin bắt đầu chuyến du lịch của mình. Đến ngày 8/4, ông thực hiện chặng đường Phan Rí - Tánh Linh. Ngày 14/4, đoàn vượt dòng Đa Nhim, ngày 25/4, đến TaLa, ngày 11/6, ông đến Bross, leo lên đỉnh núi cao nhất Tadoung ở độ cao 2.100m. Sau đó, ông đã trở xuống cùng 4 người khuân vác đồ đạc lên đường thám hiểm Langbian. Một cuộc hành trình hai ngày đưa Yersin đến bờ sông Đa Nhim, rồi các làng ở Prenn (trước đó ông đã chạm trán với nhóm Thouk nên bị thương nhiều chỗ), sau đó bắt đầu leo núi, một giờ sau ông đã vượt ra khỏi rừng thông và núi - chuyến chinh phục Langbian của ông đã phát hiện ra Đà Lạt vào lúc 15h30 ngày 21/6/1893.

Mở đường lên Đà Lạt mộng mơ

Một năm sau khi đặt chân đến cao nguyên Langbian trong cuộc hành trình đầy gian khổ, đầu năm 1994, bác sĩ Yersin đã đi một lộ trình mới từ Nha Trang đến Dankia, con đường đi lần thứ hai này men theo núi, băng qua các thung lũng dọc theo các nhánh sông Phan Rang, vượt qua ngọn đèo cao 1.200m, ông đã đến một làng ở Đơn Dương, rồi Dunkia và dọc theo Prenn.

Những chuyến đi trước năm 1894 đều là những chuyến mở đường. Khi ấy Đà Lạt còn nép mình sau những rặng núi và những con đường mòn nhỏ. Từ những bản đồ do Yersin vẽ lại trong hai cuộc hành trình của mình, toàn quyền Doumer đã nghiên cứu và quyết định cử một đoàn khảo sát do đại úy Thouard dẫn đầu. Phái đoàn có nhiệm vụ khảo sát tìm một con đường từ bờ biển lên cao nguyên Langbian. Liên tiếp nhiều năm sau đó, các đoàn của Ođéhera, Gamfer và Bermard tiếp tục tìm đường Đà Lạt - Sài Gòn. Cũng trong một năm khảo sát, Thouard đã báo cáo là lộ trình lên Đà Lạt có thể mở ra từ Phan Rang, băng qua thung lũng Đa Nhim.

Đích thân toàn quyền Doumer đã cùng với bác sĩ Yersin lên cao nguyên vào cuối tháng 3/1899. Họ đã dùng ngựa đến Krong Pha, nghỉ đêm tại đây, hôm sau vượt đèo Ngoạn mục (Bellevue), 10h sáng đến Dran, men theo con đường quanh núi Dran đến Trạm Hành vào lúc 10h đêm. Chính chuyến đi này đã tạo ra con đường chính thức lên Đà Lạt từ Phan Rang cho đến ngày nay. Khi đó, con đường qua đèo Ngoạn Mục chỉ là con đường nhỏ, chủ yếu dành cho người đi bộ và đi ngựa. Riêng con đường từ Phan Rang đến Xóm Gòn đã thành hình, xe hơi đi lại dễ dàng. Trong tháng 5/1899, con đường lên Đà Lạt đã chính thức thành hình phải qua hai ngọn đèo Ngoạn Mục và Dran.

Việc xây dựng và mở rộng đường lên Đà Lạt đã được người Pháp đầu tư, thi công liên tục trong vòng 20 năm. Tuyến từ Sài Gòn lên Đà Lạt xuyên qua Prenn cũng hoàn tất trong thời gian này. Họ cũng đã mở ra tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Cụ thể như sau: Tháng 5/1899, đoàn Guynet làm đường bộ từ Nại lên cao nguyên Langbian; năm 1901, P. Doumer quyết định lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; năm 1909, tuyến đường sắt này hoàn thành. Năm 1911, toàn quyền Albert Sarraut chủ trương xây dựng nhanh đường giao thông (có thể đi xe hơi) lên Đà Lạt.

Năm 1920, hoàn thành đường Phan Rang - Đà Lạt. Năm 1932, làm xong đường Sài Gòn - Đà Lạt và đường sắt Tháp Chàm - Phan Rang. Nếu tính vào thời điểm Yersin tìm ra Đà Lạt, thì 40 năm sau, xe hơi, xe lửa mới có thể thông suốt đi lên Đà Lạt một cách dễ dàng. Vào thời điểm đó, dân số ở Đà Lạt chỉ trên 10.000 người.

Đường lên Đà Lạt ngày nay

Thực tế cho đến hôm nay, du khách có thể chỉ mất vài giờ từ Sài Gòn hoặc Nha Trang lên Đà Lạt. Đó là quốc lộ từ Tháp Chàm vượt qua hai đèo Ngoạn Mục - Dran và quốc lộ 20 từ Sài Gòn qua đèo Bảo Lộc - Prenn. Riêng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với những đường ray răng cưa đã ngưng chạy trong chiến tranh, việc phục hồi (nếu được) đòi hỏi nhiều tốn kém. Để gợi nhớ tuyến đường sắt này, lộ trình Đà Lạt - Trại Mát dài 15km được mở ra chủ yếu cho du khách hưởng thú đi xe lửa bằng đầu máy hơi nước hơn là có giá trị vận chuyển.

Trước kia, do ít xe, người Pháp mở đường rất nhỏ. Trong thập kỷ 1960-1970, người Mỹ đã mở rộng những con đường này, cũng đã nhiều lần sửa chữa đèo Ngoạn Mục. Hiện nay, đèo Dran gần như trở thành bỏ hoang vì bị hư hỏng và không được tu sửa. Đi từ Nha Trang đến Đà Lạt, sau khi qua đèo Ngoạn Mục đến Đơn Dương, xe sẽ rẽ trái đến Phinom. Sau đó theo con đường này qua đèo Prenn vào thành phố.

Hiện tại, một con đường mới từ Cầu Lùng (Nha Trang) đi Đà Lạt qua Khánh Lê, trổ ra Chi Lăng (Đà Lạt), rút khoảng cách Nha Trang Đà Lạt còn 130km, chính thức khai thông vào năm 2007.

 Khuê Việt Trường

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Đà Lạt