Môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Không quá nhiều doanh nhân!
(NTD) - Trong giới kinh doanh của bất kỳ quốc gia nào cũng có ba nhóm người: Con buôn, trọc phú và doanh nhân. Trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó nhằm tối đa hóa lợi nhuận, chỉ khác nhau về quy mô. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú quy mô lớn. Khi thành lập doanh nghiệp thì văn hóa và tư duy quản trị của trọc phú và con buôn khác hoàn toàn với doanh nhân.
Doanh nhân đúng nghĩa: Đỏ mắt tìm!
Trong từ điển tiếng Việt, cụm từ doanh nhân có nghĩa là người làm kinh doanh. Nhưng, trên các phương tiện truyền thông cụm từ doanh nhân được sử dụng để xác định một tầng lớp gắn với thành phần kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện từ sau những năm 90 của thế kỷ trước, những con người đã thành đạt trong sự nghiệp của mình đã tạo ra một hiệu ứng tâm lý rằng: Doanh nhân có nghĩa là người đó là người có nhiều tiền. Điều này, tôi khẳng định hoàn toàn hiểu sai về bản chất của hai từ doanh nhân.
Sự tách bạch giữa các khái niệm doanh nhân, trọc phú và con buôn vẫn chưa được đề cập nhiều trong các bài giảng về kinh doanh chân chính. Chị bán hàng rong là người làm kinh doanh. Nếu chị kinh doanh sản phẩm sạch, chất lượng và giá cả hợp lý thì vẫn được gọi là doanh nhân, mặc dù chị không giàu có so với các thành phần làm kinh tế khác. Nhưng, một ông chủ của một doanh nghiệp giàu có, kinh doanh gian xảo và dối trá với khách hàng thì không được gọi là doanh nhân. Họ được gọi là con buôn hay trọc phú.
Chúng ta rất thường nhầm lẫn giữa doanh nhân và con buôn hay trọc phú. Cứ hễ, ai làm chủ doanh nghiệp và giàu có về vật chất thì được gọi là... doanh nhân. Cách hiểu như vậy là sai. Hãy nhìn vào văn hóa doanh nghiệp, nhìn vào tư duy lãnh đạo và cách kiếm tiền của họ khi đó chúng ta mới xác định họ là đối tượng nào trong 3 thực thể của nền kinh tế quốc gia mà tôi đã nêu trên.
Sau thời kỳ mở cửa giao thương, hội nhập nền kinh tế quốc tế năm 1986, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam mới có cơ hội hình thành và phát triển. Từ đó, cho ra đời thế hệ doanh nhân có kiến thức bày bản về kinh doanh và tư duy quản trị có hệ thống thông qua việc học tập các vị doanh nhân, các nhà quản trị lão luyện hàng đầu trên thế giới.
Xin phép mượn vở hài kịch “Trưởng giả học làm sang” nổi tiếng của đại văn hào Pháp Molière viết từ thế kỷ 18 để nói về những chuyện trọc phú, con buôn học làm... doanh nhân. Vì sao phải học làm doanh nhân? Bởi, doanh nhân không chỉ đơn thuần là người làm kinh doanh, về phong cách sống, đạo đức kinh doanh và sự cống hiến cho xã hội sẽ rất khác biệt với con buôn hay trọc phú.
Các doanh nghiệp được điều hành bởi nhóm: Con buôn hay trọc phú thì sẽ không thể nào trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn được. Bởi, tư duy quản trị và phong cách điều hành của họ khác xa với nhóm doanh nhân. Nhóm doanh nhân luôn hướng đến “chỉ số hạnh phúc” của nhân viên. Họ luôn tạo động lực cho nhân viên phát triển, luôn lắng nghe và thấu cảm. Họ có khả năng phân biệt được ai là ai, cái gì là cái gì, mình là ai... biết phân định đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà... Doanh nhân đúng nghĩa tại Việt Nam không dễ gì tìm thấy.
Nhà quản trị hàng đầu thế giới John C. Maxwell trong một buổi thuyết trình.
Tư duy và phong cách điều hành: Thương hiệu của doanh nhân
Thế hệ doanh nhân ngày nay cần phải thay đổi tư duy không nên áp dụng tư duy kinh doanh cũ kỹ. Cần phải nhận thức được rằng “Nhân sự là nền tảng của thành công”, cần đổi mới hệ thống quản trị, áp dụng khoa học công nghệ trong quản trị và điều hành. Bên cạnh đó, phong cách quản trị doanh nghiệp phải được thay đổi, loại bỏ khái niệm “chủ - tớ” giữa lãnh đạo và nhân viên thay vào đó là khái niệm... cộng sự.
Nói một cách dễ hiểu hơn, con buôn và trọc phú khác hoàn toàn với doanh nhân trong phong cách điều hành doanh nghiệp và hoạt động khởi tạo văn hóa doanh nghiệp. Nhiều ông chủ doanh nghiệp cho nhân viên của mình đi học “văn hóa doanh nghiệp” tại các trường doanh nhân hay trung tâm đào tạo uy tín nhất. Đó là một trong những cách “đốt tiền” thường thấy tại doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chỉ là cành, lá. Cái gốc rễ của vấn đề, đó chính là... tính cách, tư duy và phong cách lãnh đạo của chủ doanh nghiệp. Khi họ tỉa tót cành, lá mà gốc rễ mục nát thì cây cũng héo mòn mà chết khô.
Nhìn mà xem, hoạt động tại doanh nghiệp của những ông chủ có tư duy con buôn: “Nhân sự ra - vào như... chợ trời”. Ngán ngẫm thay!!! Làm lãnh đạo là cả một nghệ thuật, một đạo phái mà chúng ta phải học. Sự học là điều mà các lãnh đạo hay lãnh đạo khởi nghiệp... bỏ quên khi lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo không phải là uy quyền hay dùng quyền để... ra lệnh. Uy ở đây được hiểu là uy nghiêm, uy tín và uy lực. Để có những chữ uy này, cần phải là một lãnh đạo cấp độ 5 theo chỉ dẫn của nhà quản trị hàng đầu thế giới John C Maxwell. Cái uy của lãnh đạo dựa trên nền tảng của sự tôn sùng hay thần tượng của nhân viên bên dưới. Đây là điểm khác biệt cơ bản của giữa nhóm con buôn và trọc phú và nhóm doanh nhân.
Làm lãnh đạo đâu phải dễ. Nếu, ai bảo dễ dàng thì không phải là... minh quân! Cái khó của lãnh đạo là phải trở thành một lãnh đạo... tâm lý, bậc thầy trong nghệ thuật dụng nhân. Tin chắc, nếu là một lãnh đạo tốt thì doanh nghiệp đó không hề là doanh nghiệp nhỏ và cũng không phải... sống “vật vờ”, không phát triển trong tư duy của một... con buôn!
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam có rất nhiều những người giàu có nhưng không hẳn hầu hết họ là... doanh nhân. Đặc điểm nhận thấy sự khác biệt rõ ràng nhất giữa con buôn, trọc phú và doanh nhân là: Đạo đức kinh doanh và văn hóa tổ chức kinh doanh. Văn hóa tổ chức kinh doanh là hữu hình, ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Đạo đức kinh doanh tại doanh nghiệp phần nhiều là vô hình, ta chỉ có thể nhận biết khi nó... có sai phạm xảy ra.
Những đại gia giàu sụ, tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: Lê Thanh Thản, Phạm Công Danh, Trầm Bê... có nên và xứng đáng để được gọi là doanh nhân? Thế nên, khẳng định số lượng doanh nhân tại Việt Nam không quá nhiều là có cơ sở...
ThS. Nguyễn Phạm Hữu Hậu
(Viện Chính sách kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng)
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Môi trường kinh doanh, doanh nhân