Ứng dụng chuyển đổi số đưa doanh nghiệp Việt ra thị trường thế giới
Chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, những kết quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, sản phẩm xuất khẩu đa dạng, chất lượng cao, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong kinh doanh xuất khẩu ngày càng rộng... chính là những yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Ông Stephen Kuo- Giám đốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Alibaba.com trả lời phỏng vấn Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
TMĐT là xu hướng kinh doanh, tiêu dùng tất yếu gắn liền với sự phát triển của công nghệ, sự tiếp nhận dịch vụ từ DN đến người dân. Thực tế phát triển TMĐT ở Việt Nam được ông đánh giá như thế nào?
Ông Stephen Kuo: Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam phát triển, duy trì mức ổn định, dân số đông và cơ cấu dân số trẻ, công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử kỹ thuật số phát triển tạo nền tảng phát triển TMĐT, khu vực DN vừa và nhỏ của Việt Nam trên dưới 500 ngàn DN, có thế mạnh phát triển nhiều mảng sản xuất đa dạng đây là thế mạnh lớn để tham gia vào TMĐT. Với tốc độ tăng trưởng TMĐT trung bình năm từ 25 - 30%, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đến năm 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Ông Stephen Kuo- Giám đốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Alibaba.com |
TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội lớn để thực hiện các giao dịch nhanh, thuận tiện trong thanh toán, nhận hàng... đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN tăng trưởng xuất khẩu nhất là DN vừa và nhỏ. Alibaba.com là nền tảng không cần quá nhiều nhân sự mà chỉ cần nền tảng công nghệ, sử dụng máy tính là có thể thực hiện giao dịch thương mại, sẵn sàng cho DN kết nối, giao thương với các nước. Để các DN kinh doanh tốt trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới chúng tôi có đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm, thường xuyên đến các quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm, tạo hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng TMĐT để các DN vừa và nhỏ có thể nắm bắt tốt nhất và vận dụng vào thực tế kinh doanh, tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường thế giới.
Các DN Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực về tài chính, nhân sự còn hạn chế vì thế Alibaba.com sẽ tập trung hỗ trợ các DN cụ thể như thế nào để có thể ứng dụng hiệu quả TMĐT xuyên biên giới thưa ông?
Ông Stephen Kuo: Tập trung vào hoạt động B2B tại Việt Nam, chúng tôi muốn giúp các doanh DN vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận được với các thị trường quốc tế trên nền tảng Alibaba.com, giúp số hóa các DN và tăng thêm nhiều việc làm tại địa phương
Nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam, Alibaba.com đã tạo ra một mạng lưới kênh mạnh mẽ bằng việc hợp tác cùng năm đối tác địa phương – những đơn vị không chỉ giúp quảng bá Alibaba.com đến với các nhà xuất khẩu địa phương mà còn liên tục hỗ trợ họ để những DN này tận dụng tối đa sự hiện diện trực tuyến của họ trên Alibaba.com. Trên nền tảng này để giúp DN nhìn thấy, tương tác, tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng toàn cầu. Đồng thời, cung cấp kiến thức về TMĐT cho các DN, hỗ trợ DN bằng một hệ sinh thái và cho DN các công cụ số để các DN bán được hàng và thành công trên thị trường quốc tế.
Ông có lời khuyên gì dành cho các DN nếu muốn đạt hiệu quả kinh doanh, tăng xuất khẩu trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới?
Ông Stephen Kuo: Cụ thể như giúp các DN Việt Nam triển khai việc bán hàng trên Alibaba.com như mở toài khoản, tiếp cận khách hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phân tích số liệu. Từ phía DN là người bán hàng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu trên Alibaba.com vì hàng ngày trên Alibaba.com có hàng triệu khách hàng. Bên cạnh đó, DN cũng cần xác định, phân khúc khách hàng nào mà bạn đang nhắm tới. Khi giao tiếp với khách hàng, người bán phải hiểu được các số liệu, dữ liệu cho giao dịch và các phản hồi. Người bán cũng cần biết thông tin sản phẩm đã đủ để miêu tả năng lực, thế mạnh của sản phẩm chưa; cách phản hồi của người bán đã đủ chuyên nghiệp để người mua tin tưởng chưa.
Theo thống kê, top 3 mặt hàng xuất khẩu “hot” nhất của các DN Việt trên nền tảng này là thực phẩm - đồ uống; sản phẩm nông nghiệp và gỗ trang trí nội thất. Chúng tôi sẽ giúp các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam mở rộng quy mô và gia tăng mức độ tiếp cận hàng hóa vào thị trường toàn cầu, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Từ khóa : chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt, thị trường thế giới