Ứng phó hàng rào phi thuế quan: Phải nắm vững thông tin

Doanh nghiệp (DN) Việt cần phải nắm vững thông tin về các công cụ phi thuế quan trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay. Đây là điểm nhấn tại Hội thảo: “Thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức

Kết quả khảo sát được thực hiện trên 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, với tổng số hơn 2.000 DN được phỏng vấn, tỷ lệ DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các biện pháp phi thuế quan khá cao: Ngành nông nghiệp (48%), công nghiệp (38%), dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (73%), dịch vụ du lịch (69%), dịch vụ vận tải (76%).

ung pho hang rao phi thue quan phai nam vung thong tin
Các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp xuất khẩu

Bà Nguyễn Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) - cho biết, những trở ngại cụ thể là do các quy định quá nghiêm ngặt - chiếm 3% các trường hợp; do các thủ tục chiếm 89% và 8% còn lại cho rằng do cả hai lý do trên.

Các trở ngại về thủ tục nhiều nhất là gây chậm trễ liên quan đến quy định (40%); chi phí không chính thức, đơn cử như hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận/quy định (17%); lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận/quy định (15%).

Ông Vianney Lesaffre - quản lý dự án, Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) - chia sẻ thêm, các trở ngại của những biện pháp phi thuế quan đối với công ty xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa là khác nhau. Đối DN xuất khẩu, có 3 trở ngại chính là biện pháp kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và các biện pháp liên quan đến xuất khẩu. Đối với DN nhập khẩu, trở ngại chính là thủ tục đánh giá sự phù hợp; thủ tục hải quan và định giá…

Trước thực trạng trên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - khuyến nghị, các DN, cơ quan, đơn vị và hiệp hội ngành hàng cần chủ động nắm vững thông tin và kiến thức để nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể về những vấn đề phi thuế quan trong thương mại dịch vụ, tránh những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại sẽ là cơ sở khoa học để các cơ quan, DN lên kế hoạch hoạt động.

Cũng để ứng phó với các rào cản phi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu, DN cần phối hợp với các bên liên quan như hiệp hội ngành hàng, địa phương, đề xuất các giải pháp chính sách tạo thuận lợi thương mại cũng như giảm chi phí.

Các cơ quan hoạch định chính sách cần nghiên cứu, định lượng về tác động của những biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam, từ đó có những khuyến nghị nhằm giảm chi phí, gánh nặng cho DN xuất khẩu…

Trong thương mại dịch vụ, việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan một cách hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường hoặc đảm bảo an ninh quốc gia là hợp pháp. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các quốc gia đang sử dụng các biện pháp phi thuế quan như một biện pháp thay thế để bảo vệ nền kinh tế nội địa. Nhiều chuyên gia cho rằng, những trở ngại do các biện pháp này gây ra còn cao hơn cản trở về thuế quan.

Theo Việt Anh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : hàng rào, phi thuế quan