Việt Nam - Ấn Độ: Nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dệt may
Ngày 22/11, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ đã tổ chức cuộc Họp mặt giao lưu doanh nghiệp Hợp tác ngành dệt Ấn Độ Việt Nam với hàng trăm cuộc gặp B2B giữa các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ và Viêt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi họp mặt, Tổng Lãnh sự Ấn Độ, ông K. Srikar Reddy, cho biết, dệt may là một trong những ngành công nghiệp truyền thống, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Ấn Độ. Đây cũng là lĩnh vực mà Chính phủ hai nước đang ưu tiên hợp tác phát triển nhằm nâng cao giá trị trao đổi thương mại và xây dựng chuỗi cung ứng dệt may trong thời gian tới.
Họp mặt giao lưu doanh nghiệp Hợp tác ngành dệt Ấn Độ Việt Nam |
Ấn Độ hiện có ngành công nghiệp xơ sợi, dệt vải rất phát triển, có thể sản xuất ra hầu hết các loại vải, nguyên phụ liệu ngành may mặc hiện có trên thị trường và hiện đang nằm trong nhóm 3 nhà cung cấp hàng dệt may hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn các loại nguyên phụ liệu. Đây chính là thị trường để ngỏ mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực sợi, dệt Ấn Độ Việt Nam cần trao đổi khai thác.
Chia sẻ về ngành dệt may trong nước, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 1999, dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 1,75 tỷ USD. Bình quân hàng năm ngành dệt may Việt Nam phát triển sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng từ 10 -12%/năm. Đến năm 2019 dự kiến xuất khẩu dệt may đạt 39,5 tỷ USD, sản xuất phục vụ thị trường Việt Nam ước đạt 4,5 tỷ USD trong tổng sản xuất 44 tỷ USD.
Ông cũng cho biết, hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đã chuyển dịch đầu tư về các vùng nông thôn, giải quyết công việc làm ăn cho khoảng 3 triệu lao động làm việc trong ngành.
Việt Nam cũng đang tích cực đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành để hội nhập toàn cầu. Đồng thời, xây dựng các giải pháp quản trị tiên tiến, năng động, sáng tạo, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực cho doanh nghiệp có năng lực ổn định, chất lượng, tay nghề người lao động được nâng cao, tiếp thu được công nghệ 4.0.
Theo đó, dệt may Việt Nam đang tập trung đầu tư công nghệ 4.0 tự động hóa vào các khâu sản xuất sợi – dệt – nhuộm – may, giặt và thiết kế thời trang. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường chủ động chuyển đổi phương thức bán hàng hiện đại hơn, phù hợp nhu cầu thị trường, phát triển mẫu mã từ khau sợi dệt nhuộm in may giặt. Xây dựng giải pháp kêu gọi đầu tư vào phần cung thiết bị dệt, nhuộm vải cao cấp đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính vì thế, Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư, chuyển giao vào lĩnh vực sợi dệt nhuộm in vải phần cung thiếu hụt mà ngành dệt may Việt Nam đang còn thiếu.
Trao đổi về vấn đề này, bà Kalavathi Rao, Giám đốc Xúc tiến Thương mại, Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu Dệt bông Ấn Độ khẳng định, ngành dệt may của Ấn Độ đã tương đối phát triển, đóng góp 2% trong GDP, đóng góp 14% cho sản xuất công nghiệp của cả nước. Đặc biệt, sợi bông là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống lớn từ Ấn Độ… Khi Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ có thể là nguồn cung vải và sợi chất lượng cho Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí là nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Từ khóa : Việt Nam - Ấn Độ, tiềm năng, dệt may