Kinh doanh "xanh", chất lượng “xanh”: Lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp

Thực hiện kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 27/6/2019 của UBND TP Hà Nội về chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Hà Nội, sáng nay (22/11), Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Triển khai mô hình kinh doanh xanh hướng tới phát triển bền vững lĩnh vực phân phối dịch vụ".

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Bá Việt Bách - Chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là quá trình thúc đẩy sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, hạ tầng bền vững và bảo đảm tất cả mọi người được tiếp cận tới các dịch vụ cần thiết, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động sản xuất còn kém hiệu quả và gây gánh nặng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Hiện, Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển, khoảng 280 nghìn tới 730 nghìn tấn mỗi năm. Một phần nguyên nhân của thực trạng trên là do người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, vẫn có thói quen sử dụng túi nylon, túi nhựa dùng một lần... Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng nhựa, nylon rất phổ biến trong sản phẩm cũng như bao bì, đóng gói. Rác thải nhựa có tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 – 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

ha noi kinh doanh xanh chat luong xanh loi the canh tranh cua nhieu doanh nghiep
Hà Nội: Kinh doanh “xanh”, chất lượng “xanh” lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp

Khẳng định tầm quan trọng trong việc áp dụng mô hình kinh doanh xanh, các chuyên gia cho rằng, chất lượng “xanh” là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Nielsen, 45% số người được hỏi trên toàn cầu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường, 41% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bao bì thân thiện với môi trường… Trong một khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, những thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức tăng trưởng cao 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong ngành thực phẩm nước giải khát, các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh xanh đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 2 - 11%. Một số nhãn hàng/thương hiệu của Việt Nam như: Bóng đèn Điện Quang, Ecopark đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất xanh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ về tầm quan trọng của việc sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới tiết kiệm nguồn nguyên liệu, năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội; tổng quan về mô hình kinh doanh xanh trong lĩnh vực phân phối – dịch vụ, chuỗi cung ứng bền vững và cách thức triển khai; giải pháp 3 xanh trong hoạt động của chuỗi các siêu thị Vinmart tại Hà Nội.

Đại diện Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam cho hay, chương trình Văn phòng Xanh, giúp tiết kiệm điện, nước sinh hoạt, giấy in, giảm phát thải rác và phát thải khí nhà kính. Hãng thời trang Bò sữa Boo.LTd thì sử dụng cotton hữu cơ thay thế vải cotton thường, sử dụng mực in thân thiện môi trường, sử dụng giấy Kraft để in mác sản phẩm, đồng thời, khuyến khích khách hàng sử dụng túi canvas, mang túi quay lại mua hàng được giảm thêm 10 nghìn đồng/hoá đơn... Hay như Dự án Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh "Thay đổi lò hơi" đã hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thay đổi từ lò hơi đốt than nạp nhiên liệu thủ công sang lò hơi tầng sôi đốt đa nhiên liệu từ vỏ trấu, mùn cưa, phụ phẩm nông nghiệp..., đã giúp giảm tới 3.900 tấn phát thải khí CO2/ năm, giảm lượng xỉ than thải bỏ ra môi trường...

Mức thu nhập ngày càng gia tăng và chất lượng cuộc sống được cải thiện, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có đủ điều kiện để chọn cho mình các sản phẩm thực sự xanh và sạch. Kinh doanh "xanh", chất lượng “xanh” là lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp.

Do vậy, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vương Đăng Hoa kêu gọi sự tham gia của toàn thể doanh nghiệp, người tiêu dùng nhân rộng các mô hình kinh doanh xanh, hướng tới phát triển bền vững. Mong muốn, qua Hội thảo, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ quan tâm, ý thức hơn trong từng hành động, việc làm của mình để góp phần, chung tay vì một nền kinh tế xanh, bền vững.

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phan hủy đang dùng tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Do đó, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay từ hôm nay.

Theo Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Kinh doanh xanh, chất lượng xanh, Lợi thế cạnh tranh