Singapore và Việt Nam hợp tác giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ
Sáng nay (26/11/2019), Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation – SIF) đã hợp tác với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (HCMUE) và Trung tâm Rainbow Singapore (RCS), chính thức phát động Dự án Dạy học cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD)
Đại diện quỹ SIF, Trung tâm RCS và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cùng vẽ màu tranh khai giảng dự án |
Đây là dự án phát triển năng lực hướng tới mục tiêu tăng cường chất lượng giáo dục đặc biệt dành cho trẻ mắc ASD tại thành phố Hồ Chí Minh. Dự án được trông đợi sẽ đem lại lợi ích cho ít nhất 730 giáo viên và các học viên đang theo đuổi lĩnh vực giáo dục đặc biệt trên địa bàn thành phố. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ đem đến những tác động tích cực đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của nhóm trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, cũng như của phụ huynh hay những người chăm sóc các em, đến từ 16 trường và 3 bệnh viện trong thành phố.
Trong vòng 2 năm rưỡi tới đây, nhóm các Tình nguyện viên Quốc tế Singapore (Singapore International Volunteers - SIV), bao gồm một nhóm chuyên viên giáo dục chuyên biệt đa ngành đến từ Trung tâm RCS, sẽ trực tiếp phối hợp cùng 230 giáo viên Việt Nam trong các hoạt động chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn tối ưu trong điều trị ASD. Từ đội ngũ giáo viên Việt Nam tham gia tập huấn, 30 người sẽ được tuyển chọn làm Đào tạo viên nòng cốt và được trang bị các kỹ năng để đào tạo lại cho đồng nghiệp của mình trong lĩnh vực. Một số Đào tạo viên nòng cốt sau đó cũng sẽ được lựa chọn làm Cố vấn để theo dõi quá trình triển khai hoạt động giáo dục đặc biệt tại các trường và viện liên kết tại Việt Nam, đảm bảo tính bền vững của chương trình.
Dự án mới tại TP. Hồ Chí Minh là sáng kiến giáo dục đặc biệt thứ hai mà SIF triển khai tại Việt Nam, tiếp nối thành công của dự án Giáo dục đặc biệt tại Hà Nội với sự phối hợp của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cùng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương kéo dài trong vòng 6 năm (Giai đoạn 1: 2010 - 2012 và Giai đoạn 2: 2015 - 2017). Dự án tại Hà Nội đã giúp đào tạo 75 học viên chuyên ngành giáo dục chuyên biệt trở thành các đào tạo viên nòng cốt, những người sẽ tiếp tục lan tỏa kiến thức mình học hỏi được tới khoảng 500 giáo viên trong cùng lĩnh vực.
Với dự án tại TP. Hồ Chí Minh, các nhà tổ chức hy vọng rằng kỹ năng và kiến thức của học viên, bao gồm nhận thức chuyên sâu và tăng cường về bản chất của chứng tự kỷ cũng như phát triển các chiến lược hiệu quả trong giao tiếp với trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, sẽ được cải thiện. Dự kiến tới năm 2022, hơn 1.800 thành viên cộng đồng giáo dục đặc biệt tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các dự án giáo dục đặc biệt của SIF tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa : Singapore và Việt Nam, giáo dục đặc biệt, trẻ tự kỷ