Thích ứng trong môi trường kinh doanh nhiều thay đổi
Năm 2019 sắp kết thúc và thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục có nhiều thay đổi, vì thế môi trường kinh doanh trong nước cũng phải thích ứng khi thực thi các FTA, các cam kết hội nhập...
Đánh giá từ Hiệp hội quốc tế các nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI) cho thấy, Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định từ thương mại, tài chính, thu hút đầu tư. Cụ thể trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VACD) - đánh giá, trong ngắn hạn những tác động tích cực đã được Việt Nam đón nhận. Tuy nhiên, những khó khăn, phức tạp ảnh hưởng từ hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính toàn cầu cũng đang ở phía trước, buộc các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cộng đồng DN phải luôn trong tâm thế chủ động ứng phó.
Cụ thể, số lượng vụ kiện phòng vệ thương mại thời gian gần đây tăng cao khoảng 150 vụ. Nguyên nhân khiến gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp là do các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Mặt khác, Việt Nam đã và đang thực thi các FTA với hàng loạt các dòng thuế hạ thấp nên hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng tìm cách đưa vào Việt Nam bất hợp pháp với phương thức giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam để sau đó xuất khẩu sang thị trường các nước.
Theo ông Lê Khánh Lâm - Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam, những thay đổi trong môi trường kinh doanh toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến DN Việt ở nhiều khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Vì thế, các chính sách thuế quan, pháp lý và thương mại của Việt Nam cần theo kịp tốc độ mở cửa của các FTA, thay đổi trong bối cảnh kinh doanh mới, phát triển kinh tế số...
Ngoài việc cắt giảm thuế quan, Việt Nam phải thay đổi rất nhiều yếu tố khác, như cải cách thủ tục đầu tư, tạo sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
Để thay đổi, thích ứng, các DN dệt may, da giày, đồ gỗ... đang phải xem xét đến vấn đề thế nào là xuất xứ Việt Nam, thế nào là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài… |
Từ khóa : Thích ứng, môi trường kinh doanh, nhiều thay đổi