Condotel là gì mà đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan?

(NTD) - Sau sự kiện Cocobay “vỡ trận”, chủ đầu tư thừa nhận thất bại trong việc đầu tư condotel và dừng trả lãi cam kết cho khách hàng thì tâm lý lo sợ hiệu ứng dây chuyền lan rộng cả người mua lẫn doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (Vnrea) cho rằng, bản chất condotel không có gì sai và “Condotel không có tội tình gì, hình thức hoạt động, huy động vốn không sai nhưng cái không may của Cocobay, một vụ trục trặc của condotel vừa qua là do chọn vị trí cũng như định giá lãi cao quá”. Ông Nam phân tích nếu đầu tư bất động sản condotel mang lại lợi nhuận 8 - 12%/năm mà thực sự không có rủi ro nào thì còn ai gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi suất 7%/năm nữa?

Không chỉ ở Cocobay mà hàng loạt các dự án khác thì lợi nhuận cam kết cao ngất ngưởng luôn là “mồi nhử” hấp dẫn với khách hàng. Tại dự án Bavico (Nha Trang), nơi còn “lật kèo” trước Cocobay thì chủ đầu tư còn cam kết đến 15%/năm và chỉ trả được 1-2 năm đầu sau đó bội tín và “xù” luôn, thậm chí không có căn hộ để giao cho khách tự kinh doanh! Trên thị trường hiện chỉ còn một vài doanh nghiệp còn giữ được cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trên 10%/năm và các dự án mới hầu hết đã chuyển sang hình thức chia lãi suất theo doanh thu hoặc chỉ trên dưới 8%/năm.

PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM cảnh báo cần tính toán hạn chế việc “chạy đua” lãi suất cao tới 12-14%/năm trong đầu tư condotel: “Tôi cho rằng lãi suất trên 10-12%/năm chỉ là những dự án cực kỳ đắc địa, của những doanh nghiệp cực kỳ thành công. Còn những doanh nghiệp bình thường và những dự án không đặc biệt thì không thể nào đạt được mức cam kết đó và nhà đầu tư cần tỉnh táo trong những trường hợp này”.

Trên thực tế, dù được quảng bá rầm rộ và quy mô rất lớn nhưng Cocobay trong hai năm qua chỉ có lãi khoảng 5-6%/năm, bằng một nửa so với lãi cam kết trả cho khách hàng. Họ cũng đã lỗ gần 150 tỷ đồng và dự kiến còn tiếp tục lỗ cho nên khó có thể duy trì hứa hẹn với khách hàng. Tổng Giám đốc một công ty bất động sản lớn đang có 2 dự án nghỉ dưỡng ở Bình Thuận thừa nhận thị trường condotel đang “tiến thoái lưỡng nan” không chỉ vì pháp lý chưa rõ ràng mà thanh khoản hiện rất kém, chủ đầu tư khó chuyển đổi công năng còn khách hàng chọn phương án nào như ở Cocobay cũng không ổn.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay Bộ Xây dựng đã rất khẩn trương xác định các vấn đề vướng mắc, chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng “Đến hôm nay, đã có những nhà đầu tư gặp rủi ro trong đầu tư condotel. Đó là hậu quả của việc chúng ta chưa xác định rõ condotel là gì”!

Nếu như lỗi của chủ đầu tư là bất chấp để huy động vốn, khách hàng quá tin vào cam kết thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể vô can. Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đặt vấn đề: "Pháp lý condotel 3 năm nay chúng ta đã nói rồi, Thủ tướng chỉ đạo nhiều nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện pháp lý cho loại hình này. Cơ quan quản lý Nhà nước cần trả lời rõ hơn sao 3 năm rồi chưa làm được điều đó?". Giới kinh doanh bất động sản cho rằng Bộ Xây dựng sớm có thái độ hay quyết định rõ ràng về tính pháp lý của condotel thì thị trường này đã phát triển lành mạnh hơn trong mấy năm qua.

Hiện nay số lượng condotel “tồn kho” trên cả nước theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam không dưới 30.000 căn. Điều đó đồng nghĩa với ít nhất 30.000 tỷ đồng đang bị “chôn” vào thị trường này và với vụ việc Cocobay bùng phát thì tình hình sẽ khó sáng sủa hơn. Cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu các Bộ vẫn xem xét và nghiên cứu, một chính sách hay cơ chế pháp lý rõ ràng cho condotel càng chậm thì sự lãng phí khủng khiếp càng kéo dài, chưa kể liên lụy đến các ngành khác cùng nhiều hậu quả khó lường trước.

Phan Nguyễn

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Condotel