“Vị đắng”... mía đường
(NTD) - Còn chưa đầy 2 tháng nữa (kể từ ngày 1/1/2020), hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ chính thức được xóa bỏ (ATIGA chính thức có hiệu lực). Thế nhưng, ngành mía đường Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn đang loay hoay bài toán làm sao để hội nhập. Càng buồn hơn, phía cơ quan hữu quan và dư luận lại có những ngộ nhận rằng, ngành mía đường vẫn đang ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước...
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết, giá đường từ vụ 2018-2019 đã xuất hiện giá đáy mức 10 Uscent/lb vào thời điểm tháng 9/2018. Cho đến nay giá đường vẫn ở mức thấp và dao động quanh mức 12 Uscent/lb. Như vậy, sau khi đạt đỉnh mức 23 Uscent/lb vào tháng 8/2016, giá đường đã liên tục giảm và mức giá hiện nay thấp hơn giá thành sản xuất của bất kỳ quốc gia nào (vì Brazil là nước sản xuất giá thành thấp nhất là 16 Uscent/lb).
“Giá thấp như thế nhưng tại sao vẫn liên tục sản xuất thừa cung, trình độ sản xuất đường thế giới đã tiến bộ chăng?” - Ông Lộc đặt vấn đề.
Ngành mía đường Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn đang loay hoay bài toán làm sao để hội nhập.
Sự “méo mó” của thị trường đường thế giới
Lý giải hiện tượng này, ông Lộc cho rằng, hoàn toàn không phải trình độ sản xuất cải thiện mà là sự gia tăng can thiệp trợ giá của nhiều quốc gia đã làm biến dạng thị trường đường thế giới và đường đưa ra thị trường quốc tế với giá rẻ như thế chính là đường phá giá.
“Thị trường đường thế giới trong giai đoạn vừa qua thực sự không hoạt động theo quy luật cung cầu và cạnh tranh bình đẳng mà đã bị biến dạng bởi các sự can thiệp trợ giá đường của các Chính phủ đến mức gian lận thương mại khi vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế của tổ chức WTO, GATT và đây là một hiện tượng rất đặc biệt trong thời gian vừa qua, đến nỗi ngành đường thế giới đã phải gọi năm 2018 là ‘năm trợ giá’. Loại hình gian lận này càng làm cho giá đường thế giới không thể nào cải thiện” - ông Lộc nói.
Dẫn chứng, ông Lộc cho biết, hàng loạt vụ kiện đã được gửi lên WTO, như: Hồ sơ DS5073 Thailand (tháng 4/2016, Brazil kiện Thái Lan ra WTO); Hồ sơ DS5795 India (ngày 27/2/2019, Brazil kiện Ấn Độ ra WTO); Hồ sơ DS5806 India (ngày 27/2/2019, Australia kiện Ấn Độ ra WTO); Hồ sơ DS5817 India (ngày 15/3/2019, Guatemala kiện Ấn Độ ra WTO). Các quốc gia đứng đơn kiện đều là những quốc gia trong top xuất khẩu đường, chứng minh rằng dù là người đang xuất khẩu nhưng cũng không thể chịu nổi mức giá đường trên thị trường quốc tế có xuất xứ từ các biện pháp hỗ trợ đến mức biến dạng thị trường của các nước bị kiện.
Ông Lộc phân tích thêm: “Sự méo mó của thị trường đường thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường Việt Nam, cùng với lượng đường nhập lậu theo thống kê lên tới khoảng 800.000 tấn/năm, đã khiến ngành đường Việt Nam khó càng thêm khó. Khiến dư luận và cả xã hội ngộ nhận rằng, ngành mía đường vẫn đang ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước”.
Trong khi đó, nhận định về ngành mía đường Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, so với các nước trong khối ASEAN đã hội nhập ATIGA, ngành mía đường Việt Nam không hề kém cạnh. Cụ thể, trong khối này có 4 quốc gia sản xuất mía đường gồm: Thái Lan, Philippine, Indonesia và Việt Nam. Ngoài ngành đường Thái Lan với bản chất “gian lận thương mại quốc tế” dựa trên trợ cấp của chính phủ, tương quan giữa ngành đường Việt Nam và ngành đường hai quốc gia còn lại - đã gia nhập ATIGA từ 2015 - là Philippine và Indonesia, nếu so sánh trên các khía cạnh (trình độ sản xuất và vai trò của ngành mía đường; về trình độ sản xuất và vai trò của ngành mía đường; về giá mía và giá đường), đều có tương quan không kém.
Vai trò của VSSA ở đâu?
Với vai trò là hiệp hội của ngành mía đường Việt Nam, thế nhưng, thời gian qua vai trò của VSSA khá mờ nhạt.
Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch VSSA cho biết: “Đây là năm đầu tiên kể từ chương trình 1 triệu tấn đường ra đời, hội nghị tổng kết ngành mía đường mới diễn ra muộn như thế. Đâu phải chúng tôi không muốn tổ chức sớm, đúng lý ra từ hồi tháng 9, chúng tôi đã kêu gọi các thành viên gửi số liệu tổng kết về để tiến hành chuẩn bị hội nghị, nhưng rất ít thành viên gửi về. Ngoài ra trong một thời gian rất dài, rất nhiều đơn vị thành viên hiệp hội đã không gửi báo cáo tồn kho đường cho hiệp hội với lý do là giữ bí mật kinh doanh... Rồi đến hôm nay, khi hội nghị chính thức diễn ra, cũng chỉ có 27 thành viên về dự (tổng cộng 50 thành viên), chỉ hơn quá bán một ít”.
Còn ông Nguyễn Văn Lộc thì dẫn chứng thêm: “Hiệp hội là một thành viên của Liên minh Đường ASEAN (liên minh ASA). Tuy nhiên, ngày 17/6/2019, Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Mía đường Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Điều rất đáng tiếc là sự kiện này đã diễn ra mà không thông qua Ban chấp hành Hiệp hội Mía Đường Việt Nam”.
“Lẽ ra đây là một diễn đàn để hiệp hội trình bày về tác hại của gian lận thương mại đường từ Thái Lan, thành viên sáng lập của liên minh này, đến quyền được sản xuất mía đường một cách công bằng trên khuôn khổ các quy định thương mại quốc tế của WTO và ATIGA, đến sự sống còn của ngành đường Việt Nam, trong đó có hàng triệu nông dân trồng mía” - ông Lộc nói.
Có lẽ vai trò của VSSA khá mờ nhạt, nên sự phối hợp của tổ chức này với các thành viên khá lỏng lẻo. Điều này được ông Lộc lý giải qua các hoạt động vi phạm của thành viên hiệp hội. Chẳng hạn như: Ngay từ đầu niên vụ 2018-2019, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lý do chống đường nhập lậu nhiều thành viên hiệp hội đã thông báo bán phá giá đường, dưới giá thành sản xuất. Giá bán đường tuy thấp nhưng trong thời gian dài cũng không bán được, nhiều doanh nghiệp thành viên nợ cả tiền mía nông dân.
“Các hoạt động như vậy là không phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 10. Nghĩa vụ hội viên của Điều lệ hiệp hội đã quy định: Không làm xấu môi trường cạnh tranh, gây tổn thất cho hiệp hội hoặc cho các hội viên như: Bán phá giá, lôi kéo khách hàng của nhau, thiếu trung thực, mua phá giá, độc quyền đầu cơ thương mại” - ông Lộc nói.
Quyền Tổng Thư ký VSSA cũng thừa nhận, hiệp hội chưa có giải pháp bảo đảm được sinh kế cho người nông dân trồng mía, có nghĩa là chưa có giải pháp bền vững cho sự tồn tại và phát triển của ngành.
Cũng theo ông Lộc thì nguồn gốc đường nhập lậu vào Việt Nam là đường phá giá xuất phát từ hành vi gian lận thương mại quốc tế của Thái Lan. Rất tiếc là do thiếu thông tin, bản chất gian lận này đã không được hiệp hội nhận diện chính xác và kịp thời, dẫn nhận định rằng trình độ ngành đường Việt Nam sản xuất yếu kém nên giá luôn cao hơn giá thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp của ngành đường Việt Nam đã chọn giải pháp giảm giá đường - giảm giá mía để cạnh tranh với đường nhập lậu. Thực tế đến nay cho thấy giải pháp đó chẳng khác nào hành động tự sát khi dồn người nông dân trồng mía vào con đường phá sản, đành phải bỏ cây mía và đến lượt nhà máy không có mía đành phải đóng cửa. Một hệ quả khác của thông tin sai lệch về bản chất của đường nhập lậu đã khiến cả xã hội xem việc kinh doanh đường lậu là hoạt động bình thường, không hề nhận ra rằng đó là hành vi phạm pháp ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân trồng mía.
Ngoài ra, ông Lộc cũng cho rằng, VSSA còn có thiếu sót là quá ỷ lại vào các cơ quan Nhà nước, mà không có các nỗ lực tự thân nhằm tổ chức hệ thống kiểm soát chống hệ thống đường nhập lậu với trọng tâm là hệ thống thương mại phân phối là nơi cung cấp đầu ra cho đường lậu, đặc biệt tại các thành phố lớn đã hoàn toàn bị bỏ quên, mặc dù đây là nơi tiêu thụ chính của đường nhập lậu khối lượng lớn...
Một góc nhà máy chế biến mía đường.
Giải pháp nào để ngành mía đường “hòa nhập” với ATIGA?
Trong bối cảnh thực hiện cam kết ATIGA từ 1/1/2020, Nhà nước đã yêu cầu phải tăng cường liên kết giữa người trồng mía và các nhà máy chế biến như là điều kiện tiên quyết để Nhà nước tiếp tục hỗ trợ ngành đường. Vì vậy, VSSA đề xuất việc thiết lập hệ thống chia sẻ giữa nông dân trồng mía và nhà máy để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành mía đường Việt Nam. Tỷ lệ chia sẻ mía/đường nằm trong khoảng 65/35 đến 70/30.
Đồng thời, VSSA cũng đề xuất thành lập hệ thống truy xuất xuất xứ mặt hàng đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code hoặc chip nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.
Về phía các nhà máy, cần bổ sung sản phẩm đường đóng gói bao bì nhỏ (0,5-1kg), cùng với hệ thống phân phối nhằm giảm hiện tượng các tiểu thương thực hiện sang chiết đóng gói, là đầu ra cho đường nhập lậu. Tất cả đường tiêu thụ trực tiếp phải là đường có thương hiệu, có thể truy xuất xuất xứ. Đặc biệt, thiết lập hệ thống kiểm soát đường nhập lậu với bộ máy và ngân sách thích đáng. Ngân sách dựa trên đóng góp với mức 5 đồng/kg đường.
Ngoài ra, cần xây dựng quan hệ hợp tác với ngành đường Philippine và Indonesia để học hỏi các kinh nghiệm hội nhập và tranh thủ sự ủng hộ. Dùng Liên minh Đường ASEAN (liên minh ASA) như một diễn đàn để bảo vệ quyền lợi cho nông dân và ngành đường Việt Nam.
“Thành lập một cơ chế tham vấn dạng ủy ban với đại diện nhiều bên từ các bộ có liên quan, Hiệp hội Mía Đường, Hội nông dân trồng mía, viện nghiên cứu...nhằm đưa ra các tham vấn khách quan về cân đối cung cầu đường, khuyến cáo các mức giá hợp lý nhằm bảo đảm thu nhập cho người sản xuất đường và công bằng cho người tiêu thụ. Ủy ban này hằng năm tính toán và khuyến cáo giá mua mía nông dân đủ giá thành cộng thêm tối thiểu 10% nhưng không cao hơn giá mua mía nông dân trong khu vực; tính toán và khuyến cáo giá thành đường theo tỷ lệ mía/đường là 70/30%...” - ông Nguyễn Văn Lộc đề xuất.
Trong khi đó, về góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hùng Dương, đại diện một doanh nghiệp thành viên của VSSA, kiến nghị: “Sau khi bỏ hạn ngạch, nếu cho phép nhập đường trắng thì các nhà máy đều chết, nhập đường thô thì nhập thế nào để cứu được nhà máy, cứu được nông dân mà không trái thông lệ hội nhập? Theo tôi, giải pháp trước mắt là áp dụng hạn ngạch nội địa như cách Indonesia và Philippine đã áp dụng thành công. Với cách áp dụng hạn ngạch nội địa, cả Indonesia và Philippine vẫn bảo đảm được việc giữ mặt bằng giá mía hợp lý để bảo vệ người nông dân và ngành đường trong nước”.
“Về lâu dài, cần hỗ trợ cho nông dân 50% lãi suất đối với việc đầu tư cơ giới, đầu tư ruộng mía...” - ông Dương nói.
Còn ông Đặng Việt Anh, đại diện CTCP Mía đường Tuy Hòa cho rằng, vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay đó là nhận định, đánh giá về ngành mía đường Việt Nam sai một cách trầm trọng. Khi đánh giá về ngành công nghiệp mía đường Việt Nam, các nhà lãnh đạo thường cho rằng sản xuất lạc hậu, giá thành cao... không đủ sức cạnh tranh với đường của khu vực và thế giới. Theo ông Đặng Việt Anh, trong lĩnh vực nông nghiệp hiếm có ngành nào có bước phát triển nhanh và mạnh như ngành mía đường trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 10 năm từ một ngành sản xuất thủ công là chủ yếu thì hiện nay ngành mía đường Việt Nam đã tiếp cận được với trình độ sản xuất công nghiệp của khu vực và thế giới. Vì vậy, ngành mía đường cần được đánh giá đúng đắn hơn.
Ông Đặng Việt Anh cũng cho biết thêm: “Cần áp dụng hạn ngạch nội địa cho việc đưa đường nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, phải đưa vào kho dự trữ, cấp giấy phép đưa vào tiêu thụ. Trong tình hình cấp bách về tài chính, cần cho các nhà máy đường vay, tạo điều kiện cho nông dân vay sản xuất mía. Mua cây mía chỉ cần ổn định 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/tấn là bảo đảm ngành mía đường ổn định”.
“Hiệp hội hoàn toàn không có hệ thống tổ chức giám sát và ngân sách cho hoạt động chống buôn lậu. Trong lịch sử gian lận thương mại đường nhập lậu suốt 20 năm, chỉ mới có duy nhất một trường hợp trùm buôn lậu “Tỷ Đường” bị bắt, còn chưa hề có một đơn vị phân phối thương mại đường nào bị nhắc nhở cảnh cáo. Chưa kể, có dấu hiệu cho thấy có sự tiếp tay của một số đơn vị thương mại đường là thành viên hiệp hội với các tổ chức cá nhân thực hiện hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu thông qua thực hiện giao dịch, cung cấp hóa đơn hợp pháp hóa.
Theo ông Lộc thì một số dấu hiệu khác cho thấy có thể có một số công chức đã có hành vi tiếp tay bảo kê cho các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu tại các thị trường chính, các thành phố lớn khi tất cả các đợt kiểm tra của quản lý thị trường, của công an kinh tế đã được chính các đối tượng gian lận thương mại tại các khu vực này thông báo trước...
An Nhiên
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : mía đường