Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD trong năm 2020
(NTD) - Năm 2020, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 dự kiến đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,5% so với năm 2018, xuất siêu 16,6 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Theo đó, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 42 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.
Các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) khả năng sẽ có hiệu lực trong năm 2020, sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng hiệu quả khi thuế suất giảm dần về 0%.
Đồng thời, quy tắc xuất xứ từ sợi (CPTPP) và từ vải (EVFTA) sẽ thu hút đầu tư vào các khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam như dệt, nhuộm. Xung đột thương mại Mỹ-Trung cũng có thể tạo ra xu hướng các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, để được hưởng lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải tập trung phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là vấn đề không dễ giải quyết vì hiện nay Việt Nam nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu. Trong đó khoảng 55% từ Trung Quốc, 16% từ Hàn Quốc, 12% từ Đài Loan, 6% từ Nhật Bản.
Ngoài ra, hàng dệt may Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Pakistan… Các nước này coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh và có chính sách hỗ trợ dệt may nước mình phát triển.
Một khó khăn đáng kể khác là Mỹ áp thuế cao với hàng dệt may Trung Quốc, khiến xuất hiện xu hướng giạn lận xuất xứ của các doanh nghiêp Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là nguy cơ để Mỹ có thể truy xuất nguồn gốc, đánh thuế chống lẩn tránh đối với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, nếu không kiểm soát tốt, những thiết bị, công nghệ lạc hậu đang sản xuất tại Trung Quốc sẽ di chuyển sang Việt Nam…
Trong năm 2020, để tận dụng tốt cơ hội, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, trong nước và đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng miền. Các doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm cần chú trọng khâu chuyển giao công nghệ, lồng ghép chương trình đào tạo nhân lực về quản lý kỹ thuật, công nghệ khi ký hợp đồng mua máy móc, thiết bị.
Hoàng Yến
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Ngành dệt may, xuất khẩu