Bộ Công Thương và doanh nghiệp chung tay bình ổn thị trường thịt lợn

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá thịt lợn liên tục neo ở mức cao như thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối bình ổn giá cả mặt hàng này.  

Nguồn cung giảm gần 600.000 tấn so với năm ngoái

Tại cuộc họp tổng kết Tổ Điều hành thị trường trong nước năm 2019 diễn ra ngày 26/12, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, trong tháng 4,5,6,8, lượng lợn bệnh bị tiêu hủy rất lớn, ảnh hưởng nguồn cung trong nước. Năm nay, dự kiến sản lượng lợn vào khoảng 3,3 triệu tấn, giảm gần 600.000 tấn so với năm ngoái. Để bù đắp nguồn cung, nhiều giải pháp bổ sung nguồn thực phẩm đã được triển khai. Dự kiến, tổng nguồn thực phẩm các loại khác như thịt bò, thịt gà, cá… năm nay tăng khoảng 723.000 tấn, góp phần bù đắp một phần thịt lợn thiếu hụt.

bo cong thuong va doanh nghiep bat tay binh on thi truong thit lon
 

Về phía các địa phương, bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin, trước đây thành phố tiêu thụ một ngày khoảng 10.000 con lợn, tương đương 750 tấn, nhưng do thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao nên lượng tiêu thụ hiện giảm khoảng 30%.

“Vừa qua, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các địa phương và thông tin thực tế cho thấy số đàn heo giảm nhiều hơn so với con số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Cụ thể, Đồng Nai giảm khoảng 34%; Đồng Tháp giảm khoảng 47%; Long An, Tiền Giang, Bến Tre giảm khoảng 40 - 42%... Từ số thiệt hại sản lượng tiêu hủy cộng với việc không tái đàn được, có thể thấy, tổng đàn heo đưa ra thị trường cung cấp cho toàn miền Nam giảm khoảng 50% so với đầu năm 2019” – bà Nguyễn Huỳnh Trang cho hay.

Không chỉ thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tháng 12 đã tăng gấp gần 3 lần so với tháng 3. Nếu như trước đó, giá thịt lợn hơi dao động 30 – 32.000 đồng/kg thì hiện nay, giá thịt lợn hơi Công ty C.P công bố đã lên đến 83.000 đồng/kg, nhưng thực tế không mua được mà chỉ mua được với giá 90 – 93.000 đồng/kg.

“Với tình hình cung cầu như hiện nay, nếu chủ quan thì khả năng thiếu thịt dịp Tết sắp tới là rất cao. Vì hiện nay, nguồn cung đáp ứng được song từ 23 tháng Chạp đến hết Tết, nhu cầu thịt heo sẽ tăng gần gấp đôi, tính chung 7 ngày Tết cần đến hơn 100.000 tấn thịt heo” – bà Trang nhấn mạnh.

bo cong thuong va doanh nghiep bat tay binh on thi truong thit lon
Nhu cầu thịt lợn tăng cao trong dịp Tết

Để bù đắp nguồn cung thiếu hụt, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng thay đổi thói quen theo hướng sử dụng thêm các nguồn thực phẩm thay thế hoặc nguồn thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh. Bên cạnh đó, tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã nhập khẩu hơn 13.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 100% so với năm 2018. DN cũng cam kết nhập khẩu thêm mặt hàng này. Song nếu giữ nguyên giá nhập khẩu thịt, cộng với thuế và chi phí đưa ra thị trường sẽ khiến giá thịt nhập khẩu (đông lạnh) cao tương đương với thịt nóng và người tiêu dùng sẽ khó chọn mua. Do đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề xuất nên có cơ chế miễn, hoặc giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt lợn dịp cao điểm để tạo sức cạnh tranh.

Về phía Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước khi dịch tả châu Phi diễn ra, Hà Nội có tổng đàn lợn lên đến 1,8 triệu con, sau này tiêu hủy khoảng 30% tổng đàn. Hiện Hà Nội đã tái đàn 300.000 con.

Trong tháng Tết, nhu cầu của Hà Nội dự kiến vào khoảng 22.300 tấn thịt lợn, trong đó thành phố đáp ứng trên 60%, còn lại thu mua từ các địa phương khác.

Bà Lan thẳng thắn cho biết, thời gian qua, nguồn cung chưa xác định chuẩn nên việc nhập khẩu thịt lợn còn lơ là. Đến nay, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định nguồn cung rõ ràng rồi thì phải lên kế hoạch nhập khẩu để bù đắp. Trách nhiệm nhập khẩu này phải đặt lên vai từng doanh nghiệp (DN) nhập khẩu.

“Ngành nông nghiệp vẫn nói giá lợn hơi chỉ 40 – 42.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi. Vậy tại sao DN chăn nuôi lại đẩy giá lên 90 – 93.000 đồng/kg như hiện nay? Rõ ràng ở đây có thể có tình trạng một số DN găm hàng, bán ra cầm chừng. Cho nên phải kiểm tra xem việc đó có hay không? Nếu có phải xử lý để giảm giá thành?” – bà Lan thẳng thắn.

Doanh nghiệp tích cực vào cuộc

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường thịt lợn trong bối cảnh giá lên cao, nhiều DN phân phối đang bắt tay cùng Bộ Công Thương để ổn định giá cả, điều tiết cung cầu mặt hàng thịt lợn. Ông Trần Quốc Việt – Giám đốc miền Bắc Saigon Co.op cho biết, hiện các điểm bán của Saigon Coop đang kinh doanh thịt tươi, thịt mát thông qua các nhà phân phối như CP, Meat Deli… và thịt đông lạnh nhập khẩu từ Đức, Ba Lan, Mỹ. Saigon Coop cũng đồng thời sơ chế hoặc chế biến sẵn để giúp người nội trợ tiện lợi trong sử dụng, từ đó tăng lượng mua từ siêu thị.

“Thời gian qua, Saigon Coop đã giảm lợi nhuận xuống mức thấp nhất để đảm bảo có mức giá tốt cho người tiêu dùng, đồng thời đồng hành cùng Bộ Công Thương trong việc ổn định cung cầu mặt hàng thịt lợn. So sánh với các nhà bán lẻ khác, hiện Saigon Coop đang bán thịt ba rọi với giá thấp hơn 20%; sườn non thấp hơn 8%; thăn thấp hơn 7%; xương đùi thấp hơn 25%; xương ống thấp hơn 35%...” – ông Việt nói. Đồng thời chia sẻ, người dân nước ta hiện nay vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng, ít sử dụng thịt mát và thịt đông lạnh nên các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thấy được hiệu quả khi sử dụng loại thịt này, từ đó tăng tiêu thụ.

Bà Phạm Thùy Linh – Giám đốc Tài chính Tập đoàn Central Retail, chủ chuỗi siêu thị Big C chia sẻ thêm, thời gian qua, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp nguồn thịt lợn đầu vào để đảm bảo nguồn hàng. Đồng thời tiếp tục triển khai chương trình giá tốt với 7.000 mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt lợn. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm trong tháng Tết, Big C sẽ không tăng giá mặt hàng này.

“Do chúng tôi thuần túy kinh doanh thương mại nên nguồn đầu vào phụ thuộc chăn nuôi sản xuất. Cho nên giải pháp hiện nay là cần tái đàn nhanh nhất, nhập khẩu nhiều hơn để đảm bảo nguồn hàng” – bà Linh đề xuất.

bo cong thuong va doanh nghiep bat tay binh on thi truong thit lon
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các Bộ ngành, DN chung tay để bình ổn thị trường thịt lợn

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước khẳng định, từ nay đến Tết nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn, khiến giá lên cao như hiện nay. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã giao từ nay đến hết quý I, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với DN nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Đồng thời giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế để đảm bảo giá cả sản phẩm nhập khẩu, không chỉ trong dịp Tết mà còn sau Tết.

Thịt lợn là mặt hàng chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân nên lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm. Do đó Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tất cả phải chung tay, đồng bộ từ cơ quan, Bộ ngành cho đến DN để cùng đưa ra các biện pháp bền vững và căn cơ nhất như tái đàn, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh... “Những việc có thể làm luôn là các DN cần đẩy mạnh nhập khẩu, tăng cường đưa hàng ra thị trường để tạo tính cạnh tranh, từ đó giảm giá” – Thứ trưởng khẳng định và cũng yêu cầu Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp tìm kiếm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ để giới thiệu về cho DN trong nước nhập khẩu.

Theo Phương Lan (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Bộ Công Thương, bình ổn thị trường, thịt lợn