Doanh nghiệp sữa chuyển mình trước sức ép cạnh tranh

Với doanh thu dự báo có thể đạt hàng tỷ USD, thị trường sữa cho trẻ em đang thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ đó tạo nên áp lực cạnh tranh buộc doanh nghiệp liên tục cho ra mắt sản phẩm mới hoặc tìm hướng liên doanh, liên kết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo phân tích của GS-TS-BS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, hệ tiêu hoá đóng vai trò quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ nhỏ, giúp hấp thu các dưỡng chất thiết yếu, từ đó giúp trẻ phát triển trí tuệ và chiều cao vượt trội. Tuy nhiên, trong những năm đầu đời, hệ tiêu hoá của trẻ chưa trưởng thành, thường gặp những vấn đề như táo bón, đầy hơi, khó tiêu và hấp thụ kém. Do đó, việc chăm sóc cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân.

doanh nghiep sua chuyen minh truoc suc ep canh tranh

Xuất phát từ nhu cầu này, phân khúc sữa cho trẻ nhỏ đã được các doanh nghiệp (DN) ngành sữa chú trọng khai thác. Cụ thể, hàng loạt các tên tuổi trong ngành sữa trên thế giới như Abbott, FrieslandCampina, Mead Johnson, Nestle... đều đã có mặt; trong nước cũng có nhiều thương hiệu như Vinamilk, Nutifood.

Việc có nhiều thương hiệu cùng tham gia thị trường đã khiến DN sữa phải cạnh tranh hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa Singapore, Nhật Bản, EU… sẽ giảm về mức 0%. Như vậy, các công ty sữa nước ngoài sẽ tính đường tiến vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sữa đã tìm hướng liên doanh, liên kết để phát triển những sản phẩm sữa mới, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, đầu năm 2019, Tập đoàn Asahi - thương hiệu thức ăn trẻ em số 1 tại Nhật Bản hợp tác với Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood thành lập liên doanh hợp tác để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Sau NutiFood, trong tháng 11/2019, Vinamilk đã công bố sản phẩm mới, Vinamilk Yoko Gold bổ sung các thành phần có nguồn gốc từ Nhật Bản là chất xơ GOS, Taurin và Canxi và có sự đồng hành của các chuyên gia từ Nhật Bản…

Cùng với việc liên doanh, liên kết, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - cho hay, để cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, các doanh nghiệp ngành sữa đã có sự chuẩn bị hội nhập cách đây 5 năm.

Theo đó, các nhà máy được đầu tư hiện đại để luôn tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Ngoài đầu tư dây chuyền, máy móc, với lợi thế am hiểu thị trường, nhiều đơn vị đã không ngừng nghiên cứu để đưa ra những loại sữa mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Các báo cáo từ Hiệp hội Sữa Việt Nam đã chỉ ra rằng, những doanh nghiệp đầu đàn trong ngành sữa đã “mạnh tay” đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất và chủ động xây dựng vùng nguyên liệu khi đầu tư vào các trang trại nuôi bò sữa quy mô lớn, nhập thêm các giống bò tốt từ Mỹ, Úc…

Những đầu tư nói trên đã giúp doanh nghiệp sữa nội có sự chuyển mình tích cực. Theo dữ liệu trong báo cáo mới nhất được cung cấp bởi Công ty TNHH Nielsen Việt Nam, Vinamilk hiện đang đứng đầu thị trường trong nước về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra của cả ngành hàng sữa nước và sữa bột trẻ em trong 12 tháng liên tiếp tính từ tháng 3/2018 đến tháng 2/2019.

Ông Phan Minh Tiên - Giám đốc Điều hành của Vinamilk - chia sẻ, để duy trì được thành công như vậy, trong nhiều năm qua, Vinamilk luôn nỗ lực cải tiến công nghệ cũng như tiên phong với các xu hướng dinh dưỡng tiên tiến như Organic, A2… Đặc biệt, Vinamilk còn luôn nỗ lực tìm hiểu những mối quan tâm lo lắng của các bà mẹ nuôi con nhỏ tại Việt Nam và đưa ra những giải pháp dinh dưỡng thông minh và hiệu quả trong từng sản phẩm để hỗ trợ họ trong quá trình chăm sóc trẻ.

Có thể thấy, chính sức ép cạnh tranh đã buộc DN ngành sữa phải chuyển mình, từ đó giúp cho thị trường có những sản phẩm chất lượng hơn, giá cả cạnh tranh hơn.

Mai Ca

Từ khóa : Doanh nghiệp sữa, sức ép cạnh tranh