Tăng trưởng ổn định, thị trường trong nước đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước

Tăng trưởng đến gần 12% trong năm 2020, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục khẳng định là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019, thị trường hàng hóa có khá nhiều biến động ở một số mặt hàng thiết yếu. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết khá bình ổn. Nguồn cung hàng hóa được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt nên khá dồi dào, đa dạng. Chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai tốt nên giá hàng hóa không có biến động lớn.

tang truong on dinh thi truong trong nuoc dong gop tich cuc cho su phat trien kinh te dat nuoc
Hàng hóa dồi dào, thị trường trong nước tăng trưởng ổn định

Trong giai đoạn cuối Quý I và Quý II, sau khi giá điện được điều chỉnh tăng, giá xăng dầu đã được Liên Bộ Công Thương - Tài chính nỗ lực giữ bình ổn thông qua việc sử dụng Quỹ Bình ổn nhằm hạn chế tác động cộng hưởng cho thị trường hàng hóa chung nên về cơ bản lạm phát được kiểm soát.

Từ Quý III, thị trường nhóm hàng năng lượng ổn định hơn nhưng thị trường nhóm hàng thực phẩm bắt đầu biến động mạnh do mất cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn.

Đối với nhóm hàng năng lượng, ông Đông cho biết, cung cầu mặt hàng này luôn được bảo đảm, mặc dù trong một số giai đoạn nguồn cung mặt hàng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bị gián đoạn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất để sửa chữa, bảo dưỡng.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và tinh thần trách nhiệm của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn, nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống cho thị trường trong nước luôn được bảo đảm. Giá xăng dầu cơ bản được điều hành theo xu hướng biến động của giá thế giới nhưng có những điều chỉnh linh hoạt bằng công cụ Quỹ Bình ổn giá để hạn chế tác động xấu đến mặt bằng giá hàng hóa chung.

Đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, về cơ bản cung cầu, giá cả nhóm hàng nông sản thực phẩm không có biến động lớn, thị trường các mặt hàng này chịu tác động của mùa vụ nhưng đã được hạn chế nhiều, không còn hiện tượng giá giảm sâu, khó tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ.

Với mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên giai đoạn đầu năm giá giảm mạnh trước việc người chăn nuôi bán chạy dịch, người tiêu dùng lo ngại chất lượng nên không sử dụng; đến cuối năm, dịch bệnh đã được kiểm soát hơn nhưng lượng tiêu hủy lớn và tái đàn khó khăn, nguồn cung giảm mạnh nên giá liên tục tăng.

Trước tình trạng đó, Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều biện pháp xử lý để bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường nhưng do nguồn cung thiết hụt và khó bù đắp bằng nguồn nhập khẩu nên giá khó giảm, hiện vẫn ở mức cao và bắt đầu ảnh hưởng đến một số nhóm hàng thực phẩm khác vào dịp cuối năm.

Đối với nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nguồn cung các mặt hàng này khá tốt luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá chủ yếu tăng đối với một số mặt hàng do chi phí đầu vào như điện, than, giá nguyên liệu tăng nhưng mức tăng không quá lớn.

Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2019 đạt khoảng 4.940.403 tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018, đạt mục tiêu Quốc hội giao (tăng 11,5 – 12%/năm).

Theo Dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong thời gian tới, vào dịp gần Tết Nguyên đán 2020, nhu cầu hàng hóa đặc biệt tăng cao, thu nhập người dân tăng nên sức mua hàng hóa tăng, nguồn cung các mặt hàng đã được các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, do nguồn cung thiếu hụt từ trước nên mặt bằng giá đã tăng cao và có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ vào dịp cận Tết. cơ bản nguồn cung cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ Tết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cung cầu hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán 2020 nhìn chung ổn định, dồi dào, không có tăng giá đột biến và không thiếu. Đây là nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có tinh thần trách nhiệm trong vấn đề này.

"Thịt lợn là mặt hàng chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân nên lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm" - Thứ trưởng khẳng định và đề nghị tất cả phải chung tay, đồng bộ từ cơ quan Chính phủ cho đến doanh nghiệp để cùng đưa ra các biện pháp bền vững và căn cơ nhất như vấn đề tái đàn, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh... Thứ trưởng cũng yêu cầu Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp tìm kiếm nguồn hàng hợp lý, giá rể để giới thiệu về cho doanh nghiệp trong nước nhập khẩu. Bằng mọi giá đảm bảo cung cầu mặt hàng này, không để thiếu hàng sốt giá ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Tăng trưởng ổn định, thị trường trong nước, phát triển kinh tế đất nước