Vì sao vàng trang sức tăng trưởng cao?
Với mức tăng trưởng kép 10% mỗi năm cùng với nhu cầu tích lũy vàng miếng đang dần nhường chỗ cho vàng trang sức, nhiều dự báo cho rằng trong tương lai thị trường vàng trang sức Việt Nam sẽ còn dư địa tăng trưởng lớn
Đánh giá về thị trường trang sức Việt Nam, đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dư địa tăng trưởng của thị trường vàng trang sức Việt Nam còn rất lớn khi nhu cầu tích lũy vàng miếng đang dần nhường chỗ cho vàng trang sức. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu - giàu có đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam (ước tính chiếm 1/3 dân số vào năm 2020), đây là những người tiêu dùng có tư duy hiện đại, nhu cầu thể hiện bản thân cao và là đối tượng khách hàng của các chuỗi bán lẻ trang sức thời trang.
Thu nhập của người Việt ngày càng tăng cao dẫn đến nhu cầu mua sắm vàng trang sức càng lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vàng trang sức |
Thực tế cho thấy, trong mấy năm trở lại đây, nhận thấy thị trường vàng trang sức tăng trưởng tốt nên các doanh nghiệp ngành này đã không ngừng mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đơn cử như Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã liên tục mở trên 30 cửa hàng trong năm 2019. Tính đến cuối năm 2019 doanh nghiệp này có tới 353 cửa hàng, phủ rộng trên khắp cả nước.
Các doanh nghiệp khác như SJC hiện có 50 cửa hàng, Doji có khoảng 47, còn Công ty Bến Thành - Precita đạt con số 15 cửa hàng…
Dù mới tham gia vào thị trường này hơn 4 năm nhưng Công ty CP Vàng bạc đá quý Lộc Phúc (Lộc Phúc Fine Jewelry) cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng khi kết thúc năm 2019 có 8 cửa hàng. Doanh nghiệp này còn đạt mức tăng trưởng 50% về doanh thu và 63% về số lượng đơn hàng bán ra so với năm 2018.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Vũ Hoàng Nguyên - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Lộc Phúc Fine Jewelry - cho biết, do thị trường tăng trưởng khá nên trong năm 2020, ngoài mở thêm một số cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Lộc Phúc Fine Jewelry sẽ mở thêm ít nhất 8 cửa hàng đơn lẻ có quy mô lớn ở các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, ông lớn PNJ cũng đã có kế hoạch sẽ mở nhiều cửa hàng tại các vùng ngoài TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là miền Bắc. Hầu hết cửa hàng mới sẽ là cửa hàng đơn lẻ, có doanh thu trung bình và trải nghiệm khách hàng tốt hơn cửa hàng trong trung tâm thương mại.
Theo đánh giá của Công ty CP chứng khoán Rồng Việt, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng nhìn chung thị trường vàng trang sức vẫn còn phân mảnh, các chuỗi cửa hàng có đầu tư bài bản chỉ tập trung vào những thương hiệu lớn, số còn lại vẫn hoạt động theo hình thức kinh doanh cửa hàng truyền thống.
Cụ thể, trong các doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Việt Nam, PNJ đã đón đầu được xu hướng tiêu dùng trang sức ngày càng tăng lên trong giới trẻ và giảm thiểu được ảnh hưởng từ các quy định hạn chế vàng miếng của Chính phủ. Đến nay, PNJ đã trở thành nhà bán lẻ trang sức thời trang dẫn đầu cả nước với 30% thị phần và số cửa hàng hiện vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, năm 2019, doanh nghiệp này bắt đầu vận hành hệ thống ERP mới, dự kiến khi quản trị chuỗi được củng cố bởi hệ thống ERP mới, triển vọng của PNJ sẽ tiếp tục tích cực.
Những doanh nghiệp còn lại như Lộc Phúc Fine Jewelry, Doji… cũng đang vận hành theo chuỗi và có những thành công nhất định.
Mặc dù vậy, để thị trường vàng trang sức phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp thì ngay tại các trung tâm thương mại cũng nên có sự phân bổ diện tích hợp lý hơn. Cụ thể kinh doanh vàng trang sức cần được các nhà vận hành trung tâm thương mại coi là một lĩnh vực bán lẻ như các ngành thời trang khác, thay vì chỉ có một diện tích nhỏ như hiện nay, bởi lĩnh vực này có mức tăng trưởng và doanh thu tương đối lớn.
Từ khóa : vàng trang sức, tăng trưởng cao