Chàng trai bán giày nhái trở thành ông chủ công ty nối tóc giả đầu tiên được Silicon Valley đầu tư, định giá tới 100 triệu USD

Tính đến năm 2019, Mayvenn đã gọi vốn được tổng cộng 36 triệu USD từ những nhà đầu tư quyền lực như Andreessen Horowitz hay những người nổi tiếng như Serena William. Đây là startup duy nhất về tóc nối ở Mỹ được đầu tư mạo hiểm và được định giá đến 100 triệu USD.

Lo lắng và áp lực là những gì anh Diishan Imira cảm thấy khi phải giới thiệu startup của mình cho các nhà đầu tư Thung lũng Silicon vào năm 2013. Doanh nghiệp của anh chuyên cung cấp tóc nối cho phụ nữ da màu ở Mỹ và công việc kinh doanh này cần thêm vốn đầu tư.

"Việc cố gắng giải thích về công việc kinh doanh tóc giả trong cộng đồng người da đen với những nhà đầu tư da trắng thật áp lực", anh Imira thú nhận.

Thông thường, phụ nữ da màu tại các quốc gia Phương Tây thường có tóc xoăn hoặc chất tóc không phù hợp với những kiểu tạo hình thời thượng. Bởi vậy, họ thường xuyên gắn thêm tóc giả và đây trở thành mặt hàng thời trang cực kỳ hút hàng trong cộng đồng chị em da màu.

Anh Diishan Imira

Cho đến năm 2013, Imira cùng người hợp tác, Taylor Wang đã gây dựng công ty của họ với khoản vốn đầu tư tự có 48.000 USD, một phần trong số đó đến từ vay mượn gia đình cùng bạn bè. Dẫu vậy họ cũng cần thêm vốn đầu tư và Imira cho rằng Thung lũng Silicon là địa điểm tuyệt vời để kêu gọi nguồn vốn. Không khiến Imira thất vọng, một số nhà đầu tư tại đây đã hứng thú với mảng kinh doanh còn khá mới mẻ này.

Tính đến năm 2019, Mayvenn đã gọi vốn được tổng cộng 36 triệu USD từ những nhà đầu tư quyền lực như Andreessen Horowitz hay những người nổi tiếng như Serena William. Đây là startup duy nhất về tóc nối ở Mỹ được đầu tư mạo hiểm và được định giá đến 100 triệu USD.

 

Thị trường 6 tỷ USD

Có trụ sở tại Oakland-bang California, Mayvenn kết nối với rất nhiều chuyên gia thời trang, làm đẹp hay các thợ làm tóc ở các salon. Họ vừa thực hiện công việc chính của mình nhưng cũng trở thành nhân viên kinh doanh cho Mayvenn khi tư vấn về tóc giả.

"Cách chúng tôi xây dựng mô hình kinh doanh khá đơn giản", anh Imira thừa nhận.

Mayvenn kết nối với thợ làm tóc, chuyên gia trang điểm để bán hàng, qua đó trích phần trăm cho họ. Việc ký kết có thể thực hiện đơn giản qua một trang web với đầy đủ thông tin, chất lượng, giá cả những nguyên liệu tóc. Điều này tiết kiệm thời gian cho các chuyên gia làm đẹp khi họ xác định được nguồn gốc hàng hóa, đồng thời có thể kiếm thêm 15-30% mức hoa hồng cho mỗi đơn hàng.

"Chuyên gia làm đẹp thường chỉ được thanh toán cho những dịch vụ họ cung cấp hoặc một mức lương cứng chứ chẳng được trả số tiền họ đáng được hưởng thêm khi chào bán một sản phẩm. Bởi vậy chúng tôi tạo ra một sân chơi mới cho mọi người", Imira cười nói.

Với giá trị thị trường tóc giả trọng cộng đồng người da đen lên tới 6 tỷ USD, Mayvenn có tiềm năng phát triển rất lớn, đấy là chưa kể đến khả năng vươn ra nước ngoài đến những khu vực thường dùng tóc giả khác như Châu Mỹ Latinh.

Kể từ khi thành lập đến nay, Mayvenn đã có mức doanh số 80 triệu USD với mạng lưới 50.000 chuyên gia làm đẹp, thợ tạo mẫu tóc trên cả nước. Mặc dù vẫn chưa sinh lời do phải tiêu tốn quá nhiều tiền cho các cuộc hẹn với nhà tạo mẫu tóc, Imira cho biết mức chênh lệch giá tóc đủ lớn để anh kiếm lời cho mỗi đơn hàng. Hiện Imira kỳ vọng doanh thu năm 2019 của mình sẽ cao hơn mức doanh thu 30 triệu USD của năm 2018.

 

Từ kẻ bán giày nhái đến nhà khởi nghiệp Thung lũng Silicon

Imira sinh ra và lớn lên tại Oakland cùng với mẹ. Năm 2003, anh đến Thâm Quyến-Trung Quốc dạy tiếng Anh và bắt đầu học khởi nghiệp ở đó.

"Nhìn vào đâu bạn cũng sẽ thấy có người rao bán hàng ở Trung Quốc. Đấy là một môi trường khởi nghiệp tuyệt vời", Imira chia sẻ.

Bắt đầu từ việc bán giày nhái, Imira mua những đôi giày nhái ở Trung Quốc với giá 20 USD và chuyển về Mỹ bán lại 70 USD cho bạn bè hay bất cứ ai có nhu cầu. Sau 1 năm, Imira đã chuyển đến Miami để kinh doanh nhập khẩu đồ nội thất từ Trung Quốc bán lại cho thị trường nội địa. Vốn tiếng Trung khá tốt cùng kinh nghiệm nhập hàng khiến Imira kiếm được tiền triệu mỗi năm và tiệc tùng suốt ngày.

"Tôi mở một phòng bán đồ nội thất nhỏ và sống dựa vào đó, nhưng công việc kinh doanh của tôi còn quá bé trong khi Thung lũng Silicon chỉ cách 45 phút lái xe từ nơi tôi ở. Và tôi muốn tham gia vào cuộc chơi lớn hơn đó", Imira trần tình.

Để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn, Imira theo học kinh doanh tại trường đại học Georgia State University để lấy bằng MBA. Nguyên nhân của quyết định này là không có ai trong gia đình anh đủ trình độ hay tài chính để giúp đỡ anh về kinh doanh. Người cha luật sư đã rời bỏ gia đình khi anh mới lên 5, còn người mẹ Do Thái chỉ là bác sĩ sản phụ khoa làm việc cho các phòng khám dành cho người có thu nhập thấp.

Sau khi tốt nghiệp, Imira vẫn chưa có định hướng rõ ràng vì không xác định được mình nên kinh doanh cái gì để có thể gia nhập cuộc chơi tại Thung lũng Silicon. Anh chuyển đến sống cùng mẹ tại Oakland và làm những công việc chân tay để mưu sinh. Imira cho biết đây là quãng thời gian tương đối khó khăn với bản thân về mặt tâm lý.

Anh Diishan Imira khi còn là giáo viên tại Trung Quốc

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi nhà tạo mẫu tóc Reina Butler, từng kinh doanh cùng gia đình Imira nhờ anh tìm nguồn cung tóc giả từ Trung Quốc. Năm 2012, Imira bay sang Trung Quốc và nhận ra tóc giả là thị trường tuyệt vời. Do nhỏ gọn nên giá thành vận chuyển rẻ, nhưng nhu cầu cao tại Mỹ khiến giá bán lẻ có thể tăng đến 400% so với giá gốc.

Nhận thấy đây là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời, Imira bắt đầu đến các hội thảo khởi nghiệp cũng như gia nhập các nhóm startup. Giai đoạn này Imira bắt đầu giới thiệu thương hiệu Mayvenn (nghĩa là "chuyên gia" trong tiếng Do Thái) tại các cuộc thi khởi nghiệp.

Cuối cùng, Imira đã thành công khi chiến thắng trong chương trình 500 Startups vào năm 2013, nhận được 50.000 USD tiền đầu tư cũng như được quảng bá cho hàng chục nhà đầu tư thiên thần.

 

Đối thủ "Jack Ma"

Cuối năm 2017, Mayvenn đã tuyển dụng được 50.000 nhà tạo mẫu tóc làm đội quân phân phối cho họ. Tuy nhiên thương mại điện tử đã khiến Imira phải lao đao khi các trang web bán lẻ như Alibaba của tỷ phú Jack Ma làm giảm 80% giá của Mayvenn.

"Alibaba đang tham gia cuộc chơi. Những xưởng tóc tại Trung Quốc đang bán trực tiếp cho khách hàng Mỹ với giá gốc của họ", anh Imira ngậm ngùi nói.

Để thích nghi, Imira phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Giờ đây Mayvenn bán tóc giả kèm dịch vụ nối tóc từ các nhà tạo mẫu với giá chiết khấu. Ý tưởng này giúp Mayvenn gọi vốn thêm được 23 triệu USD.

Mặc dù các nhà tạo mẫu tóc phải chấp nhận giảm giá dịch vụ nhưng bù lại, lượng khách hàng của họ lại nhiều và ổn định hơn.

"Tôi xem đó là thành công", nhà tạo mẫu Ariahnn Turner có thêm 26 khách hàng mới kể từ khi tham gia Mayvenn nhận định.

"Trước đây tôi chỉ có 1-2 khách mỗi tuần thì nay có đến 10 cuộc hẹn đặt lịch", nhà tạo mẫu tóc Toni Jaxx vui vẻ nói sau khi tham gia Mayvenn.

Theo Imira, những phụ nữ mua tóc giá rẻ trên Alibaba không thể biết họ sẽ nhận được những gì trong khi với Mayvenn, anh có thể đảm bảo chất lượng tóc suôn mượt, không xoăn rối. Thậm chí Mayvenn còn đảm bảo hoàn tiền trong 30 ngày nếu chất lượng tóc không như ý muốn.

Hiện Imira đang đa dạng hóa kinh doanh trước áp lực cạnh tranh từ thương mại điện tử. Anh đang có ý tưởng bán các sản phẩm như dầu gội hay mũ bonne mà phụ nữ da màu thường dùng vào ban đêm dể giữ tóc giả.

"Tôi đang cố gắng định hình lại mô hình kinh doanh trong ngành này. Dẫu vậy điều khiến tôi cảm động nhất là khi các chuyên gia tạo mẫu trân trọng những người xây dựng cái gì đó để giúp đỡ cộng đồng phụ nữ da màu", anh Imira nói.

AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : giày nhái, tóc giả, Silicon Valley