Năm 2020: Ngành dệt may Việt Nam vừa sản xuất vừa nghe ngóng chiến tranh thương mại

(NTD) - Năm 2019, ngành dệt may lỡ hẹn mục tiêu xuất khẩu. Và trong năm 2020 ngành này vẫn đang nghe ngóng tình hình chiến tranh thương mại với tâm lý sản xuất dè chừng, thận trọng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường.

Năm 2018 ngành dệt may chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay khi kim ngạch xuất khẩu đạt 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017 thì sang năm 2019 ngành bắt đầu có sự giảm tốc. Mặc dù ghi nhận mức tăng 7,55% so với năm 2018 song kết thúc năm 2019, xuất khẩu toàn ngành không đạt 40 tỷ USD như kỳ vọng đầu năm, dừng lại ở mức 39 tỷ USD. 

Ông Trần Như Tùng – Phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần dệt may Thành Công cho biết tổng doanh thu của doanh nghiệp này đi ngang (tương đương với năm 2018).

Công ty May Hưng Yên cũng không có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019. “Đối với doanh nghiệp chúng tôi, hiệu quả kinh doanh có tăng nhưng không tăng bằng năm trước. Tổng kim ngạch cuối năm những năm trước đạt 280 triệu USD thì năm nay đạt 300 triệu USD, tăng 5% so với năm trước”. – ông Nguyễn Xuân Dương Chủ tịch HĐQT Cty May Hưng Yên cho biết.

Theo các doanh nghiệp, một trong những lý do khiến xuất khẩu không được như kỳ vọng là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Bên cạnh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may cũng phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Nhiều năm trở lại đây, ngành dệt may luôn tăng trưởng khá và là một trong những ngành công nghiệp chủ lực và là mũi nhọn của Việt Nam. Song, nhìn lại năm 2019, các doanh nghiệp dệt may đã trải qua rất nhiều khó khăn khi phải chịu sức ép bởi những tác động của thị trường thế giới.

Ông Tùng cho biết thêm năm 2019 là năm khó khăn đối với ngành dệt may. Những tháng đầu tiên, được kỳ vọng 2019 là năm có thể phát triển tốt cho ngành dệt may Việt Nam, sau khi có cuộc chiến tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, thực tế nó không hề đơn giản. Thực tế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ  - Trung đã làm ảnh hưởng tới mình rất nhiều, đến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thành Công nói riêng, nhất là các doanh nghiệp sản xuất sợi. Bởi vì khi cuộc chiến nổ ra thì lượng nhập sợi từ phía Trung Quốc sụt giảm đáng kể, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sợi chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên làm giảm nguồn cầu xuống,  ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu sản phẩm sợi sang Trung Quốc.

2019 là một năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường không thể lường trước, thậm chí còn kéo dài hơn dự kiến. Theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau, nhưng năm nay đơn hàng dè dặt hơn và giảm so với năm 2018.

Theo ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch HĐQT Cty may Sài Gòn 3, năm 2020 các doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị cho năm mới nhưng vẫn còn theo dõi tình hình, diễn biến như thế nào. Ví dụ chiến tranh thương mại sẽ ra sao, việc mở rộng các thị trường trong CPTPP trong thời gian qua chưa nhiều nên tiếp tục khai thác cái đó. Thứ 3 là sẽ  kết hợp với các khách hàng nhập khẩu để lựa chọn các mã hàng có thể khai thác được các lợi thế về nguyên phụ liệu.

 Vị này còn cho biết ngành dệt may thường có chu kỳ, thường thì cách 1 năm có nhiều đơn hàng, sẽ đến một năm ít đơn hàng. Năm 2020 sẽ là năm dự đoán đơn hàng đổ về Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là các đơn hàng đi thị trường Mỹ.

Để đạt được kết quả trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội từ  EVFTA, ngành dệt may cần chú trọng tháo gỡ những nút thắt về nguồn cung nguyên liệu đã và đang bị thiếu hụt, cùng với đó là các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường.

Năm 2020 đang đến gần. Nhiêu khó khăn và thách thức, nhưng kỳ vọng ở bức tranh phát triển màu sắc tươi sáng vẫn là chủ đạo đối với kinh tế Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng.

 Kim Ngọc

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Ngành dệt may Việt Nam, chiến tranh thương mại