Đưa da giày trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn

Luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liền, đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu (XK) giày dép, mở rộng thị trường XK sản phẩm tới trên 100 nước, trong đó có 70 nước đạt kim ngạch XK trên 1 triệu USD… Tuy nhiên, để đưa da giày trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn rất cần sự đồng hành, chung sức của nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
 

Xuất khẩu vượt mục tiêu

Trước nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu, năm 2019 được xem là năm thành công của ngành da giày Việt Nam, khi kim ngạch XK vượt mục tiêu 22 tỷ USD, tăng 12,2%; trong đó, 18,3 tỷ USD giày dép và 3,7 tỷ USD túi xách, tăng lần lượt là 12,8% và 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

dua da giay tro thanh nganh cong nghiep mui nhon
Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất

Tại Hội nghị tổng kết ngành da giày túi xách Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) - đánh giá, XK của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Đặc biệt, hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm giúp ngành mở rộng thị trường XK tại khu vực châu Mỹ, với các thị trường tiềm năng như Mexico, Canada, Chile, Peru.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, riêng 5 thị trường lớn: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm 82% tổng kim ngạch XK giày dép và 87,4% tổng kim ngạch XK túi xách của Việt Nam. Cụ thể, XK sang Hoa Kỳ đạt 7,410 tỷ USD, chiếm 36% tổng XK giày dép của Việt Nam, tăng 13%; tiếp đến là EU đạt 5,418 tỷ USD, tăng 7,2%; Trung Quốc đạt 1,776 tỷ USD, tăng 19,3%; Nhật Bản đạt 1,252 tỷ USD, tăng 13,8%; Hàn Quốc đạt 672 triệu USD, tăng 15,5% so với năm 2018...

Mặc dù vậy, bức tranh tổng thể của ngành chưa có sự thay đổi nhiều, khi các doanh nghiệp (DN) FDI vẫn là trụ cột XK chính. Trong 11 tháng năm 2019, các DN FDI đã XK 15,1 tỷ USD giày dép, túi xách, chiếm tỷ trọng 75,8%. So với 2 năm trước, tỷ trọng XK của DN trong nước đã có sự cải thiện (năm 2017 là 80,3%, năm 2018 là 78,4%). Tỷ trọng XK của khối DN trong nước đã có sự tăng lên trong các năm 2018-2019, chiếm 23,5% về giày dép và chiếm 24,2% với túi xách tổng kim ngạch XK toàn ngành.

Cần có định hướng mới và cụ thể

Dù XK ngành da giày, trong đó có giày dép đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) nhưng Việt Nam vẫn chưa có công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành da giày, khiến các DN sản xuất, XK giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, ngành da giày Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Vì thế, không cách nào khác, phải phát triển CNHT, cụ thể phải tập trung sản xuất nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước.

Theo Lefaso, nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… chuyên dùng cho ngành da giày, với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất các loại nguyên, phụ liệu cho da giày… Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giày, kết nối các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đại diện Bộ Công Thương, da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển CNHT sao cho hợp lý. Mặc dù quá trình thực hiện đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, tuy nhiên Lefaso cần có định hướng mới và cụ thể để các cơ quan chức năng của bộ nghiên cứu, triển khai theo hướng phù hợp. Bên cạnh đó, để tận dụng được các cơ hội, hạn chế thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do, các DN da giày cần tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chủ động hơn trong việc phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc phát triển CNHT ngành da giày, tìm kiếm mở rộng thị trường cũng như hỗ trợ các DN nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để đưa da giày trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Năm 2020, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 24 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình toàn ngành tăng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60%, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.

Theo Hoàng Lan (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : da giày, ngành công nghiệp mũi nhọn